Theo CNBC, kể từ khi dịch Covid-19 lan từ Trung Quốc sang hàng loạt quốc gia trên thế giới, giá cổ phiếu của nhiều tập đoàn công nghệ châu Âu - đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông và bán dẫn - sụt giảm nặng nề.
Giá cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị mạng Nokia (Phần Lan) giảm hơn 9,6% từ đầu năm đến nay trong khi Đối thủ Ericsson sụt 2%. Các công ty sản xuất chip điện tử như Infineon và STMicro lao dốc lần lượt 20% và 7,4%.
“Châu Âu dễ bị tổn thương bởi kinh tế châu Âu đang tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc cả về tăng trưởng và đổi mới”, CNBC dẫn lời chuyên gia Neil Campling - Giám đốc công nghệ, truyền thông và nghiên cứu viễn thông của Mirabaud Securities - nhận định.
“Trung Quốc từ lâu đã thực hiện chính sách 'mua nhanh hơn xây' để mở rộng chóng vánh. Do đó, chắc chắn tình trạng đứt quãng vừa qua và việc giá trị vốn hóa của các công ty châu Âu sụt giảm sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Giá cổ phiếu Nokia sụt giảm mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters. |
Vài năm qua, các công ty Trung Quốc liên tục mua lại hoặc đầu tư vào doanh nghiệp công nghệ châu Âu. Năm 2016, Tencent mua phần lớn cổ phần của nhà sản xuất trò chơi di động Supercell (Phần Lan). Midea - một nhà sản xuất hàng điện tử Trung Quốc - thâu tóm hãng robot Kuka của Đức.
Năm 2019, Ant Financial - công ty công nghệ tài chính thuộc Alibaba - nuốt chửng sàn giao dịch ngoại hối Anh WorldFirst. Chiến dịch thâu tóm của các công ty Trung Quốc gây nhiều lo ngại tại Mỹ.
Năm 2018, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) chặn Hubei Xinyan của Trung Quốc mua lại Xcerra, một công ty thử nghiệm bán dẫn Mỹ. Tháng 1, CFIUS có thêm quyền giám sát các thỏa thuận sáp nhập bị coi mối đe dọa an ninh quốc gia.
Sự lo ngại giờ lan sang châu Âu. Financial Times dẫn lời ông Margrethe Vestager - Cao ủy Cạnh tranh Liên minh châu Âu (EU) - kêu gọi các quốc gia EU mua lại cổ phần những công ty công nghệ khu vực để "ngăn chặn mối đe dọa thâu tóm từ Trung Quốc".
"Chúng tôi không có vấn đề gì với việc chính phủ các nước khu vực hành xử như tổ chức thị trường khi cần thiết để ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp bị thâu tóm", ông Vestager nhấn mạnh.
Nhà phân tích Campling nhận định với lời cảnh báo mạnh mẽ của Cao ủy Vestager, châu Âu sẽ thận trọng trước thương vụ sáp nhập nào của các công ty Trung Quốc.
"Châu Âu sẽ cẩn trọng giống như Mỹ 2 năm qua. Rất khó để các công ty lớn của châu Âu bị Trung Quốc mua lại", ông khẳng định.