Latvia ngày 21/10 trở thành nước đầu tiên tại châu Âu một lần nữa đóng của nền kinh tế do các ca nhiễm tăng vọt chưa từng có tiền lệ. Điều này đã khiến các bệnh viện nước này đứng trước nguy cơ quá tải, theo Bloomberg.
Trong tháng tới, quốc gia vùng Baltic - nơi có tỷ lệ mắc Covid-19 mới cao nhất thế giới - sẽ đóng quán bar và cửa hàng, áp dụng lệnh giới nghiêm và tiếp tục dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, Latvia có thể không phải là quốc gia duy nhất sẽ phải tái áp dụng biện pháp phong tỏa này khi mà nhiều nước châu Âu khác cũng sắp lâm vào tình cảnh tương tự.
Đông Âu chịu ảnh hưởng nặng nề
Chính phủ các quốc gia Đông Âu đã không thể thuyết phục được người dân về lợi ích của tiêm chủng, dù số ca tử vong hàng ngày vẫn tiếp tục tăng vọt vào mùa đông.
Khoảng 54% người trưởng thành ở Latvia đã được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 74%, theo dữ liệu của EU.
Nước láng giềng Estonia thông báo họ có thể theo bước Latvia nếu tình hình dịch trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi đó, Romania - nơi chưa đến 1/3 dân số của 19 triệu người đã được tiêm chủng - phải nhờ tới sự trợ giúp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi các trường hợp tử vong và mắc mới đạt kỷ lục. Theo Reuters, cứ 5 phút lại có một người chết vì Covid-19 ở Romania, biến quốc gia này thành nơi có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới trong tuần này.
Tổng thống Klaus Iohannis thông báo hôm 20/10 rằng trường học sẽ đóng cửa trong hai tuần bắt đầu từ ngày 25/10, đồng thời sẽ có lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho những người chưa được tiêm chủng. Việc đeo khẩu trang là điều bắt buộc ở mọi nơi.
“Chúng tôi nhận thấy làn sóng mới của đại dịch đang bùng phát mạnh mẽ. Đó thực sự là một thảm họa”, ông Iohannis nói.
Diễn biến dịch bệnh cũng đang trở nên đáng lo ngại đối với Bulgaria - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu khi chỉ có 1/5 dân số được phòng ngừa.
Chính phủ nước này ban bố lệnh hạn chế số người tới nhà hàng, cửa hàng và phòng trưng bày. Một số trường học cũng sẽ đóng cửa.
Bulgaria ghi nhận 4.522 trường hợp mới trong 24 giờ qua, số ca mắc cao nhất kể từ tháng 4, cơ quan y tế nước này cho biết ngày 21/10.
Tỷ lệ nhiễm trung bình 7 ngày tại nước này đang tiến gần tới mức đỉnh của 2 đợt dịch trước đó.
3.669 là mức trung bình cao nhất ghi nhận vào tháng 3 vừa qua, trong khi số ca nhiễm tại Bulgaria hiện ở mức 3.421.
Đã có 107 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 trong ngày qua, nâng tổng số người chết lên 22.719 người.
Tại Ba Lan, các nhà chức trách đang theo dõi mức độ gia tăng ca nhiễm. Cuối tuần này, họ có thể sẽ quyết định các bước đi “quyết liệt” nếu tình hình tiếp tục xấu đi.
Bộ Y tế Ukraine thông báo nước này lập kỷ lục về cả số ca mắc và số ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua. Dữ liệu của Bộ ghi nhận 22.415 trường hợp mắc mới, vượt mức cao nhất trước đó là 20.341 vào ngày 3/4. Theo Reuters, 546 người đã qua đời, hơn ngày 19/10 là 538 người.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin cũng phải mạnh tay áp nhiều lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ tháng 5 khi số ca nhiễm mới và tử vong đạt mức kỷ lục.
Hôm 20/10, ông Putin ký sắc lệnh thực hiện kỳ nghỉ có lương kéo dài một tuần - từ ngày 30/10 đến 7/11 - để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Chính quyền khu vực có tỷ lệ lây nhiễm đặc biệt nghiêm trọng có thể đẩy nhanh hoặc kéo dài các biện pháp này, với việc người sử dụng lao động tiếp tục trả lương cho nhân viên khi họ ở nhà.
Số ca nhiễm ở Nga đã tăng lên hơn 34.000 ca mỗi ngày, số ca tử vong vượt mốc 1.000 người.
Ngày 21/10, nước này ghi nhận kỷ lục 1.036 người chết vì Covid-19 trong khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lên tới 36.339.
Wall Street Journal nhận định Nga đã phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong việc kiềm chế sự lây lan của virus, phần lớn là do cách tiếp cận "thoải mái" của nhiều người Nga đối với các biện pháp phòng dịch như giãn cách hay đeo khẩu trang nơi công cộng.
Nhiều người Nga cũng hoài nghi về việc tiêm chủng. Họ có 4 loại vaccine nội địa để lựa chọn, bao gồm cả Sputnik V, ra mắt lần đầu vào tháng 8/2020 với tư cách là vaccine Covid-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới.
Nhưng chỉ 31% người Nga được tiêm chủng đầy đủ, theo số liệu do Our World in Data thu thập, so với 56% ở Mỹ, 67% ở Anh và 86% ở Bồ Đào Nha.
“Tôi kêu gọi người dân tích cực tiêm phòng. Chúng ta đang nói về câu chuyện bảo vệ sức khỏe ở đây”, ông Putin nói trong cuộc họp với các quan chức.
Tổng thống Nga cũng kêu gọi tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng xác định những người nhiễm bệnh và thực hiện các biện pháp thích hợp.
Tại Moscow, nơi có gần 6.000 ca nhiễm mỗi ngày, chính quyền cũng ra lệnh các cư dân trên 60 tuổi ở nhà nếu họ không tiêm phòng, trừ khi họ hồi phục sau khi mắc Covid-19 trong sáu tháng qua.
Tỷ lệ tiêm chủng cao cũng không thoát
Kể cả ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao như Vương quốc Anh hay Hà Lan, Covid-19 cũng bắt đầu len lỏi vào cộng đồng những người chưa tiêm chủng.
Theo CNN, Anh có số ca bệnh, ca nhập viện và tử vong cao một cách đáng kinh ngạc so với phần còn lại của châu Âu.
Nước này ghi nhận gần nửa triệu số ca mắc trong hai tuần qua, nhiều hơn cả Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha cộng lại. Riêng ngày 19/10, 223 người ở Anh tử vong vì Covid-19, con số cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Sự bùng phát tập trung ở những người trong độ tuổi 20 chưa tiêm phòng, sau đó lây sang cha mẹ và những người lớn tuổi xung quanh khiến tỷ lệ nhập viện tăng vọt.
Thủ tướng Boris Johnson vẫn tách biệt cách tiếp cận của Anh so với châu Âu. Trong khi một số quốc gia áp dụng hộ chiếu vaccine, Anh đã từ chối biện pháp này. Luật pháp của Anh cũng không còn bắt buộc đeo khẩu trang hay yêu cầu giãn cách.
Thành công sớm trong chiến dịch tiêm chủng giờ đây lại khiến Anh phải triển khai nhanh các mũi tiêm tăng cường cho người lớn tuổi và trẻ em.
Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) của Anh thúc giục chính phủ chuyển sang “kế hoạch B”, bao gồm yêu cầu chứng nhận tiêm chủng kiểu châu Âu và bắt buộc đeo khẩu trang.
Phát ngôn viên của thủ tướng thừa nhận một mùa đông khó khăn đang chờ Anh phía trước, nhưng chính phủ bác bỏ động thái này, nhấn mạnh họ đang theo dõi chặt chẽ số liệu.
Theo Financial Review, Ireland - nơi đã tiêm phòng cho gần 90% người từ 12 tuổi trở lên - đã trì hoãn một số nới lỏng dự kiến vào ngày 22/10, để đối phó với số ca bệnh gia tăng. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang ở trong không gian kín như hộp đêm, cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng.
Hà Lan - có 67,3% dân số đã tiêm đủ liều - cũng chứng kiến mức tăng 44% số trường hợp nhiễm virus trong tuần qua. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết 4/5 người nhập viện vì Covid-19 là người chưa tiêm phòng.
Nước đầu tiên tái phong tỏa trong làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu
Latvia từng được xem là câu chuyện thành công chống dịch nhưng vừa trở thành nơi đầu tiên phải áp lệnh tái phong tỏa trong làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu.
Vaccine hiệu quả tới 90% trong ngăn chặn tử vong vì biến chủng Delta
Nghiên cứu do Đại học Edinburgh công bố cho thấy vaccine Pfizer và AstraZeneca hiệu quả lần lượt là 90% và 91% trong việc ngăn ngừa khả năng tử vong do biến chủng Delta gây ra.
Tân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố đầu tiên
Ông Pete Hegseth đã tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ sáng 25/1 sau nhiều tuần hỗn loạn vì cáo buộc hành vi sai trái về tình dục và vấn đề về uống rượu trong quá khứ.