“Bây giờ cả nhà lo tiền ăn tiền uống, tiền đóng nhà trọ là nhức đầu rồi, chứ đâu dám nghĩ tới lễ, Tết gì nữa”, bà Phạm Thị Hồng Hạnh (45 tuổi) nói.
Người phụ nữ xếp lại mấy thùng mì ăn liền được nhà hảo tâm hỗ trợ từ đợt giãn cách, lòng không khỏi trăn trở. Từ lúc các nguồn hỗ trợ tạm ngừng, những thùng mì này là nguồn sống chính của cả gia đình trong lúc chờ việc làm.
Thất nghiệp và bài toán chi phí
Gia đình bà Hạnh thuê một căn phòng nhỏ ở cuối dãy trọ trong con hẻm trên đường Tôn Đản (quận 4). 3 năm trước, kinh doanh thất bại, bố mẹ của bà bán nhà rồi cùng các con đến trọ tại đây.
Chồng của bà Hạnh làm thợ sửa xe trong một cửa tiệm ở quận 8, còn bà buôn bán nhỏ ở chợ Xóm Chiếu (quận 4). Đầu tháng 7, cả dãy nhà trọ nhiễm bệnh, bố và mẹ bà Hạnh lần lượt qua đời vì Covid-19.
Khu trọ bị cách ly thời gian dài, người phụ nữ cho biết mọi sinh hoạt đều bị hạn chế trong không gian chật chội của căn phòng, lương thực và thuốc men được tiếp tế từ các nhà hảo tâm.
Gia đình bà Hạnh sống trong phòng trọ chật hẹp ở quận 4. Các chi phí sau giãn cách trở thành gánh nặng với họ. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Đầu tháng 10, giãn cách xã hội kết thúc, vợ chồng bà Hạnh hy vọng có thể trở lại công việc để khôi phục kinh tế gia đình. Tuy nhiên, tiệm sửa xe nơi chồng bà Hạnh làm việc đã đóng cửa, tạm thời ông chưa tìm được công việc mới. Cậu con trai còn nhỏ tuổi nên bà Hạnh cũng chưa buôn bán trở lại.
Đi lại thoải mái, nhưng chưa có việc làm khiến vợ chồng tôi rất áp lực.
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh
Thất nghiệp kéo dài, khiến vợ chồng bà rất lo lắng. “Thời điểm giãn cách mặc dù có hơi bức bí, chúng tôi vẫn được tiếp tế lương thực. Còn giờ, đi lại thoải mái hơn, nhưng chưa có việc làm, phải đối mặt với đủ thứ chi phí khiến vợ chồng tôi rất áp lực”, bà Hạnh nói.
Tròn 100 ngày của bố mẹ, vợ chồng bà Hạnh đắn đo mãi vì không đủ chi phí để gửi tro cốt của ông bà vào chùa. Nếu gửi 2 hũ tro cốt vào chùa thờ cúng thì gia đình bà Hạnh phải có 12 triệu đồng. Số tiền tuy không quá lớn, nhưng là gánh nặng thời điểm này.
“Vợ chồng tôi mướn một chiếc thuyền, rồi ra giữa sông rải tro cốt. Tôi nghĩ cha mẹ thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của chúng tôi lúc này”, bà Hạnh buồn rầu chia sẻ.
Thiếu vốn và kinh doanh ế ẩm
Hầu hết gia đình sống cùng dãy trọ với gia đình bà Hạnh rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn vì thất nghiệp sau giãn cách. Họ, đa số là người lao động phổ thông, có người làm giúp việc, có người chạy xe ôm, thợ hồ… thu nhập vốn đã bấp bênh nay càng thêm chật vật.
Một số hộ bán hàng rong cũng rục rịch trở lại nhưng việc buôn bán không khả quan. Bà Thu Trang (54 tuổi) sống một mình ở căn phòng đầu dãy trọ, làm nghề buôn bán gối dạo. Sau khi giãn cách xã hội kết thúc, bà vay một số tiền nhỏ để mua hàng hóa đi bán trở lại.
Bà Thu Trang sống một mình trong căn phòng trọ vỏn vẹn 10 m2, chất đầy hàng hóa, chỉ chừa một khoảng không gian nhỏ để ngủ và sinh hoạt. Ảnh: Hữu Nghĩa. |
Mỗi ngày, bà Thu Trang thức dậy từ 6h, chở gối đến các chợ tự phát để tìm vị trí bán. Để có vị trí bán tạm bợ ở chợ, bà phải chi số tiền 50.000-70.000 đồng cho một buổi.
Có ngày bán không được, lỗ luôn tiền thuê chỗ.
Bà Thu Trang
“Buôn bán ế ẩm lắm. Có ngày bán không được, lỗ luôn tiền thuê chỗ. Đó là chưa kể tiền xăng xe, ăn uống, rồi lãi đóng cho người ta mỗi ngày”, bà Trang chia sẻ. Để có thêm tiền trang trải chi phí nhà trọ, bà phụ việc cho một số quán ăn.
Đối với những gia đình đang phải nuôi con ăn học, các khoản học phí càng thêm phần gánh nặng cho họ. Sau khi vợ mất vì Covid-19, ông Hùng chưa tìm được công việc ổn định để chăm lo cho cậu con trai vừa bước vào năm nhất đại học.
Để có tiền trang trải cuộc sống, mỗi buổi sáng, hai cha con ông Hùng bán xôi ở vỉa hè đường Thành Thái (quận 10). Tuy nhiên, công việc buôn bán này chỉ mang tính cầm chừng.
Sau giãn cách xã hội, cha con ông Hùng nương tựa vào nguồn thu nhập chính từ xe bán xôi. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Với người lao động xa quê, gánh nặng cuối năm còn là việc về quê hay ở lại. Ông Hoàng Văn Hiển (43 tuổi, Hưng Yên) vào TP.HCM bán trái cây dạo tại khu vực chợ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) đã hơn 10 năm. Ông cho biết sau giãn cách, việc buôn bán ế ẩm, thu nhập không được như trước.
“Tết năm nay chắc tôi không về quê. Phần vì tình hình dịch còn phức tạp quá, phần vì kinh tế còn thiếu thốn. Nên thôi, coi như năm tới không có Tết”, người đàn ông buồn rầu nhìn xe trái cây vẫn còn đầy ắp.