Một bệnh nhân nam đã vào cấp cứu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trong tình trạng chảy máu nhiều bộ phận không thể cầm. Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị bệnh rối loạn đông máu (RLĐM).
Bệnh nhân này không có tiền sử bệnh này, song, trước đó người này có ăn thịt chó.
Bệnh nhận bị rối loạn đông máu thường xuất huyết các vệt bầm tím. Ảnh: Sức khỏe đời sống. |
Các bác sĩ cho rằng con chó mà bệnh nhân ăn thịt có thể đã ăn phải chuột chết, trong bả khiến chuột chết có chất chống đông máu. Hoặc con chó mà bệnh nhân ăn thịt bị trúng bả chó.
Chính chất chống đông trong bả chó, bả chuột trong thịt chó là nguyên nhân khiến bệnh nhân gián tiếp bị ngộ độc, máu chảy không cầm được.
Trao đổi với Zing.vn, thạc sĩ, bác sĩ Bảo Anh (Khoa Ghép tế bào gốc - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết, đây là trường hợp hiếm gặp. Trong gần 4 năm qua chỉ có khoảng 35 bệnh nhân bị RLĐM như vậy.
Các dấu hiệu của bệnh RLĐM:
- Mảng bầm to ở da
- Chảy máu trong cơ, khớp, thường gặp nhất là gối, khuỷu, mắt cá chân, gây ra đau, sưng cứng và khó cử động khớp.
- Chảy máu kéo dài sau 1 vết cắt, nhổ răng, phẫu thuật...Chảy máu kéo dài sau tai nạn, đặc biệt là chấn thương đầu. (Viện Huyết học Truyền máu Trung Ương)
"Các bệnh nhân bị ngộ độc thuốc chống đông thường vào viện trong tình trạng xuất huyết dưới da. Bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt nhiều cơ quan nội tạng như răng, đường tiêu hóa, đi ngoài ra máu", bác sĩ Bảo Anh nói.
Vẫn theo bác sĩ Bảo Anh, với các trường hợp bệnh nhân nhẹ không phải truyền thêm máu mà chỉ cần điều trị thuốc, bệnh nhân có thể ra viện sau một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, viện cũng có những trường hợp chảy máu không cầm được suốt nhiều tháng. Nặng nhất là bệnh nhân bị xuất huyết não, còn điều trị lâu nhất là hơn 30 tháng tại viện mới khỏi hẳn.
Theo giáo sư Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học), những bệnh nhân bị RLĐM vì ngộ độc chất chống đông như trên chỉ có ở... Việt Nam.
Đặc biệt, những bệnh nhân khi bị RLĐM chỉ chấn thương nhẹ, gãi nhẹ máu cũng không cầm được. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do warfarin - chất chống đông máu kháng vitamin K. Nhiều loại thuốc chuột trên thị trường có chứa thành phần này.
Không tẩy giun - nguy cơ rối loạn đông máu cao
"Với những bệnh nhân không có tiền sử bị RLĐM, ngoài ăn thịt chó thì bệnh nhân có thể bị nhiễm bệnh khi không tẩy giun định kỳ", giáo sư Trí nói.
"Bệnh nhân không tẩy giun, nhiều ký sinh trùng. Những ký sinh trùng có thể làm rối loạn, tăng bạch cầu hay làm rối loạn chức năng của tiểu cầu, gây xuất huyết, không cầm được máu", bác sĩ Bảo Anh phân tích.
Vẫn theo các bác sĩ để điều trị, những bệnh nhân bị RLĐM do không tẩy giun đơn giản hơn các bệnh nhân bị ngộ độc thuốc chống đông. Các bệnh nhân này chỉ cần tẩy giun, tùy vào thể trạng có thể truyền thêm tiểu cầu là sẽ nhanh chóng hồi phục.
Bệnh Rối loạn đông máu - Hemophilia là bệnh tương đối hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh khi sinh là 1/10.000. Người bệnh chảy máu lâu hơn bình thường. Nguyên nhân là do thiếu yếu tố đông máu.
Các vị trí thường gặp là cánh tay, khuỷu tay, cẳng tay, đùi, gối , mắt cá chân, cơ thắt lưng, cơ bắp chân. Bệnh nhân thường không thể sống nếu không được truyền máu; trong sinh hoạt thường ngày không được va chạm mạnh, không được chơi thể thao...
Hiện ở Việt Nam có khoảng 5.000 bệnh nhân mắc bệnh trong đó số được chẩn đoán và quản lý là 800 (chỉ chiếm 16%).