Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chất Hà Nội?

Những người viết trẻ trong Hội nghị “Những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai” nghĩ gì về việc sáng tác về Hà Nội?

Thực tế, đây là một trong hai chủ đề được nói nhiều tại hội nghị này: chất Trẻ và chất Hà Nội.

Hội nghị dành gần trọn một ngày 24/9 để những người trẻ lên tiếng. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, trong đề dẫn của mình nêu “điều cần có trong trang văn của mình là cái chất Thăng Long - Hà Nội. Văn chương có chất Thăng Long - Hà Nội là văn chương sang trọng, cao đẹp, tinh tế”. 

Nói thế tưởng như đúng quá rồi nhưng ở dưới vẫn có nhà văn trẻ đàm tiếu với nhau. Rằng: văn chương các tỉnh không cần vươn lên sang trọng, cao đẹp, tinh tế hay sao? Hay là chuẩn các tỉnh lại khác? Chủ tịch Hội cũng dẫn chuyện nhà thơ Hồ Dzếnh tâm sự với nhà văn Nguyễn Khải (dẫn theo Nguyễn Khải - Thượng đế thì cười, NXB Trẻ 2012): “Cái nước sông Hồng, cái gió sông Hồng nó lạ lắm, nó làm ra văn chương Hà Nội… Anh muốn sống ở đâu cũng được, viết ở đâu cũng được, nhưng phải tráng qua tí chút hơi hướng của Tràng An mới thành văn chương đích thực, nó khác với văn tỉnh lẻ”.

Ừ thì cứ cho rằng đó là những quan điểm riêng đi, dù là của người nổi tiếng nói và người nổi tiếng dẫn lại. Thế còn người trẻ và chưa nổi tiếng lắm thì nói gì?

Ý kiến của nhà văn Nhật Phi (đoạt giải Văn học tuổi 20 năm 2014), người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội: “Hà Nội trong mắt con bằng tuổi con, tồn tại từ năm 1995 trở lại đây. Hà Nội trong văn của chúng con không thể giống như thời Nguyễn Khải”. Cũng theo Nhật Phi, “một đô thị như Hà Nội có nhiều pha tạp, một xã hội náo hoạt”. Xin lưu ý ở đây có từ “pha tạp”, nghĩa là không có sự “nguyên chất”.

Lại nhớ trong một hội thảo về văn chương viết về Hà Nội tổ chức năm ngoái, khi một diễn giả nhấn mạnh đến những đặc trưng theo chị là riêng có của người Hà Nội gốc, thì một biên tập viên lại đứng lên bức xúc: Tôi thấy có những quan niệm cạn hẹp, bản vị và huyền thoại hóa một vùng đất. Hà Nội từng đón nhận bao nhiêu người từ các nơi khác đến và chính họ làm mới, làm sang cho Hà Nội”.

Có lẽ đây là một thứ chuyện vô tiền  khoáng hậu. Nhưng dù sao cũng phải lưu ý, khi nhà văn trẻ Nhật Phi nói: “không thể đòi hỏi các tác giả trẻ phải viết như thế nào cho ra “chất Hà Nội” mà viết gì là lựa chọn của riêng họ”.

Quyết liệt hơn, nhà thơ Du Nguyên - tự giới thiệu đến từ Nghệ An, hiện sống ở Hà Nội, nói: “Chúng tôi thấy Hà Nội không còn hấp dẫn nữa. Không còn như một chất gây nghiện. Chúng tôi có quyền không viết về Hà Nội. Tại sao những người đi trước lại áp đặt cho chúng tôi là phải viết về điều này điều kia trong khi chúng tôi cũng có những câu chuyện của riêng mình?”. Chính chị cũng là người cổ súy cho quan điểm sáng tác “giải trung tâm”. Tuy nhiên ngay sau đó, lập tức có tiếng nói từ chủ tịch đoàn, rằng: Đó là quyền của mỗi người sáng tác, nhưng “không sáng tác về Hà Nội thì Hà Nội cũng không thiệt đi, nhưng có khi người sáng tác lại thiệt”.

Thế là có vẻ to chuyện, nhiều nhà văn có tuổi và có danh gật gù. Nhiều nhà văn nhà thơ không thích lắm những sự cách tân gật gù. Nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, người năm  ngoái vừa ra mắt tiểu thuyết Nhắm mắt nhìn trời - được xây dựng trên bối cảnh một ngôi làng ngoại thành Hà Nội trong quá trình đô thị hóa, khi phát biểu đã tự nhận là “người Hà Nội nhập cư”, nói: “Khi chúng ta làm nghề viết, chúng ta không hỏi tại sao Nguyễn Huy Thiệp hay Bảo Ninh không viết về Hà Nội. Hãy để nhà văn viết theo nhu cầu tự nhiên”.

Nhìn theo một chiều khác, nhà nghiên cứu phê bình trẻ Mai Anh Tuấn nói: “Bất cứ một  không gian văn học nào cũng cần đến  sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tiếng nói mới”. Vậy phải chăng ở đây, khi những người viết trẻ đang sống ở Hà Nội, thậm chí chính người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội bắt đầu nghi ngờ sứ mệnh “phải viết về Hà Nội”, thì đó lại chính là chỉ báo cho sự trưởng thành của một lớp nhà văn Hà Nội mới.

http://www.tienphong.vn/van-nghe/chat-ha-noi-913967.tpo

Theo Hiền Anh/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm