Chảo lửa Hà Tĩnh nhếch nhác sau nhiều năm ít sử dụng
Thứ bảy, 10/11/2018 08:23 (GMT+7)
08:23 10/11/2018
Sân vận động Hà Tĩnh với sức chứa hơn 15.000 khán giả nhưng không được sử dụng hiệu quả. Nhiều hạng mục của công trình xuống cấp, hư hỏng.
Sân vận động Hà Tĩnh nằm trong Khu liên hợp Thể thao của Trung tâm Thể dục thể thao Hà Tĩnh ở phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh). Sân được khởi công xây dựng và hoàn thành vào những năm đầu thập kỷ 1990 với sức chứa hơn 15.000 chỗ ngồi.
Sân vận động từng là nơi tuyển U18 Hà Tĩnh vượt qua người anh em U18 Sông Lam Nghệ An để giành chức vô địch trong giải bóng đá U18 toàn quốc năm 2000. Từ năm 2003 đến 2011, khi CLB Hà Tĩnh thi đấu tại giải hạng Nhì quốc gia thì sân được dùng làm sân nhà của đội bóng.
Với sức chứa chỉ 15.000 khán giả, sân vận động này từng không thể đáp ứng đủ lượng người tới sân cổ vũ nên có những trận đấu nhiều người đã phải dùng cách vượt tường hoặc trèo lên những ngôi nhà cao xung quanh để chứng kiến đội bóng quê hương thi đấu.
Cuối năm 2011, tập đoàn Xuân Thành chấm dứt đầu tư khiến đội bóng Hà Tĩnh chính thức giải thể. Từ đó đến nay, sân bóng một thời từng chật kín khán giả trở nên vắng lặng.
Nhiều năm nay, sân vận động chủ yếu là nơi tập luyện của đội tuyển điền kinh và đội bóng U19 Hà Tĩnh. Đây còn là địa điểm để tổ chức hội khỏe Phù Đổng tỉnh và một vài hoạt động thể thao khác. Năm 2000, sân vận động từng được đầu tư cải tạo lại mặt cỏ và một số hạng mục. Song, gần 20 năm chưa được trùng tu, bảo dưỡng, đến nay cơ sở vật chất tại sân bóng này đã xuống cấp.
Khung cảnh nhếch nhác, hư hỏng, những cổng vào sân khóa chặt, phần cánh cửa hoen gỉ, hư hỏng nặng theo thời gian.
Khu vực bậc ngồi dọc khán đài có những mảng bê tông bong tróc, cỏ dại mọc um tùm, rêu phủ kín.
Những đường ống tưới nước bị vứt bỏ nham nhở, hư hỏng.
Trên khán đài A, nhiều chiếc ghế đã rơi khỏi vị trí cố định.
Những tấm hàng rào sắt giữ khu khán đài và sân bóng bị rơi rớt, hư hỏng nặng. Nhiều mảng hoen gỉ, gãy đổ xuống khu vực khán đài. "Sân lâu không sử dụng nhiều nên xuống cấp, nghe tin sắp có đội bóng của Hà Tĩnh, hy vọng sân được sửa chữa, nâng cấp để đội bóng tập luyện và thi đấu tốt hơn, tạo niềm tin yêu bóng đá cho người Hà Tĩnh", một người dân sống cạnh sân vận động chia sẻ.
Đường pitch xuất hiện một số chỗ gồ ghề, mấp mô, hố sâu.
Phòng chức năng từ lâu không còn được sử dụng và gần như bỏ hoang, nhiều vật dụng không được bảo quản.
Một số dụng cụ thi đấu bị vứt bỏ trong khu vực phòng chức năng.
Trước thông tin Câu lạc bộ Hà Nội B sẽ chuyển về thi đấu cho Hà Tĩnh, người hâm mộ mong chờ sân bóng sớm được cải tạo, sửa chữa. Văn phòng UBND Hà Tĩnh cho biết khoảng đầu tháng 10, UBND tỉnh đã có công văn bàn giao cho sở, ngành tham mưu nhưng chưa có phương án cụ thể để cải tạo, nâng cấp sân.
Sân vận động Hà Tĩnh ở phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh, chấm đỏ). Ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết Sở nhận được công văn và đang phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư cũng như Ban quản lý xây dựng của tỉnh thực hiện. "Một số hạng mục như khán đài, bậc ngồi, sân, phòng chức năng, đèn... sẽ được Sở đề xuất sửa chữa, nâng cấp. Còn việc lên phương án và thời gian thực hiện do Ban quản lý xây dựng thực hiện", ông Thập nói. Ảnh: Google Maps.
Dự án cầu Làng Ngòn (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) được phê duyệt gần 55 tỷ đồng nhưng dang dở sau nhiều năm thi công. Nơi đây thành nơi tụ tập, hút chích của nhiều người.
UBND TP Đà Nẵng xin được chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà các đơn vị thực nộp vào ngân sách khi giao đất, có tính lãi suất để lấy lại sân vận động Chi Lăng.
Trường tiểu học Tân Quý, trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú (TP.HCM), xây dựng 2 tầng khang trang nhưng đang dần xuống cấp vì bỏ hoang gần 3 năm nay.