Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Á - Thái Bình Dương rộn ràng đón năm mới 2015

Các nước ở Châu Đại Dương và Châu Á lần lượt đón năm mới 2015 bằng những màn pháo hoa rực sáng.

  • Hai hòn đảo Kiribati, Samoa trên Thái Bình Dương là những nơi đầu tiên trên thế giới bước sang năm 2015, lúc 17h theo giờ Việt Nam.

  • Tháp Sky Tower là nơi bắn pháo hoa mừng năm mới hàng năm ở New Zealand. Trang WeatherWatch cho biết phần lớn các nơi ở New Zealand có thời tiết khô ráo trong đêm giao thừa, nhưng một số vùng ở phía bắc sẽ có không khí ẩm khi trời về khuya và có thể có mưa, đặc biệt là ở thủ đô Wellington.

  • Theo trang New Zealand Herald, người dân khắp New Zealand vẫn đổ ra đường vào ban đêm để ăn mừng năm mới trong mọi hoàn cảnh thời tiết.

     

  • New Zealand đã có màn pháo hoa tưng bừng chào đón năm mới 2015.

  • Không phải tất cả mọi quốc gia đều chào đón năm 2015 trong không khí vui tươi. Liberia và những quốc gia đang bị dịch Ebola hoành hành đã áp dụng luật giới nghiêm về đêm, cấm người dân đi lại để hạn chế lây nhiễm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Truyền thông Issac Jackson cho biết: "Tổng thống đã chỉ đạo ngày đêm 31/12 sẽ tạm đình chỉ lệnh giới nghiêm để người dân và các lãnh đạo tôn giáo có thể tổ chức những buổi lễ cầu nguyện năm mới".

  • Thành phố Sydney ở Australia là một trong những nơi có màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục nhất thế giới. Người dân đã tập trung đông xung quanh cầu cảng Sydney để chiêm ngưỡng pháo hoa từ trước khi nước này chuyển sang 0h. Dù pháo hoa chính thức sẽ bắt đầu lúc 20h (giờ Hà Nội), ban tổ chức đã bắn một vài quả pháo để "hâm nóng" không khí. Ước tính khoảng 1,6 triệu người đến xem pháo hoa ở cầu cảng Sydney trong đêm 31/12.

  • Màn pháo hoa "hâm nóng" không khí ở Sydney. Ảnh: Getty.

     

  • Chính quyền thành phố Sydney đã điều động hơn 3.000 cảnh sát tuần tra thành phố trong đêm giao thừa. Khoảng 2 tuần trước đó, một vụ bắt cóc con tin xảy ra ở một quán cafe tại đây khiến Australia hoang mang về tình hình an ninh. Tuy nhiên, điều này không cản trở những đám đông xuống đường đón năm mới.

  • Người dân Melbourne, Australia đổ ra đường chào đón năm mới. Ảnh: The Age.

     

  • Cô Calli Newmand, một người dân Mỹ sống ở bang Ohio, quyết định đến Australia để đón năm mới. Người bạn của cô, Chris Porter, cho biết trên Sydney Morning Herald: "Sydney luôn là điểm đến hàng đầu để đón năm mới trên thế giới. Tôi bắt đầu ra đường khi trời vừa tối, nhưng rất nhiều người đến còn sớm hơn. Không khí rất náo nhiệt".

  • Các giáo sĩ Thần đạo thực hiện buổi lễ chia tay năm cũ và chào năm mới tại đền thờ Minh Trị tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Nhật Bản sẽ đón năm mới lúc 20h (giờ Hà Nội). Ảnh: EPA

  • Demi Bryant, 22 tuổi, và James Hundt, 28 tuổi ở Sydney, Australia chào đón năm mới theo cách hết sức lãng mạn. Ảnh: James Morgan

  • Màn pháo hoa đón năm mới 2015 chính thức diễn ra ở cầu cảng Sydney. Nơi đây luôn nằm trong danh sách những điểm đến hàng đầu để chào đón năm mới trên thế giới. Sydney sử dụng hơn 10.000 quả pháo hoa để tạo nên màn trình diễn ngoạn mục kết hợp cùng âm nhạc.

  • Người dân Australia náo nức đổ về khu vực nhà hát Opera House.

     

  • Người dân ở Sydney muốn chọn địa điểm tốt phải đến các địa điểm xung quanh nơi bắn pháo hoa từ sáng sớm 31/12. Họ cùng hô vang khi đếm ngược và khi những quả pháo hoa đầu tiên bắn lên bầu trời, chia tay năm cũ 2014. Trong khi đó, hơn 100.000 người dân ở Melbourne tập trung ở công viên Yarra chào năm mới và xem pháo hoa cùng gia đình, bạn bè.

     

  • Màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục kết hợp cùng âm nhạc tại cầu cảng Sydney.

     

  • Tại Brazil, khoảng một triệu người đã đổ ra bãi biển Copacabana để đón năm mới, còn tại quảng trường Thời đại ở New York, hàng nghìn người đã có mặt để chiếm vị trí đẹp ngắm nhìn quả cầu pha lê hạ xuống đúng vào thời khắc giao thừa (11h giờ Hà Nội ngày 1/1/2015).

