Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chạy đua tăng công suất bia

Thị trường bia đang nóng dần lên khi hàng loạt ông lớn trong ngành đều tuyên bố tăng công suất.

Theo các doanh nghiệp, do thị trường vẫn rất đầy tiềm năng cho loại thức uống luôn được người tiêu dùng Việt đặc biệt yêu thích này.

Xây nhà máy mới, mở rộng quy mô

Ông Hirofumi Kishi, tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, cho biết ban giám đốc công ty đã thông qua phương án nâng công suất sản xuất bia từ mức 40 triệu lít lên 100 triệu lít/năm cho giai đoạn hai của nhà máy đặt tại Long An. Với mục tiêu này, Sapporo sẽ lắp đặt thêm máy móc để mở rộng công suất, đồng thời phát triển chiến lược phân phối. “Chúng tôi hiện đang tập trung thị trường chính ở TP.HCM, nhưng sắp tới sẽ mở rộng ra các tỉnh lân cận, khu vực ĐBSCL và Hà Nội”, ông Kishi nói.

Không chỉ tăng sản lượng, các doanh nghiệp sản xuất bia còn đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị, khuyến mãi nhằm kích thích sự tiêu thụ của người tiêu dùng trong bối cảnh chi tiêu đang gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: vận chuyển bia tại cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM

Không chỉ tăng sản lượng, các doanh nghiệp sản xuất bia còn đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị, khuyến mãi nhằm kích thích sự tiêu thụ của người tiêu dùng trong bối cảnh chi tiêu đang gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: vận chuyển bia tại cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM

Sau khi khởi công dự án bia Sài Gòn - Cần Thơ công suất 50 triệu lít/năm, vốn đầu tư hơn 450 tỷ đồng, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng tiếp tục có thêm dự án mới là nhà máy bia Sài Gòn - Kiên Giang với công suất 50 triệu lít/năm, vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng.

Còn tại TP.HCM, nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi cũng đang được xem xét nâng công suất. Như vậy, với 24 dự án đã và đang được đầu tư trong thời gian qua, tổng năng lực sản xuất của Sabeco sẽ vượt hơn 2 tỷ lít bia so với mức hiện có là 1,8 tỉ lít bia, đứng đầu thị trường về năng lực cung ứng so với các “đại gia” bia khác đang có mặt trên thị trường.

Một thương hiệu nước ngoài quen thuộc lâu nay là Heineken của công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) hiện đã nâng công suất lên 420 triệu lít/năm so với mức trước đó là 150 triệu lít/năm.

Trong khi đó, nhà máy bia công suất 190 triệu lít/năm, do Tập đoàn BTG Holding (Slovakia) đầu tư với số vốn 86 triệu EUR tại Hòa Bình, dự kiến quý IV/2015 sẽ cho ra lò mẻ bia đầu tiên vì tốc độ xây dựng sau khi khởi công dự án này diễn ra khá nhanh. Công ty AB In Bev (Mỹ) - đơn vị đang sở hữu thương hiệu bia Budweiser và một số thương hiệu bia khác - cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây nhà máy công suất 100 triệu lít/năm để kịp đưa vào vận hành cuối năm 2014.

Khu kinh tế cửa khẩu: 'Ôm' rượu bia ngoại chờ giải cứu

Phần lớn các khu kinh tế, thương mại cửa khẩu... đều trong tình cảnh đìu hiu khách mua sắm, không doanh nghiệp đầu tư.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA), mức tiêu thụ bia của VN trong năm 2014 được dự báo tiếp tục tăng thêm 7% so với con số 3 tỷ lít đã tiêu thụ trong năm 2013, bất chấp nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Riêng sáu tháng đầu năm 2014, mức tiêu thụ bia các loại chỉ bằng 42-44% so với cùng kỳ, tương ứng khoảng 1,32 tỷ lít.

“Tôi biết các doanh nghiệp đang cạnh tranh nhau rất gay gắt để giữ được thị phần, bởi kinh tế càng khó khăn thì càng khó bán hàng. Tăng trưởng 7% so với năm ngoái, nếu đạt được, sẽ là một kỳ tích trong bối cảnh cạnh tranh quá khốc liệt như hiện nay”, ông Việt nhận định.

Nhận định của ông Việt hoàn toàn có cơ sở, khi Sabeco lần đầu tiên trong vòng ba năm gần đây, chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 15 triệu lít (tương ứng khoảng 1%) trong tổng mức 1,336 tỷ lít của cả năm 2014 so với lượng tiêu thụ của năm ngoái. Kèm theo đó là mức ngân sách sẽ nộp cũng sụt giảm, chỉ bằng 98% của năm trước, tương ứng khoảng 6.501 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, tổng giám đốc Sabeco, cho rằng sức ép cạnh tranh đến từ các thương hiệu ngoại thật sự gây không ít khó khăn cho Sabeco trong thời gian qua, chưa kể “việc phát triển không đồng đều của các sản phẩm chính, sản phẩm có giá trị cao... đã hạn chế công tác điều hành giữa sản xuất và tiêu thụ”.

Theo các chuyên gia trong ngành, sức ép cạnh tranh mà Sabeco đang đối mặt cũng chính là “bi kịch” của doanh nghiệp này khi 80% sản lượng tiêu thụ chính của Sabeco tập trung vào thương hiệu bia lon “333” và bia chai “Sài Gòn đỏ”, dòng sản phẩm của phân khúc có mức giá trung bình và thấp.

Riêng “Saigon Special” dạng lon 330ml, hoặc “Saigon Special” dạng chai lùn dung tích 330ml với slogan nổi tiếng “Dù bạn không cao, nhưng ai cũng phải ngước nhìn”, tuy có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng qua từng năm, nhưng doanh số vẫn chiếm tỉ trọng rất khiêm tốn trong “rổ” các sản phẩm hiện có khác của Sabeco.

Trong khi đó, ở cùng đẳng cấp thương hiệu, các nhãn hàng đang có mặt trên thị trường như Heineken, Sapporo, Tiger, thậm chí là Budweiser sắp tới, đều có giá trị thương mại cao hơn. “Do đó, dù sản lượng tiêu thụ của các đối thủ có thể không nhiều như Sabeco nhưng lợi nhuận của họ đôi khi lại vượt hơn cả Sabeco là điều cũng không có gì khó hiểu”, một chuyên gia bình luận.

Chi hàng ngàn tỷ đồng cho quảng cáo, tiếp thị

Các hãng bia hiện đang ra sức “vung tiền” cho các khâu quảng bá, tiếp thị, khuyến mãi, hỗ trợ đại lý dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu năm 2012 Sabeco chỉ chi khoảng 500 tỷ đồng cho marketing thì năm 2013 mức ngân sách này đã xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Nhưng nếu so với các thương hiệu bia nước ngoài, vốn có thế mạnh về tiềm lực tài chính dồi dào, thì sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước luôn vào thế đuối sức trên cùng một đường đua. Một chuyên gia marketing trong ngành tiết lộ mức độ chịu chi của các thương hiệu bia ngoại, đặc biệt với những nhãn bia mới hoặc đang ngấp nghé xâm nhập thị trường Việt, phải được tính bằng con số hàng chục triệu USD trở lên.

 

 

http://tuoitre.vn/Kinh-te/614804/chay-dua-tang-cong-suat-bia.html

Theo Trần Vũ Nghi/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm