Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chào mừng đến rừng' - tham vọng dời đô đầy thách thức của Indonesia

Kế hoạch dời thủ đô của Indonesia từ Jakarta vào những cánh rừng trên đảo Borneo có thể dẫn đến tham nhũng và gây hại cho môi trường nhưng là thay đổi cần thiết cho "xứ vạn đảo".

Tổng thống Joko Widodo muốn chính phủ chi ngân sách ít nhất 30 tỷ USD để dời thủ đô Indonesia từ Jakarta trên đảo Java sang một vùng rừng thuộc tỉnh Đông Kalimantan nằm trên đảo Borneo.

Yếu tố trực tiếp khởi động kế hoạch dời đô của Indonesia chính là biến đổi khí hậu. Thủ đô Jakarta đang chìm dần xuống biển. Để giải cứu đầu tàu kinh tế của đất nước, Tổng thống Widodo còn cho xây dựng một bức tường khổng lồ chắn sóng biển.

Indonesia doi thu do vao rung anh 1
Biến đổi khí hậu toàn cầu khiến nước biển dâng cao, đe dọa biến Jakarta chìm dần và chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn bởi các cơn bão. Ảnh: Getty.

Jakarta đang chìm dần

Nóng lên toàn cầu đang là mối đe dọa hiên hữu đối với hàng loạt các thành phố vốn thấp so với mặt nước biển. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa qua đã nghiên cứu rủi ro của 393 thành phố dễ bị bão đe dọa tại 31 quốc gia trên toàn thế giới. Các chuyên gia kinh tế kết luận 40% thiệt hại vì bão cấp độ thảm họa sẽ rơi vào 3 thành phố tại châu Á: Jakarta của Indonesia, Manila của Philippines và Karachi của Pakistan.

Trên thực tế, cuộc dời đô sẽ trao cho khu vực tư nhân Indonesia phần thưởng khổng lồ, với cơ hội nhảy vào hàng loạt dự án từ phát triển bất động sản, cung cấp nhiên liệu và khí đốt, quản lý bệnh viện và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Việc xây dựng dự kiến khởi công từ năm 2020 còn quá trình di dời người dân đến sinh sống sẽ bắt đầu khoảng 4 năm sau.

Trung tâm hành chính mới của Indonesia sẽ được đặt ở khu vực giữa Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông Kalimantan, phía đông đảo Borneo. Nơi này cách thủ đô hiện tại Jakarta 1.400 km, được biết đến với loài đười ươi và trữ lượng than lớn bậc nhất thế giới.

Indonesia chia sẻ đảo Borneo với Malaysia và Brunei. Nó nằm phía bắc đảo Java, nơi đặt thủ đô Jakarta.

Indonesia doi thu do vao rung anh 2
Một nghi lễ trong buổi gặp gỡ hàng năm của các tù trưởng bộ lạc ở tỉnh Đông Kalimantan vào năm 2012. Ảnh: Reuters.

Hình mẫu Brasilia

Tổng thống Widodo có thể đang hy vọng tái dựng hình mẫu của Brasilia. Thành phố mọc lên giữa rừng Amazon từ thập niên 1960 được Brazil chọn làm thủ đô mới để phá vỡ việc phụ thuộc quá mức của kinh tế và chính trị quốc gia vào Rio de Janeiro. Việc di dời thủ đô đến Borneo có thể tạo hiệu ứng tương tự cho đảo Java, hòn đảo chính trong hơn 18.000 hòn đảo tạo nên Indonesia.

Như cách thực dân Bồ Đào Nha từng biến Rio trở thành trái tim của nền kinh tế Brazil và cả khu vực, công ty Đông Ấn của Hà Lan đã biến Batavia, nay là Jakarta, trở thành trung tâm của một mạng lưới thương mại khổng lồ tồn tại đến tận bây giờ.

Brazil thời kỳ hậu thuộc địa hiểu họ cần làm suy yếu vai trò trung tâm quá lớn của Rio de Janeiro và đã xây dựng nên Brasilia. Ông Jokowi có lẽ cũng đang có những tính toán tương tự khi giao cho Bộ trưởng Phát triển Kế hoạch Bambang Brodjonegoro lên kế hoạch xây dựng thủ đô mới.