  • Theo trang Daily Telegraph, tổng chi phí cho màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật đến 7,2 triệu AUD, trong đó kinh phí pháo hoa khoảng 750.000 AUD. Ước tính hơn 1 tỷ người xem pháo hoa ở Sydney qua các kênh trực tuyến và khoảng 1,6 triệu người đến xem trực tiếp xung quanh điểm bắn ở cầu cảng Sydney. Chỉ riêng trong đêm bắn pháo hoa có thể giúp Sydney thu về 133 triệu AUD do người dân địa phương và khách du lịch khắp nơi trên thế giới chi tiêu để ăn mừng giao thừa.

  • Nhiều người dân các nước chào đón năm mới nhưng không quên nguyện cầu cho những nạn nhân xấu số trên chuyến bay QZ8501. Ảnh: Twitter

  • Nhật Bản sẽ bước sang năm mới 2015 từ 22h (giờ Hà Nội). Tết dương lịch là ngày lễ lớn nhất trong năm ở Nhật Bản. Các cửa hàng không hoạt động trong ngày này, do vậy người dân đã tranh thủ mua sắm từ trước đêm giao thừa. Ảnh: Getty.

     

  • Nhật Bản là nước phương Đông nên con dê là linh vật trong năm 2015 đối với người Nhật. Con dê được cho là biểu tượng của sự hài hòa và điềm tĩnh, ôn hòa. Một truyền thống của người Nhật là gửi bưu thiếp cùng những món quà có thể mang lại năm mới cho người thân và bạn bè. Vào nửa đêm ở Nhật Bản, các nhà chùa sẽ gióng 108 tiếng chuông để xua đuổi tà ma. Ảnh: Getty.

  • Một phần ăn truyền thống của người Nhật để chia tay năm cũ 2014. Ảnh: Japan Times

     

  • Các nhà sư tại một ngôi chùa ở tỉnh Kyoto cầu nguyện trong đêm giao thừa. Ảnh: Nippon

     

  • Tại đảo quốc Singapore, những buổi tiệc và sự kiện tiễn đưa năm cũ 2014 và chào năm mới 2015 diễn ra khắp nơi. Những tiết mục đặc biệt ở Singapore là màn trình diễn hơn 25.000 quả cầu nổi màu trắng, đen ở Marina Bay Sand, màn pháo hoa 8 phút và những buổi trình diễn âm nhạc đặc biệt với hơn 400 tay trống. Rất nhiều người đã đến khu vực sự kiện từ lúc 17h (giờ địa phương), đặc biệt là những người muốn chụp được khoảnh khắc pháo hoa đẹp nhất bên bờ sông Singapore.

     

  • Trên Facebook, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết: "2015 là dịp kỷ niệm SG50 (đánh dấu 50 năm Singapore tách khỏi Malaysia), là dịp để chúng ta nhìn lại mình đã vươn xa tới đâu và cảm ơn những gì chúng ta đạt được". Ảnh: Lý Hiển Long.

     

  • Hàng triệu người đang đổ dồn tới các ngôi đền ở Nhật Bản để chào đón năm mới 2015, Japan Today đưa tin.

  • Đúng 22h theo giờ Hà Nội, người dân Nhật Bản tưng bừng đón năm mới 2015 bằng những màn pháo hoa mãn nhãn. Đất nước mặt trời mọc là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á đón năm mới 2015.

  • Pháo hoa chào đón năm mới ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Xứ sở kim chi đón năm mới 2015 cùng lúc với Nhật Bản, Triều Tiên. Ảnh: Jakarta Today

  • Màn pháo hoa tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Jakarta Today

  • Đúng 23h theo giờ Hà Nội, người dân các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore đã chính thức đón năm mới 2015.

  • Dù không phải lễ đón năm mới chính thức của người Trung Quốc, rất nhiều bạn trẻ vẫn đổ ra đường để chào đón năm 2015.

  • Người Nhật thả bóng dưới chân tháp Tokyo. Đất nước mặt trời mọc đã đón năm mới 2015 cách đây hơn 1 giờ. Ảnh: AFP

  • Rất nhiều người dân tập trung tại công viên Olympic, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để chào đón năm mới 2015. Bắc Kinh đang nỗ lực giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 2022. Dù không phải thế mạnh, Trung Quốc có những vận động viên hàng đầu thế giới trong các môn thi đấu tại các kỳ Olympic mùa đông.

  • Năm mới tại Imjingak, Hàn Quốc, gần biên giới với Triều Tiên. Ảnh: AP

  • Pháo hoa nhìn từ ngôi chùa Bongeun ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

  • 0h00 ngày 1/1, người dân Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia đồng loạt chào đón năm mới 2015.

  • Indonesia bước sang năm 2015. Tuy nhiên, nhiều khu vực ở quốc gia vạn đảo đã tuyên bố hủy các hoạt động chào đón năm mới 2015 nhằm tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm kịch QZ8501, BBC đưa tin.


  • Màn đếm ngược đón năm mới tại Hà Nội và pháo hoa tại Sài Gòn.
  • Pháo hoa ở cảng Victoria, Hong Kong. Ảnh: AFP

 

Minh Anh - Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm