Các quốc gia châu Phi hiện bị bỏ lại khá xa trong cuộc chạy đua vaccine Covid-19 toàn cầu. Trên thực tế, lục địa này dường như vẫn đang quanh quẩn ở vạch xuất phát, hãng tin AP nhận định.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Phi hiện thiếu khoảng 700 triệu liều vaccine Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona mới chưa có dấu hiệu giảm.
Các nước châu Phi đang chật vật đối mặt với làn sóng dịch bệnh trong tình cảnh khan hiếm vaccine trầm trọng. Ảnh: Reuters. |
"Vạch xuất phát"
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tại Nam Phi, quốc gia có tiềm lực kinh tế lớn nhất châu Phi, đồng thời là ổ dịch lớn nhất lục địa đen, chỉ 0,8% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ.
Hàng trăm nghìn nhân viên y tế ở Nam Phi, những người có nguy cơ phơi nhiễm với virus cao nhất, vẫn chưa được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 nào.
Femada Shamam, nhà hoạt động xã hội ở thành phố Durban của Nam Phi, chỉ thấy khoảng một nửa trong số 1.600 người già yếu mà bà chăm sóc được tiêm chủng.
"Họ thực sự thất vọng", bà Shamam nói về những người chưa được tiêm ngừa Covid-19. 22 người trong số này đã chết vì Covid-19.
Một nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Munsieville, ngoại ô Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Reuters. |
Chỉ 0,1% dân số Nigeria được tiêm phòng đầy đủ. Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu nhân khẩu. Tỷ lệ tiêm chủng ở Kenya thậm chí còn thấp hơn, theo AP.
Giới chức Uganda thậm chí thu hồi lượng vaccine phân phối ở nông thôn vì nước này không có đủ nguồn lực để đối phó với các ổ dịch bùng phát tại những thành phố lớn.
Cộng hòa Chad ở Trung Phi chỉ mới khởi động chương trình tiêm chủng từ đầu tháng 6. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (ACDC), ít nhất 5 quốc gia châu Phi khác chưa tiêm một mũi vaccine ngừa Covid-19 nào.
"Tình hình hiện tại rất đáng quan ngại", tiến sĩ John Nkengasong, nhà virus học người Cameroon, nhận định. Ông là một trong những cá nhân đang nỗ lực giúp các quốc gia nghèo nhận đủ lượng vaccine Covid-19 cần thiết, trong bối cảnh các nước đang phát triển bị tụt lại trong cuộc đua tiêm chủng toàn cầu.
Các nước giàu vét sạch vaccine
Trái với tình cảnh ở châu Phi, Mỹ và Anh đều đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 40% dân số. Tỷ lệ này ở các quốc gia châu Âu rơi vào ngưỡng gần 20%.
Một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức thậm chí đã tiêm phòng cho thanh niên, đối tượng được đánh giá là có ít nguy cơ mắc Covid-19.
Giới quan sát đã cảnh báo từ năm 2020 rằng các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp sẽ khó cạnh tranh với những nước phát triển trong cuộc đua tích trữ vaccine.
Trong một cuộc phỏng vấn, tiến sĩ Nkengasong đã kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thuộc khối G-7 chia sẻ nguồn vaccine dự phòng để ngăn chặn một "thảm họa về mặt đạo đức".
Tiến sĩ John Nkengasong công khai kêu gọi giới chức các nước phát triển chia sẻ vaccine Covid-19 cho những quốc gia thu nhập trung bình và thấp. Ảnh: Reuters. |
"Hầu hết quốc gia G-7 đều có thừa vaccine", tiến sĩ Nkengasong nói. "Tôi tin rằng các quốc gia này không muốn lịch sử quay lưng với họ".
"Hãy phân phối lượng vaccine dự trữ ấy", nhà virus học người Cameroon kêu gọi. "Chúng tôi cần nhìn thấy số vaccine đó, chứ không chỉ những lời hứa hẹn và lòng thiện chí".
Tuy nhiên, không phải nhà hoạt động nào cũng có đủ kiên nhẫn để kêu gọi và thương thuyết như tiến sĩ Nkengasong.
"Người ta đang chết dần từng ngày. Thời gian đang chống lại chúng ta. Điều này thật điên rồ", luật sư nhân quyền người Nam Phi Fatima Hasan, viết trong một chuỗi thông điệp kêu gọi chấm dứt tình trạng bất bình đẳng trong y tế.
Lô vaccine Covid-19 thứ hai của Johnson & Johnson được vận chuyển đến sân bay quốc tế O.R Tambo thuộc thành phố Johannesburg, Nam Phi vào ngày 27/2. Ảnh: Reuters. |
Đầu tháng 6, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo rằng Mỹ sẽ chia sẻ 25 triệu liều vaccine dự phòng cho các quốc gia đang khủng hoảng vì Covid-19 ở châu Á, châu Phi và các nước Mỹ Latin.
Ngày 9/6, AP dẫn một nguồn tin nội bộ cho biết Mỹ sẽ mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer và phân phối thông qua chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn trong năm 2022. Cơ chế COVAX vốn được thiết kế để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp tiếp cận vaccine.
Tỷ phú người Anh Mo Ibrahim, sinh ra ở Sudan, nói rằng khẩu hiệu "Không ai an toàn cho đến khi mọi người an toàn" mà lãnh đạo các nước phát triển hay lặp lại là vô nghĩa, cho đến khi những nước này chấp nhận chia sẻ vaccine.
"Họ rêu rao câu nói đấy trong khi lại tích trữ lượng lớn vaccine", ông Ibrahim nói. "Đừng chỉ lặp lại như vẹt. Liệu họ có nói những điều đấy một cách thật lòng không?".