Anh Hổ Lỷ Sầu, quản lý quán cho biết, chương trình chỉ được quảng cáo trên Facebook. Trong ngày đầu tiên diễn ra, rất nhiều người gọi điện đến đăng ký tham gia. Buổi tối, không ít khách phải quay về vì hết chỗ ngồi.
Theo thực đơn của quán, một bát cháo ếch 1 con có giá 40.000 đồng, loại 2 con có giá 70.000 đồng. Các loại nước uống có giá dao động 15.000-20.000 đồng một món. Khách hàng có thể tham khảo giá giá trên thực đơn và trả bao nhiêu tùy thích. Chương trình kéo dài đến 20/11.
Nhờ chương trình khuyến mại, ăn thả ga, tính tiền tùy thích, trong ngày đầu tổ chức, quán luôn đông nghẹt khách. Ảnh: Zen Nguyễn. |
“Quán bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2015 nên chương trình giúp thu hút thêm nhiều khách mới. Chúng tôi chấp nhận chịu lỗ nếu khách hàng trả thấp hơn so với giá niêm yết hoặc không trả tiền. Cũng chính vì thế, trước khi tới, rất nhiều người gọi điện xác nhận lại thông tin vì cho rằng đó chỉ là chiêu trò của quán”, anh cho hay.
Chỉ trong trong một ngày áp dụng chương trình khuyến mại, lượng khách hàng đông gấp 2 lần bình thường. Hiện mức trả giá thấp nhất của một nhóm khách là 30.000 đồng cho 3 bát cháo ếch và đồ uống.
Theo ông Trương Thái Quốc Vương, chủ quán, trước đó, một chi nhánh trên đường Hồng Hà (quận Tân Bình) cũng đã áp dụng chương trình khuyến mại với nội dung tương tự. Ông cho hay rất bất ngờ khi có nhiều khách hàng lại định giá cao hơn niêm yết trong thực đơn của quán.
“Với quán mới này, chương trình khách hàng tự định giá được áp dụng cho cả đồ uống. Tôi rất mong đợi một kết quả khả quan như lần trước. Song quán cũng chấp nhận rủi ro nếu lượng khách trả giá thấp hơn”, anh chia sẻ.
Yên Đình, sinh viên ở quận 6, cho biết, bạn đã trả 50.000 đồng cho 2 tô cháo ếch. Đình cho hay bạn biết đến chương trình qua fanpage của nhà hàng trên mạng xã hội. "Mức giá em đưa ra chỉ bằng với thị trường, nhưng so với nhà hàng mức giá đưa ra có phần rẻ hơn một chút. Có thể trả mức thấp hơn, nhưng em thấy ngại, không thể lợi dụng chương trình để ăn miễn phí được", khách hàng này chia sẻ.
Theo nhân viên phục vụ, đến 22h, quán đã hết hàng để bán. Dự kiến ngày hôm sau, quán phải nhập 400-500 phần ăn để phục vụ lượng khách phát sinh.
Thực tế, kiểu khuyến mại nói trên đã được một số đơn vị kinh doanh áp dụng.
Trước đó, một cửa hàng quần áo ở Cầu Giấy, Hà Nội đã có chương trình cho học sinh, sinh viên tự định giá khi mua bất kỳ một sản phẩm quần áo, khăn,… nhân dịp đầu năm học. Để hạn chế số lượng khách tham gia, đơn vị này đưa ra quy định mỗi người chỉ được mua một lần một sản phẩm, có chứng minh nhân dân kèm theo và không được trả giá 0 đồng.
Phần lớn khách hàng trả giá chỉ 5.000-10.000 đồng, trong khi giá bán một sản phẩm dao động 150.000-170.000 đồng. Dù khẳng định chấp nhận rủi ro nhưng chỉ trong ngày đầu tiên, chủ quán đã thay đổi nội dụng chương trình khi quy định mức giá khách đưa ra thấp nhất là 20.000 đồng.
Theo chuyên gia e-marketing Nguyễn Phan Anh, chương trình “tự do trả giá” đã được đề cập trong một cuốn sách về kinh doanh. Mục đích là thu hút sự chú ý, khách hàng được trải nghiệm định giá, cho điểm món ăn. Hiện tại, ở Việt Nam rất ít có khuyến mại như trên. Việc đưa ra chương trình của chủ quán, theo đánh giá của chuyên gia trên, vẫn là khá táo bạo.
“Người Việt không thích 'ăn không' nhưng khi cho khách tự do trả giá, đơn vị kinh doanh sẽ rất ít gặp trường hợp khách đưa ra mức quá thấp hoặc là 0 đồng, tránh được một khoản hụt lớn”, ông phân tích.
Theo dự đoán của vị chuyên gia này, chia bình quân, ước đoán quán ăn có thể chịu lỗ nhưng không nhiều. Bởi với mặt hàng đồ ăn, thông thường sẽ không có nhiều khách hàng có thể trả giá thấp. Hơn nữa, khi đưa ra chương trình, chủ quán đã chấp nhận rủi ro tài chính.
Song chương trình khuyến mại cần cân nhắc khi cho khách hàng tự định giá luôn thức uống. Theo ông Phan Anh, chủ quán chỉ cần cho khách định giá món ăn chính và vẫn tính tiền thức uống sẽ cân đối được một khoản lợi nhuận.