Việc đưa AI vào tìm kiếm trực tuyến có thể đẩy nhanh tốc độ lan truyền thông tin sai lệch. Ảnh: Forbes. |
Trong ngày 7/2, Google đã giới thiệu Bard, một dịch vụ đàm thoại AI với khả năng hỗ trợ cho các câu hỏi của người dùng. Không chịu kém cạnh, một ngày sau, CEO Satya Nadella của Microsoft cũng cho biết công cụ tìm kiếm Bing sẽ được bổ sung thêm trí tuệ nhân tạo nhờ sự hợp tác với OpenAI.
Theo Business Insider, những chatbot mới này không quá thông minh. Công nghệ đằng sau nó được biết đến là một mô hình ngôn ngữ, có thể trích xuất các nội dung liên quan đến nhau từ cơ sở dữ liệu khổng lồ và phức tạp. Tuy nhiên, thay vì phải lựa chọn giữa rất nhiều kết quả tìm kiếm, các siêu AI này lại hỗ trợ người dùng chọn ra nội dung phù hợp nhất.
Câu trả lời mơ hồ
Hiện tại, người dùng cần điền từ khóa vào ô tìm kiếm và cuộn qua các liên kết để lựa chọn câu trả lời. Năm ngoái, Phó chủ tịch mảng tìm kiếm của Google chia sẻ rằng công ty đã sử dụng AI dưới dạng ngầm để giúp tăng trải nghiệm cho người dùng. Tuy vậy, với sự thành công nhanh chóng của ChatGPT, Google đã phải vội vã đưa ra chatbot AI của riêng mình.
Thực tế, Google đã có dự định đưa siêu AI của mình ra công chúng từ rất lâu trước đó. Tại một hội nghị vào năm 2011, Chủ tịch của Google vào thời điểm đó là Eric Schmidt đã tuyên bố rằng “trò chơi cuối cùng” của tìm kiếm là sử dụng AI để đưa ra kết quả, thay vì đưa ra các trang web có liên quan. Ngoài ra, trong một bài viết vào năm 2021 của Google Research, các chatbot được hỗ trợ bởi mô hình ngôn ngữ có thể cung cấp nhiều câu trả lời giống như con người hơn so với tìm kiếm thông thường.
Phản hồi các siêu AI khó so sánh với việc con người tự tìm kiếm thông tin. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, vấn đề của công nghệ này cũng xuất hiện khi AI có thể không hiểu hết về thế giới của con người. Do đó, nó không có khả năng biện minh cho các câu trả lời của mình nếu thông tin nằm ngoài kho dữ liệu đào tạo.
Trong bài viết của Google Research, để chatbot AI hiệu quả trong tìm kiếm, nhà phát triển cần xây dựng quyền lực và tính minh bạch hơn. Bằng cách nào đó, họ cần loại bỏ sự thiên vị khỏi cơ sở dữ liệu đào tạo và dạy siêu AI này việc kết hợp các quan điểm đa dạng.
Thực tế, theo nhận định của Insider, những người tìm kiếm thông tin trên mạng cũng góp phần vào chính quá trình này. Theo đó, đa phần con người đều có khả năng phát hiện thông tin sai lệch và tự tìm ra nội dung phù hợp cho chính mình.
Trong khi đó, câu trả lời của chatbot sẽ bị loại bỏ nhiều yếu tố, dẫn đến việc thiếu tính minh bạch. Ngoài ra, các siêu AI này cũng có thể thiếu thông tin trong câu trả lời do nó chỉ cố chọn lọc nội dung trong cơ sở dữ liệu đào tạo.
Cần thêm thời gian
Trong bài đăng trên blog của mình, CEO Sundar Pichai của Google cho biết các câu trả lời từ việc truy vấn chatbot sẽ dễ hiểu hơn một danh sách dài các liên kết. Chúng chắc chắn dễ đọc hơn và giúp người dùng tránh mất thời gian. Mặc dù vậy, Insider nhận định câu trả lời từ một chatbot có thể bị đơn giản quá mức.
Ngoài ra, các chatbot không đưa ra nguồn trích dẫn dữ liệu. Do đó, người dùng sẽ không có cách để xác minh câu trả lời từ các siêu AI này.
"Trong nhiều tình huống, chúng ta không có câu trả lời duy nhất, cũng không có câu trả lời dễ dàng. Bạn phải để mọi người tự khám phá ra câu trả lời của họ", Chirag Shah, nhà khoa học thông tin tại Đại học Washington chia sẻ.
Cả Bard của Google và ChatGPT đều cần thêm thời gian để phát triển. Ảnh: DailyNation. |
Hiện tại, các chủ đề và ý tưởng phức tạp với nhiều khía cạnh không phù hợp với câu trả lời một lần, theo Insider. Những gì người dùng muốn là nhấp vào các liên kết và chọn lọc nội dung. Đây cũng là cách mọi người biến thông tin và nghệ thuật hiện có thành một thứ mới mẻ, thông qua sự đổi mới và tổng hợp.
Chatbot của Microsoft đã cho thấy khả năng của nó, trong khi Google cũng nghiên cứu nhiều về AI. Tuy vậy, nó chưa nên được ưu tiên.
“Họ muốn giữ mọi thứ đơn giản và dễ dàng nhất có thể cho người dùng. Điều đó cho phép các công ty đan xen nhiều quảng cáo hơn trong cùng một màn hình và tối ưu hóa theo bất kỳ số liệu nào họ muốn. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng những thứ này không hoàn toàn được xếp hạng dựa trên mức độ liên quan”, Chirag Shah cho biết.
Xuất bản học thuật phủ nhận tác quyền của ChatGPT
Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.