Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Châu Âu 'lùi một bước để tiến hai bước' trong khủng hoảng năng lượng

Dù khủng hoảng khiến châu Âu tăng mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn, chuyên gia đánh giá điều này không ảnh hưởng tới dự án năng lượng xanh dài hạn của lục địa.

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu ngày càng trầm trọng, nắng nóng khắc nghiệt trong mùa hè vừa qua, giá cả tăng vọt, chuỗi cung ứng gián đoạn và lo lắng về suy thoái kinh tế đang khiến những lời cam kết chuyển đổi năng lượng xanh trong dài hạn có thể rơi vào trì hoãn.

Tình hình ở châu Âu đặc biệt đáng báo động khi viễn cảnh thiếu nhiên liệu trầm trọng trong mùa đông này đang chuyển sự chú ý của giới lãnh đạo vào các vấn đề trước mắt, theo Wall Street Journal.

Trao đổi với Zing, Sarah Brown - chuyên gia phụ trách châu Âu tại cơ quan tư vấn về khí hậu và năng lượng Ember - nhận định châu Âu đang "lùi một bước sau đó tiến hai bước" trong tiến trình "làm sạch" nguồn cung điện.

"Các biện pháp khẩn cấp có thể làm tăng lượng khí thải trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, việc đẩy nhanh quá trình sử dụng năng lượng tái tạo sẽ làm giảm lượng khí thải nhanh hơn so với kế hoạch trước đây", bà nói.

EU khung hoang nang luong anh 1

Sarah Brown - chuyên gia phụ trách châu Âu tại cơ quan tư vấn về khí hậu và năng lượng Ember. Ảnh: Ember-climate.org.

Vị chuyên gia từ Ember nói thêm cuộc khủng hoảng này đóng vai trò như chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

"Châu Âu vẫn đang trong quá trình cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 và 100% năng lượng sạch vào năm 2035", bà Brown khẳng định.

Vấn đề chồng chất trong lĩnh vực năng lượng

Wall Street Journal đưa ý kiến các chuyên gia cho rằng hồi mùa hè vừa qua, đợt nắng nóng gay gắt, sản lượng thủy điện giảm và vấn đề tại lò phản ứng hạt nhân của Pháp khiến tình hình năng lượng tại lục địa trở nên trầm trọng hơn.

Thời điểm đó, mực nước trên sông Rhine - tuyến đường vận chuyển quan trọng ở châu Âu - xuống mức thấp. Điều này đã làm dấy lên lo ngại nguồn cung các mặt hàng quan trọng bị gián đoạn.

Do đó, chính phủ và doanh nghiệp đang tranh giành tìm giải pháp từ nhiên liệu hóa thạch. Họ cũng chốt thêm hợp đồng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Trung Đông và châu Phi.

Hôm 25/7, công ty dầu khí Shell cho biết họ đang bắt đầu dự án phát triển khai thác khí đốt tự nhiên ở biển Bắc. Trước đó, dự án này đã bị cơ quan quản lý Vương quốc Anh từ chối với lý do môi trường.

Cũng trong tháng 7, Giám đốc điều hành của Shell, Ben van Beurden, nói châu Âu đang tranh giành nguồn cung LNG từ các quốc gia khác. Ông cho rằng động thái này sẽ thúc đẩy Trung Quốc cùng nhiều nước khác thêm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch bẩn, như than đá.

EU khung hoang nang luong anh 2

Công ty Iberdrola của Tây Ban Nha đang xây dựng nhà máy sản xuất hydro từ năng lượng mặt trời. Ảnh: Bloomberg.

Một số người khẳng định kế hoạch năng lượng xanh của châu Âu đang đi thụt lùi, khi lục địa này phải giải quyết tác động từ chiến sự Ukraine, lạm phát và hệ quả của dịch Covid-19 tới chuỗi cung ứng.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Pháp Schneider Electric thông báo có thể trì hoãn một năm các dự án năng lượng tái tạo ở Tây Ban Nha, Hà Lan và Bắc Âu. Họ dẫn lý do chủ yếu là vì vấn đề về chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển tăng cao hơn.

Giới phê bình nói một số nỗ lực của châu Âu nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng sau chiến sự Ukraine đòi hỏi các khoản đầu tư lớn và dài hạn. Điều này sẽ kéo dài sự phụ thuộc của khu vực vào nhiên liệu hóa thạch, theo Wall Street Journal.

Hồi tháng 7, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu, đồng ý đưa khí đốt tự nhiên vào danh sách đầu tư xanh của khối. Động thái này không chỉ giúp khối tiếp cận thêm nguồn cung cần thiết mà còn mở cánh cửa sử dụng nhiên liệu này lâu hơn.

Lối thoát cho khủng hoảng năng lượng

Tuy vậy, những người ủng hộ năng lượng xanh cho rằng chiến sự Ukraine và giá nhiên liệu cao có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của lục địa già, khiến châu Âu buộc phải “quay lưng” lại với dầu và khí đốt, đồng thời thay đổi thói quen tiêu dùng bảo thủ, theo Wall Street Journal.

Trao đổi với Zing, bà Brown cho rằng sai lầm lớn trong chính sách năng lượng của châu Âu trong thập niên qua là phụ thuộc vào khí hóa thạch nhập khẩu, thay vì cho phép đẩy nhanh các loại năng lượng tái tạo "cây nhà lá vườn" rẻ và sạch hơn.

"May mắn thay, EU đang học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ. Giờ đây, họ càng có cảm giác cấp bách phải chấm dứt sự phụ thuộc vào tất cả nhiên liệu hóa thạch. Lập luận nhiên liệu hóa thạch cung cấp an ninh năng lượng không còn giá trị hoặc được chấp nhận", bà nói.

Bà Brown cho rằng các biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ không làm chệch hướng đi của châu Âu trong việc thoát khỏi điện than khi đảm bảo nguồn điện sạch vào năm 2035 trên khắp châu Âu là điều cốt yếu để giảm hóa đơn tiền điện, cải thiện an ninh năng lượng và giảm lượng khí thải.

"Phân tích gần đây của Ember cho thấy việc hoạt động trở lại một số nhà máy điện than sẽ chỉ mang đến tác động rất hạn chế, liên quan đến phát thải ròng tăng thêm. Ước tính con số đó khoảng 32 triệu tấn khí thải CO2 vào năm 2023, tương đương khoảng 1% tổng lượng phát thải CO2 của EU vào năm 2021", vị chuyên gia từ Ember cho hay.

Bà Brown lý giải các nhà máy than này sẽ chỉ hoạt động nếu không có đủ nguồn điện sạch thay thế để đáp ứng nhu cầu. Do đó, có thể hiểu phương án này đang được sử dụng để đảm bảo nguồn cung rất ngắn hạn khi EU muốn nhanh chóng chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, bà cho hay điều này đồng nghĩa châu Âu kết hợp nỗ lực nhằm tăng hiệu quả sử dụng và giảm nhu cầu năng lượng, cùng lúc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời trên mái nhà.

Vị chuyên gia nói thêm rằng không một quốc gia châu Âu nào đảo ngược kế hoạch loại bỏ dần sản xuất điện than đến năm 2030. Bà chỉ ra trên thực tế, việc Đức tuyên bố loại bỏ điện than vào năm 2030 là quan trọng hơn bao giờ hết.

"Năng lượng tái tạo mang lại lối thoát cho cuộc khủng hoảng này", bà nhận định.

EU khung hoang nang luong anh 3

Nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại có thể khiến châu Âu trì hoãn các kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh. Ảnh: Bloomberg.

Các quốc gia châu Âu đang bắt đầu chính sách hỗ trợ triển khai năng lượng tái tạo.

Hồi tháng 6, Ngân hàng Đầu tư châu Âu công bố khoản vay 561 triệu USD cho công ty Iberdrola SA của Tây Ban Nha nhằm tài trợ các dự án năng lượng gió và Mặt Trời ở nước này trong khoảng 1,5 năm tới.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cung cấp 115 triệu USD hỗ trợ cho một nhà máy sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời Enel ở miền Nam Italy.

Tháng 5 vừa qua, cơ quan này cũng đề xuất thay đổi mục tiêu năng lượng tái tạo, nâng tỷ trọng tiêu thụ từ 40% lên 45% vào năm 2030, trong đó có cả kế hoạch tăng gấp đôi công suất năng lượng Mặt Trời của khối vào năm 2035.

Tuy vậy, châu Âu vẫn cần có thêm nhiều vốn và hành động quyết liệt hơn nữa để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, với tốc độ vừa đủ để kiểm soát lượng khí thải và hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Nói với Zing, bà Brown cho rằng châu Âu phải đảm bảo họ chuyển nhanh chóng từ quá trình đàm phán và nghiên cứu chính sách sang việc triển khai - ứng dụng năng lượng tái tạo trên thực tế.

Còn theo Wall Street Journal, giới phân tích cho rằng các bước đi này vốn đã khó thực hiện ngay cả trước khi có bất ổn kinh tế và năng lượng gần đây.

“Tôi cảm thấy do khủng hoảng, số vốn để mở rộng quy mô năng lượng tái tạo sẽ đến chậm hơn”, Susi Dennison - Giám đốc chương trình năng lượng châu Âu tại tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu - cho biết. “Nếu chúng ta không chi các khoản đầu tư cần thiết vào năng lượng xanh bây giờ, những gì chúng ta đang coi là biện pháp ngắn hạn sẽ trở thành biện pháp dài hạn".

Alessandro Boschi - người đứng đầu bộ phận năng lượng tái tạo của Ngân hàng Đầu tư châu Âu - cho rằng để đuổi kịp kế hoạch, châu Âu cần tăng gần gấp đôi mức đầu tư vào năng lượng tái tạo lên khoảng 66 tỷ euro mỗi năm.

Ông Boschi nói điều này đòi hỏi chính phủ các nước châu Âu thực hiện các biện pháp như hợp lý hóa quy trình cấp phép năng lượng tái tạo và tạo thị trường khuyến khích hợp đồng năng lượng sạch.

Hiểm họa khi châu Âu ồ ạt khai thác khí đốt trở lại

Hàng chục dự án khai thác khí đốt ở châu Âu đã được bật đèn xanh hoặc đang chờ cấp phép, làm dấy lên nhiều lo ngại về bảo tồn thiên nhiên và sự ấm lên toàn cầu.

Sóng nhiệt làm châu Âu thêm đau đầu với bài toán năng lượng

Làn sóng nhiệt gay gắt trong mùa hè năm nay đang khiến vấn đề năng lượng ở châu Âu thêm tồi tệ, khi nhu cầu dùng điện tăng cao nhưng nguồn cung lại gặp sức ép vì nhiều yếu tố.

Phương Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm