Tỷ phú Jeff Bezos đang phải đối mặt với trở ngại lớn trước khi có thể vận hành siêu du thuyền lớn nhất thế giới trị giá 500 triệu USD: Làm thế nào để đi qua cây cầu Koningshaven ở Rotterdam.
Nhà sản xuất siêu du thuyền Oceanco đang xin phép thành phố tạm thời tháo dỡ phần trung tâm của cây cầu 95 tuổi, vốn được người dân địa phương gọi là “De Hef”. Điều này sẽ cho phép 3 cột buồm cao 70 m của siêu du thuyền đi qua cảng Rotterdam từ nhà máy đóng tàu gần đó.
Yêu cầu này đã dẫn đến cuộc tranh luận dữ dội giữa cư dân địa phương khi họ băn khoăn về các vấn đề bất bình đẳng toàn cầu và quyền lực của các tỷ phú công nghệ. Thành phố vốn tự hào về tầng lớp lao động đang lâm vào tình huống khó xử: “Chi phí” thực sự để mở đường cho người giàu nhất thế giới là bao nhiêu?
“Chúng ta cúi đầu vì Jeff Bezos chỉ để cho ông ấy vui vẻ với chiếc thuyền?”, Paul van de Laar - Trưởng khoa lịch sử tại Đại học Erasmus Rotterdam - nói. "Thành phố này được xây dựng để đảm bảo các tỷ phú có khoảng thời gian vui vẻ hay sao?”.
Giới chức thành phố khẳng định thủ tục xin tháo dỡ cây cầu vẫn đang diễn ra, đồng thời cho biết thêm chưa nhận được giấy phép yêu cầu chính thức nào. Quyết định cuối cùng dự kiến có vào đầu tháng 7 khi siêu du thuyền này sẵn sàng di chuyển vào tháng 8, theo Financial Times.
Vẫn trong quá trình đánh giá
Kế hoạch dự phòng của Oceanco là lắp ráp cột buồm sau khi thân tàu đi qua. Hiện vẫn chưa rõ tại sao ông Bezos không thực hiện phương án thay thế này.
Hai nguồn tin giấu tên cho biết chính quyền thành phố Rotterdam và nhà sản xuất tàu đã đạt thỏa thuận ngầm từ trước. Họ cho biết thành phố có thể cho phép tháo dỡ De Hef trong thời gian ngắn 1-2 lần/năm để những siêu du thuyền qua lại, với mức phí khoảng 100.000 euro.
“Thật vô lý khi bắt đầu đóng siêu du thuyền 500 triệu USD mà không có sự chấp thuận từ trước”, một nguồn tin nói.
Tòa thị chính Rotterdam cho biết quá trình nộp đơn đang diễn ra. Thành phố sẽ xem xét việc đóng tàu đã tạo ra bao nhiêu việc làm, khả năng xảy ra những “phiền toái về mặt môi trường” và rủi ro tác động tới việc bảo tồn cây cầu ra sao.
Siêu du thuyền của tỷ phú Bezos được cho là lấy cảm hứng từ Black Pearl (trong ảnh). Ảnh: Oceanco. |
Koningshaven vốn là công trình mang tính biểu tượng của thành phố cảng Rotterdam, tồn tại từ năm 1878 và được xây dựng lại sau khi bị phát xít Đức ném bom vào năm 1940 trong Thế chiến II. Cây cầu ban đầu được thiết kế để kết nối phần phía bắc và phía nam của thành phố thông qua một tuyến đường sắt.
Đây có thể coi là cây cầu đường sắt đầu tiên của Rotterdam, đồng thời công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của cảng trong quá trình công nghiệp hóa của Hà Lan.
Trong khi đó, chi tiết về siêu du thuyền của ông Bezos được giữ bí mật tuyệt đối. Tuy nhiên, thiết kế của siêu du thuyền được lấy cảm hứng từ Black Pearl của Oceanco. Đây là du thuyền buồm có thể vượt Đại Tây Dương mà không cần nhiên liệu, đạt đỉnh tốc độ 30 hải lý/giờ.
Black Pearl có hồ bơi spa, bồn tắm nước nóng và rạp chiếu phim. Có nguồn tin cho biết tàu của tỷ phú Bezos có thân màu đen.
Đi ngược lại cách sống của Rotterdam?
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng thành phố sẽ đáp ứng yêu cầu của người sáng lập Amazon. Từ đó, ý kiến của dư luận địa phương cũng bắt đầu chia rẽ.
Một số người coi tỷ phú Bezos là hình ảnh đại diện của “chủ nghĩa tư bản hiếu chiến” khi xây dựng công ty trị giá 1 tỷ USD gặp tai tiếng trong cách đối xử với tầng lớp lao động.
Những người khác chào đón ông như người tạo ra việc làm, sẵn sàng chi tiêu xa hoa để tạo ra siêu du thuyền, chứng thực cho danh tiếng hàng thế kỷ của Hà Lan như chuyên gia về tay nghề đi biển.
"Đây là câu hỏi về cái tôi và sự kiêu ngạo", Dianthus Panacho - doanh nhân 55 tuổi và người gốc Rotterdam - cho biết. Ông Panacho cho rằng tỷ phú Bezos nên trả gấp đôi mức phí dự kiến "để có thể đóng góp thêm 100.000 euro giúp đỡ những gia đình nghèo khó gần cây cầu".
Siêu du thuyền - được cho là của ông Jeff Bezos - trên cầu cảng ở Zwijndrecht, gần Rotterdam. Ảnh: AP. |
Ellen Verkoelen - chính trị gia vận động cho quyền của đối tượng trên 50 tuổi và là thành viên hội đồng thành phố mới được bầu - lập luận nên cho phép siêu du thuyền đi qua.
“Tôi nghĩ rằng (một số người ghen tị với những ai) có tiền để làm bất cứ điều gì họ muốn”, bà nói. "Ý kiến này có phần đúng, nhưng tại sao (người có tiền) không thể tiêu nó ở đây?".
Thống đốc trường học Piet Momofer cho biết siêu du thuyền sẽ thể hiện vị thế quốc gia của Hà Lan với tư cách là một trong những nhà đóng tàu hàng đầu thế giới.
"Mọi người từ các quốc gia khác nhau đến đây làm việc", ông nói. "Điều quan trọng đối với người Hà Lan là có thể mang danh chế tạo chất lượng những con tàu này một cách xuất sắc".
Elko van Winzum - nhà tâm lý học nghề nghiệp - cho biết ý tưởng về việc một tỷ phú lái chiếc thuyền sang trọng qua các con kênh của thành phố đã đi ngược lại “cách sống của Rotterdam”. Ông định nghĩa cách sống của Rotterdam là “làm việc chăm chỉ, xây dựng mọi thứ, cười thật sảng khoái, uống một cốc bia và quan tâm tới người khác".
“Một anh chàng siêu giàu từ nước ngoài tạo ra một số việc làm trong quá trình đóng tàu, nhưng khi quá trình này hoàn tất, những công việc đó cũng biến mất theo", ông nói.
Giáo sư Van de Laar cho biết vấn đề nan giải là liệu thành phố có kiểm soát được không gian công cộng hay không, hay liệu giới siêu giàu luôn tìm ra cách để lấn lướt quan điểm của người dân.
"(Vấn đề) không nằm ở việc dỡ một cây cầu", ông nói. "Nhìn từ quan điểm kỹ thuật, đây không phải vấn đề lớn. Quan trọng là cần tôn trọng ý kiến của người dân".