Châu Phi giống như những khu vực khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với nguy cơ của một đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19. Theo Guardian, cho đến nay, cả châu lục này có hơn 120.000 người qua đời do đại dịch. Dù vậy, đây là một thành công lớn với châu Phi, khu vực với có hạ tầng y tế nghèo nàn nhất trên thế giới.
Nhận thức được một đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19 có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tại khu vực này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi châu Phi là khu vực được ưu tiên trong sáng kiến phân phối vaccine COVAX. Tuy vậy, WHO cho biết các nước châu Phi tới nay mới chỉ chiếm 2% tổng số vaccine được tiêm trên thế giới.
Bên cạnh tình trạng thiếu hụt vaccine do sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia chịu trách nhiệm sản xuất sản phẩm này như Ấn Độ, việc lãng phí vaccine nghiêm trọng tại châu Phi đã làm ảnh hưởng quá trình tiêm chủng ở nước này.
Vaccine bị lãng phí
Vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay có rất nhiều liều vaccine Covid-19 không được sử dụng tại các quốc gia châu Phi. Malawi hiện có 16.400 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong tình trạng quá hạn sử dụng. Điều tương tự cũng xảy ra tại Nam Sudan với 56.000 liều vaccine Covid-19 của nước này đã hết hạn vào hôm 13/4.
Cả hai quốc gia trên dự kiến sẽ tiêu hủy những liều vaccine này bất chấp kiến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị được kiểm tra xem các sản phẩm trên có thể được sử dụng quá hạn hay không.
Các quốc gia châu Phi dự tính tiêu hủy hàng nghìn liều vaccine do vượt quá hạn sử dụng. Ảnh: AFP. |
Đối với Congo, nước này hiện không thể sử dụng phần lớn trong số 1,7 triệu liều vaccine Covid-19 mà nước này nhận được theo sáng kiến COVAX. Hiện tại Congo mới chỉ tiến hành tiêm chủng 1.000 liều vaccine, theo BBC. Việc số vaccine trên dự kiến hết hạn vào ngày 24/6 đã buộc Congo phải gửi một phần vaccine Covid-19 của nước này cho các quốc gia khác như Togo và Ghana.
Thiếu chuẩn bị
Theo bà Phionah Atuhebwe, một nhà nghiên cứu vaccine thuộc WHO, một trong những lý do dẫn tới sự lãng phí vaccine tại châu Phi chính là việc các quốc gia đã thiếu sự chuẩn bị cho quá trình tiêm vaccine tại các nước.
Ông John Nkengasong, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tất châu Phi, các quốc gia trong khu vực cần được trợ giúp về nhân lực và các trang thiết bị y tế như quần áo bảo hộ để có thể đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.
Qúa trình tiêm chủng tại các nước châu Phi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự thiếu hụt nhân viên y tế và các thiết bị bảo hộ tại các quốc gia này. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, việc lãng phí hàng trăm nghìn liều vaccine Covid-19 cũng đến từ sự thiếu liên lạc giữa các quốc gia. Sau khi Nam Phi đình chỉ việc tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca do lo ngại về hiệu quả của loại vaccine trên, nước này đã chuyển hơn 1 triệu liều vaccine cho Liên minh châu Phi (AU) nhằm phân phối cho các quốc gia kém phát triển khác trong khu vực.
Tuy vậy, sự thiếu liên lạc giữa tổ chức này và các quốc gia được phân phối vaccine đã dẫn đến tình trạng gần 1 triệu liều vaccine trên vượt quá hạn sử dụng.
Ông Nkengasong cho rằng để tránh lặp tình trạng trên, các quốc gia châu Phi cần phải thiết lập một hệ thống liên lạc hiệu quả hơn.
Ngoài ra, tâm lý nghi ngờ của công chúng đối với các loại vaccine phòng Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng dư thừa.
Tâm lý lo sợ của người dân đã khiến cho chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại châu Phi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Reuters. |
Theo Bộ trưởng Y tế Sierra Leone Austin Demby, nước này đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian cho việc thuyết phục người dân tiêm vaccine Covid-19.
Việc Nam Phi đình chỉ việc tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca vào tháng 3 cũng đã thúc đẩy tâm ý lo sợ không muốn tiêm vaccine của người dân các quốc gia còn lại tại châu Phi.