Việc giảm vai trò chính trị của đảo Java là một thách thức không hề nhỏ. Đây là hòn đảo đông dân nhất Indonesia và chiếm gần 59% tổng GDP hàng năm.

"Jakarta là Java. Nó thể hiện toàn bộ đặc tính của Java", Bambang Brodjonegoro nhận định.

Tuy nhiên, Indonesia luôn phải lớn hơn Java. Bộ trưởng Brodjonegoro cho rằng việc giảm sự độc tôn đa số của thành trì Malay-Hồi giáo ở Java sẽ mở đường để phát triển "hương vị Indoneisa" hài hòa hơn giữa các sắc tộc, văn hóa và tôn giáo. Ông cho rằng sự đánh đổi này hoàn toàn xứng đáng.

Indonesia doi thu do vao rung anh 3
Thủ đô của Indonesia sẽ được dời từ Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Ảnh: SBS.

Cơ hội lẫn rủi ro

Kế hoạch dời đô còn có thể thay đổi cán cân nền kinh tế, dịch chuyển khỏi mô hình lấy các tập đoàn quốc doanh làm trụ cột. Thành phần kinh tế nhà nước chiếm vai trò ngày một lớn kể từ khi ông Widodo nhậm chức tổng thống vào năm 2014, cùng với lời hứa phát triển cơ sở hạ tầng ở những vùng xa xôi hẻo lánh của "xứ vạn đảo".

Sự thiếu tin tưởng dành cho các tập đoàn tư nhân tại Indonesia chịu tác động từ yếu tố lịch sử. Trong 32 năm cầm quyền của nhà độc tài Suharto, tài nguyên quốc gia bị khai thác quá mức bởi những nhượng bộ với công ty nước ngoài và lợi ích phe nhóm. Điều này chỉ chấm dứt vào năm 1998, gần một năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ.

Trong bài phân tích trên Bloomberg, tác giả Andy Mukherjee nhận định rằng với một khu vực tư nhân mới dân chủ và trẻ trung hơn, dự án thủ đô mới trị giá hơn 30 tỷ USD có thể là sân chơi cho sức sáng tạo vô hạn. Tuy nhiên, ông Mukherjee cũng cảnh báo rủi ro thủ đô mới trở thành mảnh đất để tham nhũng sinh sôi. Indonesia sẽ buộc phải lựa chọn cẩn thận.

Vấn đề môi trường cũng đối diện trước sự lựa chọn tương tự. Tình trạng khói bụi hàng năm bao phủ Singapore và một phần lãnh thổ Malaysia chủ yếu bắt nguồn từ những vụ cháy rừng tại Kalimantan, khi nông dân phát quan để lấy đất canh tác đồn điền.

Đặt chính quyền trung ương trên đảo Borneo liệu có cải thiện được chính sách quản lý đất trồng cây cọ dừa ở địa phương này hay không, đó vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Nếu Tổng thống Widodo thành công, hình ảnh của Indonesia sẽ được cải thiện đáng kể. Các đại sứ và phái đoàn ngoại giao tại Kalimantan có thể thuyết phục nước mình dỡ bỏ các lệnh phản đối dùng nhiên liệu sinh học chế tạo từ dầu cọ của Indonesia. Viễn cảnh này sẽ đảm bảo được sinh kế cho gần 6% dân số quốc gia.

Ngôi làng đang bị nhấn chìm xuống biển ở Indonesia Cư dân làng Bedono trên đảo Java chịu ảnh hưởng của nước biển dâng cao từ những năm 1990 và khoảng 300 ha đất đã bị nhấn chìm.

Đông Kalimantan sẽ là thủ đô mới của Indonesia thay Jakarta

Tỉnh Đông Kalimantan, nằm ở phía bắc thủ đô Jakarta, sẽ là nơi đặt thủ đô mới của Indonesia sau khi Jakarta đã quá tải và đối mặt với tình trạng ô nhiễm, kẹt xe nghiêm trọng.

Bạo loạn ở Tây Papua, Indonesia cắt mạng, khẩn cấp chi viện 1.000 quân

Chính quyền Indonesia cho cắt kết nối mạng tại Tây Papua và các khu vực lân cận, điều động khẩn cấp 1.000 quân đối phó bạo loạn cho đến khi tình hình "trở lại ổn định bình thường".




Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm