Latvia ngày 21/10 bước vào đợt phong tỏa mới kéo dài gần một tháng tới 15/11 sau khi các ca nhiễm tăng vọt chưa từng có tiền lệ.
Nước này trở thành nơi đầu tiên ở châu Âu tái áp đặt các biện pháp hạn chế giữa lúc làn sóng ca nhiễm tăng vọt ở hàng loạt quốc gia tại lục địa già, theo Guardian.
Tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất thế giới
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), quốc gia vùng Baltic có tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất trên thế giới, sau khi ngăn chặn thành công virus trong nhiều tháng.
“Hệ thống y tế của chúng tôi đang gặp nguy hiểm... Cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là tiêm vaccine", Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho biết sau cuộc họp khẩn cấp. Ông cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân dẫn đến số ca nhập viện tăng đột biến.
Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nước này là nguyên nhân của việc ca nhiễm nhập viện tăng vọt. Ảnh: Reuters. |
Khoảng 54% người trưởng thành ở Latvia đã được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 74%, theo dữ liệu của EU.
Trong khuôn khổ lệnh phong tỏa mới đi vào hiệu lực, chính phủ Latvia áp giờ giới nghiêm vào ban đêm trong một tháng, từ 20h tới 5h sáng hôm sau. Trường học và tất cả cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa.
Latvia trong suốt thời gian dài từng được coi là một trong số ít những câu chuyện thành công về chống Covid-19 của châu Âu, ghi nhận ít hơn 3.000 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng việc tiêm chủng chậm chạp và không đồng đều đã dẫn đến sự gia tăng đột biến số ca nhiễm.
Ilze Viņķele, cựu Bộ trưởng Y tế Latvia, người giám sát hai làn sóng Covid-19 đầu tiên của nước này, cho biết: “Chúng tôi biết rằng một số nhóm nhất định, đặc biệt là những công dân lớn tuổi, cũng như những người có nền tảng kinh tế xã hội thấp hơn, nghi ngờ việc sử dụng vaccine. Nhưng tiếc là chúng tôi đã không thể giải quyết điều này một cách hiệu quả”.
"Bây giờ chúng tôi buộc phải tái phong tỏa và những người Latvia đã tiêm vaccine sẽ cảm thấy thất vọng”, ông Viņķele nói.
"Tôi phải xin lỗi những người đã được tiêm phòng", Thủ tướng Karins đã nói đêm 18/10 sau cuộc họp khẩn cấp của chính phủ.
Bộ trưởng Y tế đương nhiệm Daniels Pavluts cho hay Latvia đang có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất thế giới.
Ông Pavluts trước đó từng đổ lỗi cho những thông tin sai lệch về vaccine ngừa Covid-19 lan truyền trên truyền thông đã gây ra những nghi ngại với một nhóm dân số tại nước này.
Vào tuần rồi, Tổng thống Latvia Egils Levits đã có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, khiến Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto - người đã ăn sáng với ông Levits một ngày trước đó - cũng phải tự cách ly.
Cơ quan y tế của Latvia cho biết số ca mắc mới ở nước này tăng 49% trong tuần tính đến ngày 17/10.
Số ca nhập viện tăng 56% trong tuần trước, trong khi số ca Covid-19 nặng tăng 62,8%. Khoảng 79% các trường hợp mắc mới là ở những người chưa được tiêm chủng hoặc mới chỉ được tiêm chủng một phần.
Latvia là quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khi làn sóng Covid-19 mới càn quét trên khắp lục địa này.
Làn sóng Covid-19 mới trỗi dậy ở châu Âu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm mới ở châu Âu tăng 7% vào tuần trước và đây khu vực duy nhất trên thế giới gia tăng ca bệnh.
Đại dịch đang đặc biệt nhắm vào các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở Trung và Đông Âu, nơi một bộ phận lớn dân số vẫn chưa được tiêm phòng và sự hoài nghi đối với vaccine đang lan rộng.
Một phụ nữ đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại Warsaw. Ba Lan đang chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt. Ảnh: REX. |
Bộ trưởng Y tế Ba Lan, Adam Niedzielski, hôm 20/10 cho biết đất nước này đang phải trải qua “sự bùng nổ của đại dịch trong suốt hai ngày qua”.
Ông đồng thời cảnh báo tình hình dịch Covid-19 trong nước đang “trở nên nghiêm trọng”. Số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Ba Lan đã vượt quá mốc 5.000 lần đầu tiên kể từ tháng 5.
Nước láng giềng Slovakia đã báo cáo 3.480 trường hợp nhiễm mới vào ngày 19/10, con số cao nhất kể từ mùa xuân, theo dữ liệu của Bộ Y tế.
Cùng ngày, Bulgaria ghi nhận tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất kể từ cuối tháng 3. Giới chức buộc phải áp dụng hộ chiếu vaccine ở phòng tập thể dục, bảo tàng, quán cà phê và các địa điểm công cộng khác để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tại Romania và Ukraine, nhiều bệnh viện địa phương đã phải chịu áp lực rất lớn. Hai quốc gia này đã công bố số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong tháng này.
Tại Nga, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với EU khi chỉ có 1/3 dân số được tiêm chủng đầy đủ, đã báo cáo số ca tử vong hàng ngày vì Covid-19 cao nhất từ trước tới nay - với 1.028 người chết vì virus trong 24 tiếng vừa qua.
Số ca nhiễm mới của Nga cũng đã liên tiếp lập đỉnh mới trong những ngày gần đây.
Nước này hiện đã ban bố một loạt các hạn chế phòng dịch mới vào ngày 19/10.
Ở thủ đô Moscow, những công dân trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine được yêu cầu ở nhà trong 4 tháng. Hộ chiếu vaccine cũng được cấp ở một số khu vực.
Hôm 20/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện kỳ nghỉ có lương kéo dài một tuần để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
“Tôi kêu gọi người dân tích cực tiêm phòng. Chúng ta đang nói về câu chuyện bảo vệ sức khỏe ở đây”, ông Putin nói trong cuộc họp với các quan chức.
Các nhân viên chuyên trách khử trùng nhà ga ở Moscow hôm 20/10. Ảnh: AFP. |
Moscow sẽ phong tỏa hoàn toàn nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục tăng, theo thông báo chính phủ gửi tới các doanh nghiệp hôm 20/10.
Theo Guardian, lệnh phong tỏa này sẽ yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh không thiết yếu, bao gồm nhà hàng, trung tâm mua sắm và bảo tàng, phải đóng cửa, đồng thời đình chỉ các thủ tục y tế theo kế hoạch từ ngày 30/10 đến ngày 7/11.
Lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng nếu tổng số ca mắc Covid-19 ở thủ đô trong 7 ngày vượt quá số ca ghi nhận trong tuần trước. Các biện pháp, có tên gọi là “phong tỏa ngắn hạn”, là các phương án hạn chế nghiêm ngặt nhất của Nga kể từ mùa xuân năm 2020.