Theo Publishing Perspectives, Culture Pass là thuật ngữ chung chỉ sự phân bổ ngân sách của các quốc gia châu Âu cho hoạt động hỗ trợ công dân, đạt đến một độ tuổi nhất định, trong việc mua sách, đọc sách, đi thăm bảo tàng và tiếp cận với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong một khoảng thời gian nhất định.
Thông thường, người dùng có thể sử dụng thẻ Culture Pass để mua sách in, sách nói, học các loại ngôn ngữ mới, tham dự triển lãm, các buổi biểu diễn, thăm bảo tàng….
Đã thành công tại nhiều quốc gia lớn
Tại Italy và Pháp, chương trình này đã được thực hiện trong một khoảng thời gian, đặc biệt là tại Italy, đã diễn ra trong khoảng một thập kỷ. Chương trình này có tên là 18App tại Italy và năm nay đã được đổi tên, chuyển sang hai loại thẻ là Youth Culture Card và Merit Card, mỗi loại đều được hỗ trợ 500 Euro và dành cho những người bước sang tuổi 18.
Tại Pháp, chương trình Culture Pass hiện hỗ trợ người trẻ 15-20 tuổi với hạn mức 350 Euro/ thẻ. Từ khi được triển khai năm 2021 đến nay, đã có hơn 3,7 triệu người trẻ ở Pháp hưởng lợi từ chương trình này.
Chương trình Culture Pass tại Pháp hỗ trợ cả sách in, sách nói và sách điện tử (trái); Thị trường sách trị giá 1,1 tỷ Euro của Tây Ban Nha được hưởng lợi từ chương trình này (phải). Ảnh: Publishing Perspectives. |
Trong khi đó, các quốc gia khác, chẳng hạn như Tây Ban Nha và Đức, mới triển khai kế hoạch này gần đây hơn, một phần là để tái thiết lĩnh vực văn hóa sau đại dịch Covid-19. Chính phủ Tây Ban Nha đã triển khai chương trình Culture Pass từ năm 2021, hỗ trợ thanh thiếu niên 400 Euro khi bước sang tuổi 18 để tiếp cận sách và nhiều sản phẩm văn hóa khác.
Tại Đức, chương trình Kulturpass (Culture Pass) với ngân sách 100 triệu Euro được khởi động lần đầu năm 2023, hỗ trợ 200 Euro cho những người 18 tuổi đăng ký trên ứng dụng điện tử. Do nhu cầu về Kulturpass ở Đức rất cao, năm 2024, giá trị của thẻ được điều chỉnh còn 100 Euro/người.
Đánh giá về năm đầu triển khai Kulturpass, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức Claudia Roth cho biết, đã có hơn 285.000 thanh niên đăng ký Kulturpass trong vòng chưa đầy 6 tháng và họ đã tận dụng rất tốt nó, với hơn 1,18 triệu lượt sử dụng. Kulturpass đã đưa giới trẻ Đức đến nhiều hiệu sách và rạp chiếu phim, các buổi hòa nhạc, lễ hội hay nhà hát opera, vào các viện bảo tàng, cửa hàng băng đĩa và cửa hàng âm nhạc.
Lĩnh vực văn hóa của Đức cũng đã được hưởng lợi từ Kulturpass sau giai đoạn khó khăn của đại dịch, với tổng doanh thu hơn 23,5 triệu Euro trên tất cả lĩnh vực. Như vậy, Đức đã đạt được hai mục tiêu quan trọng nhất là thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa và truyền cảm hứng cho giới trẻ về văn hoá đọc, khám phá đời sống văn hóa quốc gia phong phú và đa dạng.
Mở rộng thêm đến nhiều nước châu Âu
Sau những thành công đầu tiên, Đức đang muốn tăng cường phối hợp với Pháp trong việc hỗ trợ người trẻ tận dụng Kulturpass tốt hơn. Nước Đức đã hợp tác chặt chẽ với Pháp khi phát triển Kulturpass năm 2023. Giờ đây, Berlin muốn đưa sự hợp tác đó lên một cấp độ khác, bằng cách cho phép người dùng Pháp và Đức có thẻ sử dụng Culture Pass tại cả hai quốc gia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại buổi giới thiệu Ứng dụng Culture Pass cuối năm 2023. Ảnh: Imago. |
Theo bà Claudia Roth, đây là điều có lợi cho những người trẻ sống ở vùng biên giới và hiện các cơ quan liên quan đang xem xét các yếu tố để xúc tiến triển khai.
Đánh giá về khả năng triển khai chương trình này đến nhiều quốc gia hơn, bà Roth cho hay: Ngoài Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch cũng đang xúc tiến triển khai. Và ở Áo cũng đã có những sáng kiến tương tự.
"Hiện tại, tôi và nhóm của mình đang tập trung vào việc mở rộng chương trình này trên diện rộng hơn. Thông qua các cơ chế của Liên minh châu Âu (EU), chúng tôi sẽ kêu gọi Ủy ban châu Âu tiếp tục phát triển Kulturpass. Mục tiêu của chúng tôi là một châu Âu giàu văn hóa, hướng tới một không gian văn hóa chung trên khắp châu Âu", bà Roth cho biết.
Sức mạnh lớn nhất của Culture Pass nằm ở chỗ nó tạo ra sự kết nối trực tiếp giữa giới trẻ và các nhà cung cấp văn hóa. Culture Pass mang đến cho các nhà cung cấp cơ hội tuyệt vời để thu hút khán giả trẻ mới và xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ.
Và đó chính xác là điều thế hệ hiện nay và ngành công nghiệp văn hoá cần, một mối quan hệ gắn bó truyền thống giữa độc giả với các hiệu sách hay rạp chiếu phim, theo trang Deutsch Land.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng