Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Á mở cửa trở lại - kinh nghiệm quý giá của thế giới hậu Covid-19

Cuộc sống của người dân tại Australia và nhiều nước châu Á chứng kiến thay đổi to lớn trong bối cảnh các hoạt động xã hội được khôi phục sau đại dịch.

Các tín đồ tại nhà thờ Công giáo lớn nhất ở thủ đô Seoul đã không còn hát thánh ca hay nói "amen" do lo sợ bắn nước bọt cho người xung quanh. Các linh mục rửa tay trong khi hiệp thông cầu nguyện. Trong khi đó, nước thánh đã được loại bỏ khỏi các nhà nguyện.

"Kể từ nay, điều này sẽ trở thành sự bình thường mới. Chúng ta phải sẵn sàng cho cuộc chiến", Gong My Young, quản lý một trường học cho biết. Người phụ nữ 53 tuổi tham dự cầu nguyện một tối trong tuần vừa rồi, theo New York Times.

Thực tiễn xã hội mới

Tại Hàn Quốc, người dân có một cái tên cho những gì đang xảy ra: "cuộc sống cách ly mỗi ngày". Nhà chức trách Hàn Quốc mới đây đã ban hành một văn bản hướng dẫn dày 68 trang, trong đó đưa ra khuyến nghị cho người dân khi tham gia các hoạt động như xem phim (không hò hét), dự tang lễ (cúi đầu chào thay vì ôm).

Khắp châu Á và Australia, quốc gia đã dần kiểm soát thành công sự bùng phát của virus corona, các nhà thờ, trường học, quán ăn, rạp chiếu phim, thậm chí các cơ sở tập luyện thể thao đang bắt đầu mở cửa trở lại, tạo ra tâm lý mọi thứ đã trở lại bình thường cho những người đã nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng sống dưới lệnh cách ly.

Nhưng, điều thực sự xảy ra là người ta đang trở lại với một thế giới được tái định hình để thích nghi với virus corona. Giãn cách xã hội, tiêu chuẩn vệ sinh cùng các biện pháp hạn chế của chính phủ xuất hiện trong gần như mọi hoạt động, cách sống này có lẽ sẽ kéo dài tới khi một loại vaccine hoặc thuốc đặc trị được chế tạo.

the gioi sau dai dich anh 1

Bên trong nhà thờ Myeongdong ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: New York Times.

Tại Hong Kong, bàn ăn tại các nhà hàng phải được bố trí cách nhau tối thiểu 2 m, khách hàng được phát túi để đựng khẩu trang trong khi dùng bữa. Sinh viên tại Trung Quốc Đại lục phải đo nhiệt độ trước khi được cho phép vào trường học, trong khi bàn ăn được ngăn cách bằng các tấm nhựa.

Trong khi đó, các trận đấu bóng chày được tổ chức trong sân vận động không có khán giả, cầu thủ bị cấm khạc nhổ trên sân.

Nhiều người cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài chuẩn bị tinh thần và chấp nhận những thay đổi trong cuộc sống, dù hiểu rằng sẽ mất đi tự do cá nhân.

Tại câu lạc bộ nhảy Salsa có tên Amigos ở thủ đô Seoul, giáo viên hướng dẫn học viên đeo khẩu trang, nghỉ giải lao liên tục để học viên không toát mồ hôi, đồng thời giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m. Một số giáo viên thậm chí tránh các bài tập ghép đôi do lo ngại học viên sẽ có quá nhiều tiếp xúc cơ thể.

"Tôi thực sự ước virus sẽ biến đi ngay lập tức và tôi có thể lại tiếp tục nhảy", Woo Tae Hyuck, học viên tại lớp Salsa và Bachata, cho biết.

Chống dịch và phát triển kinh tế

Những thực tiễn và yêu cầu xã hội bắt buộc mới tại Hong Kong, Bắc Kinh và Seoul, cũng như tại Sydney và Đài Bắc, cho thấy bức tranh có lẽ sẽ sớm trở thành hiện thực trên toàn cầu. Trong khi một phần châu Âu và Mỹ đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, nhiều thành phố ở châu Á và Australia đã tiến xa hơn nhiều.

Virus corona, hay nỗi sợ sự lây lan của dịch bệnh, đã sớm đến với châu Á, chính phủ các nước nhiều tháng qua đã áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan. Trong bối cảnh các ca nhiễm mới ở nhiều nước giảm dần về mức 0, châu Á có thể tự tin bắt đầu mở cửa trở lại, dù vẫn duy trì cảnh giác.

Các điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2019, bắt đầu tiếp nhận du khách, tuy nhiên giới hạn nghiêm ngặt về quy mô của mỗi đoàn du lịch. Tử cấm thành ở Bắc Kinh chỉ cho phép 5.000 người tham quan mỗi ngày, so với trung bình 80.000 lượt khách mỗi ngày trước đại dịch.

Tại Hong Kong, các thư việc được cho phép mở cửa hoạt động. Tuy nhiên, người tới sử dụng thư viện chỉ được phép lưu lại một giờ.

Các tiệm làm tóc ở Sydney đã được cho phép hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa vì virus corona. Tuy nhiên, các cửa hàng phải bảo đảm cung cấp khẩu trang và nước rửa tay cho khách hàng cũng như nhân viên, đồng thời khách hàng cũng không được phát tạp chí như trước.

the gioi sau dai dich anh 2

Thiết bị đo thân nhiệt tại một địa điểm công cộng ở Hàn Quốc. Ảnh: New York Times.

Trong khi cố gắng ngăn chặn virus xâm nhập và lây lan, các chính phủ vẫn phải tìm cách duy trì phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội. Hướng dẫn giãn cách xã hội và tiêu chuẩn vệ sinh được ban hành tại nhiều quốc gia, như yêu cầu đeo khẩu trang trên tàu và xe bus, khuyến cáo tránh tiếp xúc mặt đối mặt trong công việc. Tại các cửa hàng và trung tâm thương mại, kiểm tra thân nhiệt là bắt buộc.

Việc hạn chế số người tụ tập được chính phủ các nước áp dụng phổ biến. Tại Sydney, người dân chỉ có thể tiếp 2 khách cùng lúc tại nhà, trong khi Hong Kong cấm tụ tập tại nơi công cộng từ 5 người trở lên. Các hoạt động ngoài trời tại Đài Loan bị giới hạn ở quy mô 500 người.

Hàn Quốc, với các ổ dịch ban đầu xuất phát từ nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa, giờ đây đặc biệt quan tâm tới các cơ sở tôn giáo. Nhiều nhà thờ yêu cầu tín đồ đặt chỗ trước mỗi lần tham dự nhằm giới hạn người tới cầu nguyện. Đeo khẩu trang là yêu cầu bắt buộc tại các nhà thờ.

Giới doanh nghiệp cũng áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn, thu hút khách hàng quay trở lại, sau thời gian dài việc mua bán được tiến hành trực tuyến.

Black Sheep, chuỗi nhà hàng cao cấp ở Hong Kong, đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt và điều tra lịch sử y tế bắt buộc tại tất cả 23 chi nhánh. Nước sát khuẩn và túi sử dụng một lần để đựng khẩu trang được phát tại tất cả bàn ăn. Các quản lý của Black Sheep cho biết những biện pháp này giúp cải thiện hình ảnh của tập đoàn, thu hút khách hàng trở lại.

"Nhiều thứ sẽ không lập tức quay lại giống như thời gian trước dịch Covid-19. Các tiêu chuẩn cũ là không đủ. Giãn cách vật lý là một trong điều đó", Syed Asim Hussain, đồng sáng lập của Black Sheep, nói.

Thách thức tại trường học

Trong khi đó, trường học trở thành một trong những thách thức lớn nhất với các chính phủ. Các lớp học là nơi có nhiều tương tác xã hội, cũng là ổ lây nhiễm các loại vi khuẩn. Tuy nhiên, xã hội sẽ không thực sự vận hành nếu các bậc cha mẹ không thể gửi trẻ em tới trường toàn thời gian.

Tại Sydney, nhà chức trách mở cửa trường học theo từng giai đoạn. Các lớp học được tổ chức một ngày mỗi tuần cho 25% học sinh từng khối. Việc học sẽ dần được mở rộng từ nay tới cuối tháng 6. Trong khi đó, học sinh cuối cấp tại Trung Quốc đã trở lại chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào đại học. Kế hoạch tương tự cũng đang được xem xét triển khai ở Hàn Quốc.

Các nhà giáo dục cũng không quên nâng cao nhận thức của học sinh về dịch bệnh.

the gioi sau dai dich anh 3

Bên trong một lớp học ở Đài Loan. Ảnh: New York Times.

Tại Hàng Châu, học sinh tại một trường tiểu học tư thục được yêu cầu đội mũ bằng bìa cứng, vành mũ dài tới 1,5m, một biện pháp giáo dục về giãn cách xã hội. Học sinh cũng được học kiến thức về thời gian ủ bệnh và các triệu chứng khi nhiễm virus corona.

Tại Đài Loan, nơi các lớp học đã hoạt động từ cuối tháng 2, các trường học hủy bỏ các hoạt động tập trung đông người, học sinh được yêu cầu đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Các trường học yêu cầu học sinh không nói chuyện khi ăn, không tổ chức các trò chơi tập thể có thể tạo ra tiếp xúc gần như rút gỗ. Lễ tốt nghiệp tại nhiều trường được tổ chức trực tuyến.

"Tôi nhớ rất nhiều thứ, nhưng đây là điều cần thiết để chống lại dịch bệnh", Lee Yu Chung,học sinh 18 tuổi tại trường Trung học cộng đồng Đài Bắc, cho biết.

Học sinh Trung Quốc đội mũ dài 1 m để đi học trở lại Nhiều học sinh đội mũ dài một mét, giữ khoảng cách với bạn học tránh lây nhiễm virus corona khi đến trường vào ngày 26/4 tại Chiết Giang, Trung Quốc.

Ông Pompeo: Bằng chứng 'to lớn' rằng virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định có bằng chứng "to lớn" cho thấy Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, dù cho rằng virus không phải sản phẩm nhân tạo.

Philippines không để gia đình nhìn mặt người chết vì virus corona

Các hạn chế do Covid-19 khiến lễ an táng người tử vong vì dịch bệnh không được tiến hành như phong tục, một số gia đình thậm chí không thể nói lời tiễn biệt người thân vừa khuất.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm