Mổ ở nơi chưa từng là phòng mổ
Gặp chúng tôi tại phòng Cấp cứu của bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương, anh trai của sản phụ Vi Thị Hồng (29 tuổi, xã Phú Châu, Đông Hưng, Thái Bình) vẫn chưa hết lo lắng sau cơn nguy kịch của em gái.
Theo anh, cách đây 2-3 tuần, chân của chị Hồng xuất hiện 1 số vết bầm tím không rõ nguyên nhân.
"Thấy cô đi làm về kêu mệt lại đang mang thai sắp đến ngày sinh nở nên chúng tôi giục cô chú đi khám tại bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Bình. Ngày 30/9, bệnh viện chuyển lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và được kết luận ung thư máu. Gia đình vô cùng bàng hoàng vì em tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, không có giấu hiệu của của bệnh”, anh này kể.
Chị gái đang chăm sóc sản phụ Vi Thi Hồng. |
Vừa lau nước mắt vừa xoa đầu em gái, chị Vũ Thị Hằng kể, thấy em đi làm về tối nào cũng kêu mệt, da dẻ ngày càng xanh xao nên chị khuyên nghỉ để lấy dưỡng sức chuẩn bị sinh; đồng thời bảo em đi thăm khám siêu âm
"Nó bảo cháu vẫn khỏe bình thường, gia đình cũng yên tâm nào ngờ các bác sĩ không nhanh thì em tôi đã....", chị nhớ lại những giờ phút nguy kịch vừa qua.
Bác sĩ Bạch Quốc Khánh (Phó viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho hay, bệnh nhân Hồng mắc bệnh ung thư máu - bạch cầu cấp thể M3 với tình trạng tế bào bạch cầu (ác tính) tăng rất cao (hơn 100 giga/lít trong khi mức thông thường là 4-10 giga/lít) và rối loạn đông máu nặng (RLĐM).
Thường, bệnh viện gặp khoảng 5-7% các trường hợp như thế này và đồng thời mang thai. Phác đồ là tiến hành điều trị RLĐM cho bệnh nhân về mức chấp nhận được để thực hiện phẫu thuật lấy thai rồi lai đưa về viện tiếp tục điều trị bệnh. Theo đó, bệnh nhân Hồng dự kiến sáng 3/10 được được mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Tuy nhiên vào 22h ngày 2/10, bệnh nhân đột ngột bị xuất huyết não, rơi vào hôn mê. Trước nguy cơ tử vong lên tới 90-95%, bệnh viên lập tức kết nối với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương để bàn phương án cứu thai nhi.
Theo bác sỹ Khánh, kíp mổ đã đến quyết định mổ lấy con ngay tại Khoa Khám bệnh của Viện vì nếu chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phụ sản thì nguy cơ thai phụ tử vong rất cao, hơn nữa việc điều trị cho bệnh nhân sau phẫu thuật cần tới các chế phẩm máu đặc biệt từ viện Huyết học.
“Do không liên quan đến Ngoại khoa nên chúng tôi không chuẩn bị gì. Sau khi quyết định mổ tại Viện, chúng tôi lập tức tìm 1 phòng yên tĩnh, sạch sẽ ở Khoa Cấp cứu. Đồng thời huy động toàn bộ kíp trực khoảng 8 người liên tục truyền máu cho sản phụ trong thời gian đợi các anh chị phụ sản sang”, vị Phó viện trưởng chia sẻ.
Ê kíp mổ cho sản phụ Hồng tại Viện huyết học Trung ương. |
Giữa đêm 3/10, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thiện Thái, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng ê kíp 7 người đã có mặt tại Viện Huyết học và tiến hành ca mổ. Thời gian chỉ tính bằng phút. Gần 20 bác sĩ và nhân viên y tế của 2 bệnh viện đã tham gia vào ca mổ và cứu thành công em bé nặng 1,8 kg.
“Bé được hồi sức hô hấp tại chỗ và chuyển về Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đến ngày 9/10 cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Về sản phụ, do đang mang thai nên không thể truyền hóa chất mà chỉ truyền máu và giữ cho không chảy máu thêm. Tuy nhiên, sau khi lấy thai ra, chúng tôi thì hoàn toàn có thể làm", ông Khánh cho hay.
Cũng theo vị bác sĩ này, tình trạng của sản phụ hiện ổn định do xuất huyết não nên bị hôn mê sâu. Viện đang tiến hành điều trị bệnh bạch cầu cấp. Tình trạng RLĐM đang được cải thiện, các tế bào ung thư giảm dần.
"Chuyện sản phụ bị bạch cầu cấp khi mang thai chúng tôi gặp nhiều, nhưng trường hợp cấp cứu xuất huyết não ngay giữa đêm và phải quyết định tiến hành mổ ngay tại Viện Huyết học, nơi chưa từng là phòng mổ trước đó, thực sự chắc cả cuộc đời tôi chỉ có một lần", bác sĩ Khánh chia sẻ.
Đánh giá về ca cấp cứu hi hữu lần đầu tiên tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng cho biết, Viện chỉ định sáng hôm sau sẽ chuyển bệnh nhân đi sang Phụ sản Trung ương để mổ cứu bé, chứ không hy vọng gì cứu được bà mẹ. Nhưng giữa đêm RLĐM lên cực điểm, bệnh nhân xuất huyết não hôn mê rất nhanh.
Ê kíp trực đã quyết định mổ lấy thai ngay tại bệnh viện, cứu được cháu bé và thực hiện mổ an toàn tại 1 nơi không phải là phòng mổ trên cơ thể bệnh nhân bị ung thư máu thể nặng; điều trị huyết học tốt để cầm giữ được bệnh ung thư máu.
"Với hy vọng chỉ cứu được con nhưng kết quả được cả hai. Sau khi lấy đứa con ra việc điều trị mẹ đỡ hẳn, RLĐM bớt dần. Bệnh nhân này bị tế bào ác tính thể nặng, trên 100 giga/lít nhưng hiện nay giảm xuống còn 60 và mới nhất là 20 giga/lít", Viện trưởng Trí cho hay.