Trong vài tuần qua, nhiều quốc gia Tây Âu đã để mắt đến số ca bệnh Covid-19 của Anh với sự lo lắng ngày càng gia tăng, theo Guardian.
“Tại sao nước Anh có hơn 40.000 ca nhiễm mỗi ngày, và tại sao nước này lại là quốc gia châu Âu có nhiều trường hợp mắc Covid-19 nhất?”, tờ ABC của Tây Ban Nha đặt câu hỏi, trong khi tờ L’Express của Pháp chỉ trích “cái nhìn thiển cận tai hại” của London.
“Nỗi sợ hãi quay trở lại London sau khi Bộ trưởng Y tế Anh, Sajid Javid, đề xuất các ca bệnh có thể lên tới 100.000 mỗi ngày trong mùa đông”, tờ Corriere della Sera của Italy viết. “Người Anh sẵn sàng chịu đựng bao nhiêu cái chết để không từ bỏ quyền tự do của họ?”.
Nhưng trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở Anh tiếp tục tăng nhanh từ giữa tháng 9, các quốc gia Tây Âu có số dân đã chủng ngừa tương đương hiện cũng chứng kiến số ca mắc bắt đầu tăng lên, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng mới tại châu lục này.
Tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh
Theo Our World in Data, Vương quốc Anh ghi nhận số ca mắc trung bình bảy ngày là 666,5 trường hợp trên một triệu người vào ngày 20/10, so với 40 ở Tây Ban Nha, 44,5 ở Italy, 80,2 ở Pháp, 146,7 ở Đức, 223,3 ở Hà Lan và 328,8 ở Bỉ.
Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng ở tất cả 6 quốc gia, thậm chí tăng nhanh ở một số nước. Chính phủ Bỉ hôm 21/10 đã bắt đầu khuyến nghị người dân đeo khẩu trang và làm việc tại nhà khi số ca nhiễm mới ở nước này tăng hơn 40% trong 3 ngày.
“Rõ ràng là chúng ta đang ở trong làn sóng dịch thứ tư”, Bộ trưởng Y tế Bỉ, Frank Vandenbroucke, cho biết. “Chúng ta thấy sự gia tăng đáng kể về các ca nhiễm và cả số người nhập viện”.
Người dân đứng đợi tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP. |
Bỉ hiện xét nghiệm miễn phí cho những ai sử dụng trang web của chính phủ để kiểm tra các triệu chứng của họ.
Ở Hà Lan, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng gấp đôi trong hai tuần qua. Ở Đức, quốc gia đã duy trì khoảng 100 trường hợp mới trên một triệu người kể từ giữa tháng 9, số người mắc mỗi ngày đã tăng khoảng 40% trong một tuần qua.
Pháp - nơi các nghị sĩ đã bỏ phiếu vào tối ngày 20/10 để yêu cầu sử dụng hộ chiếu vaccine cho đến mùa hè năm sau nếu cần thiết - và Tây Ban Nha đều ghi nhận mức tăng 17% số ca bệnh trong bảy ngày. Con số này của Italy là gần 6%.
Anh có "kế hoạch B"?
Đối với nhiều người ở Tây Âu, quyết định trong phòng chống dịch bệnh của Vương quốc Anh là nguyên nhân cho làn sóng dịch thứ tư. Nước này đã nới lỏng gần như tất cả hạn chế về giãn cách vào mùa hè này, không bắt buộc đeo khẩu trang tại không gian công cộng trong nhà và từ chối thực hiện hộ chiếu vaccine.
Thủ tướng Italy Mario Draghi tuần trước cho biết tấm gương của Vương quốc Anh “dạy chúng ta rằng chúng ta sẽ không thoát khỏi điều này ngay lập tức. Bỏ qua tất cả sự thận trọng, Anh phải đối mặt với 50.000 ca nhiễm và 200 ca tử vong hàng ngày. Cần thoát khỏi điều này một cách từ từ”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia gợi ý Vương quốc Anh đang trải qua tác động của việc triển khai tiêm vaccine sớm và nhanh chóng. Một số lượng lớn người trưởng thành ở Tây Âu hiện đã đạt tới thời điểm hậu tiêm chủng 5-6 tháng, khi hiệu quả của vaccine bắt đầu giảm.
Thực khách tụ tập ở London sau khi các hạn chế chống dịch của Vương quốc Anh được dỡ bỏ vào mùa hè này. Ảnh: CNN. |
Nếu đó là nguyên nhân dẫn đến làn sóng mới ở Anh, dù tỷ lệ lây nhiễm ở Tây Âu có thể vẫn thấp hơn Anh nhờ việc sử dụng khẩu trang rộng rãi và thắt chặt một số hạn chế, thì một làn sóng mới là không thể tránh khỏi ở châu lục này.
Hội đồng tư vấn sức khỏe của chính phủ Pháp vào tuần trước cho biết virus sẽ "lây truyền rộng rãi hơn" trong những tuần tới. Họ nhấn mạnh khả năng bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian, do đó "có thể" sẽ sớm khuyến nghị tiêm nhắc lại cho tất cả người dân.
Tuy nhiên, nếu liều vaccine thứ ba là câu trả lời, có rất ít niềm tin rằng Anh có thể làm được. Ở Đức, tạp chí Stern nói rằng 100 ngày sau “ngày tự do”, “không có nhiều thứ để ăn mừng ở Anh”. Đối mặt với một chiến dịch tiêm chủng chậm chạp của người trẻ tuổi và các mũi tiêm tăng cường, “các bác sĩ đang tự hỏi: Kế hoạch B là gì?”.
“Công cụ chính của Anh để cố gắng ngăn chặn một làn sóng mới trong bốn tháng cuối năm là các mũi tiêm tăng cường”, tờ El Mundo lưu ý. “Từng dẫn đầu thế giới, nhịp độ tiêm chủng tại Vương quốc Anh đang giảm đi đáng kể”.
“Anh đã tụt lại sau Tây Ban Nha, Pháp và Italy khi nói đến tỷ lệ dân số đã được tiêm chủng đầy đủ - và bây giờ cũng đang gặp vấn đề khi nói đến liều vaccine thứ ba”, tờ báo viết.