Quyết định của Bộ GTVT là sự hồi đáp sau khi Vingroup và Techcombank chủ động đề xuất lập báo cáo nghiên cứu dự án này, đồng thời sẵn sàng chịu mọi chi phí nếu dự án không được phê duyệt.
Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu và sớm triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Công trình dài 140 km, nối 2 địa phương Đắk Nông và Bình Phước, thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh).
Một đoạn của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh). Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Bộ GTVT đề nghị Vingroup và Techcombank có trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên theo phương thức PPP; trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.
Trước ngày 31/8, hai đơn vị này phải nộp hồ sơ đề xuất dự án tại trụ sở Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh. Chi phí lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được xác định trên cơ sở dự toán được thẩm định, phê duyệt và được tính trong tổng mức đầu tư dự án theo quy định.
Tập đoàn Vingroup và Techcombank có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện các công việc trên, trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận thì nhà đầu tư chịu mọi chi phí, rủi ro.
Sau bước nghiên cứu tiền khả thi, việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu, Luật PPP và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, sau 2 năm từ khi được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (26/6/2020), Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã chính thức dừng nhiệm vụ này, bàn giao lại việc nghiên cứu dự án cho doanh nghiệp tư nhân.
Trách nhiệm tiếp theo của PMU đường Hồ Chí Minh là hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án, rà soát và trình dự án lên cấp thẩm quyền.