Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Âu không còn chào đón du thuyền

Người dân nhiều thành phố cảng tại châu Âu tỏ ra dè dặt với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp du thuyền sau đại dịch Covid-19.

Trước bình minh mỗi chủ nhật, du thuyền Wonder of the Seas của công ty Royal Caribbean lại tiến vào cảng Barcelona, Tây Ban Nha. Sau quãng thời gian tạm trú 12 giờ để đón hành khách mới và tiếp nhận nguồn thực phẩm cho một tuần, con tàu rời đi.

“Bạn có thể thấy cảnh tượng này ở mọi nơi trong thành phố”, ông Damià Calvet, Chủ tịch cảng Barcelona, nói. “Chúng tôi chỉ đón những chiếc du thuyền tốt nhất tại Barcelona. Đây là lý do mọi người đến đây từ khắp thế giới”.

Sau hai năm chịu tác động từ các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển phòng Covid-19, ngành công nghiệp du thuyền đã hồi sinh. Carnival - công ty vận hành du thuyền lớn nhất thế giới - cho biết số người đặt vé mỗi ngày đang gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, số hành khách tới Barcelona - điểm đến hàng đầu của các du thuyền tại châu Âu - dưới hình thức du lịch này đã vượt mốc một triệu người.

Dù vậy, không phải ai cũng hào hứng với sự phục hồi này. Đại dịch Covid-19 là cơ hội để người dân châu Âu nhìn lại tình trạng quá tải du lịch: Bất chấp thiệt hại về kinh tế, người Barcelona cảm thấy họ đã “giành lại” được thành phố của mình sau hàng thập kỷ chen chúc với khách du lịch.

Phong trào rộng rãi

Tại các thành phố cảng, giới lãnh đạo chính trị đang hướng sự tập trung vào các “khách sạn nổi” trên mặt nước: Du thuyền. Các chính sách mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu càng khiến loại hình du lịch phát thải nhiều carbon này gặp thêm sức ép.

Thị trưởng Barcelona Ada Colau đang thúc giục giới chức khu vực hạn chế số lượng du thuyền cập cảng, qua đó giảm số du khách tới thành phố bằng du thuyền xuống còn 200.000 người/tháng, bằng một nửa hiện nay.

phan doi du thuyen anh 1

Một cuộc biểu tình phản đối du thuyền của các nhà hoạt động môi trường tại Venice, Italy năm 2021. Ảnh: AFP.

Barcelona đang “đội sổ” trong bảng xếp hạng chất lượng cảng cho du thuyền tại châu Âu do tình trạng ô nhiễm không khí.

Trong khi đó, chính quyền quần đảo Baleares của Tây Ban Nha hồi tháng 5 đã ký thỏa thuận với Hiệp hội Du thuyền Quốc tế (CLIA) để hạn chế số tàu tại cảng Palma, Mallorca, xuống ba tàu một ngày kể từ năm 2023. Trong số đó, chỉ một tàu được phép chở hơn 5.000 hành khách.

Phong trào hạn chế du thuyền không chỉ xuất hiện tại Tây Ban Nha, mà còn ở nhiều quốc gia châu Âu khác. Ông Benoît Payan, Thị trưởng Marseille - cảng du thuyền hàng đầu tại Pháp - tuyên bố các du thuyền đang “làm ngột ngạt” thành phố cảng này do ô nhiễm không khí và đại dương.

Năm 2021, giới chức Venice hạn chế hoạt động tàu du lịch cỡ lớn sau khi vị thế di sản thế giới của thành phố đứng trước nguy cơ bị đe dọa bởi tổn hại môi trường và tình trạng du lịch quá mức. Dubrovnik, Dublin, Amsterdam và Santorini cũng đã có hành động tương tự.

Trong khi đó, giới chức Liên minh châu Âu (EU) dự kiến gây thêm áp lực lên ngành công nghiệp du thuyền và tàu chở container trong bối cảnh khối này hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Bà Marie-Caroline Laurent, Tổng giám đốc CLIA châu Âu, cho rằng ngành công nghiệp du thuyền thường bị đối xử không công bằng. “Các tàu của chúng tôi rất dễ nhận ra tại cảng, gây ra định kiến”, bà nói.

Tính toán kinh tế và môi trường

Bất chấp sự không hài lòng của giới chức Barcelona, hai khu cảng mới cho du thuyền vẫn đang được xây dựng trong thành phố. Thẩm quyền quản lý cảng thuộc về chính quyền vùng Catalunya, thay vì chính quyền thành phố Barcelona - những người muốn có thêm tiếng nói trong vấn đề này.

“Chúng tôi không muốn trở lại như trước đây. Đại dịch là cơ hội để chúng tôi thiết lập lại mối quan hệ với ngành công nghiệp du thuyền”, bà Janet Sanz¸ Phó thị trưởng Barcelona phụ trách quy hoạch, nói.

phan doi du thuyen anh 2

Một du khách chụp ảnh thành phố Barcelona bên dòng chữ phản đối du lịch. Ảnh: AFP.

Theo bà Sanz, Barcelona đã trở thành một “công viên chủ đề” khi du khách chỉ ghé qua một số địa điểm nổi tiếng như nhà thờ Sagrada Familia hay phố Las Ramblas, trước khi rời đi chỉ sau vài tiếng. Họ chi rất ít tiền, thậm chí không bỏ ra đồng nào tại thành phố. “Họ chỉ chụp ảnh”, vị phó thị trưởng nói.

Một nghiên cứu tại thành phố Bergen, Na Uy, điểm đến yêu thích của nhiều tuyến du thuyền, cho thấy tới 40% khách không rời tàu khi tới thành phố. Trong số những người xuống tàu, một nửa không chi quá 25 USD. Các nhà nghiên cứu chỉ ra du thuyền đem lại lợi nhuận thấp nhất cho nền kinh tế trong số các ngành du lịch.

Trong khi đó, ngành du thuyền không đồng ý với con số này, tuyên bố du khách chi hơn 100 USD mỗi ngày ở cảng.

Dù vậy, kinh tế không phải lý do khiến người dân phản đối ngành du thuyền nhiều nhất. Tác động tới môi trường là điều nhiều người quan tâm hơn.

Theo một nghiên cứu tại Đại học Exeter (Anh), một du thuyền có thể tiêu tốn năng lượng gấp 12 lần một khách sạn trên đất liền có sức chứa tương tự. Tổ chức vận động Transport and Environment tuyên bố các du thuyền tại châu Âu năm 2017 có lượng khí thải sulphur oxide cao gấp 10 lần so với toàn bộ 260 triệu ôtô tại châu lục này.

“Việc mọi người trong thành phố phải nỗ lực giảm phát thải trong khi một du thuyền thả neo trên cảng là điều phi lý”, bà Sanz tuyên bố.

Giáo sư du lịch Paul Peeters tại Đại học Khoa học Ứng dụng Breda (Hà Lan) cho biết sự gia tăng nhận thức về tác động của du lịch đến biến đổi khí hậu khiến người dân “ngày càng không thoải mái” với các du thuyền.

“Chúng không thực sự là một loại hình giao thông. Chúng chỉ là các khách sạn thải ra rất nhiều carbon”, ông Peeters nói.

Hà Lan nổi giận vì du thuyền 500 triệu USD của tỷ phú Jeff Bezos

Người dân Rotterdam suốt thời gian qua đã tranh cãi về một chủ đề nóng hổi: Có nên tháo dỡ cây cầu biểu tượng Koningshaven để du thuyền 500 triệu USD của tỷ phú Jeff Bezos đi qua.

Siêu du thuyền Nga cập cảng Hawaii sau khi Mỹ thắng kiện

Siêu du thuyền Amadea, được Mỹ cho là thuộc sở hữu của tỷ phú Nga Suleiman Kerimov, đã đến Hawaii vào ngày 17/6 sau khi rời Fiji.

Việt Hà

Theo Financial Times

Bạn có thể quan tâm