Sáng 27/7, Quốc hội đã bỏ phiếu kín bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thảo luận tại đoàn về 3 chức danh trên.
Theo kết quả được Trưởng ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận được sự đồng ý của 478/488 đại biểu có mặt (96,76% tổng số đại biểu Quốc hội) để tái đắc cử Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Với 473/488 phiếu hợp lệ (chiếm 95,75 % tổng số đại biểu Quốc hội), ông Nguyễn Hòa Bình tái đắc cử chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Với 448/488 (chiếm 90,96 tổng số đại biểu Quốc hội), ông Lê Minh Trí tái đắc cử chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.
Quốc hội sau đó bấm nút thông qua nghị quyết về bầu các chức danh của khối Chủ tịch nước và tư pháp.
Phát biểu nhậm chức sau khi tuyên thệ, ông Nguyễn Hoà Bình một lần nữa cảm ơn Quốc hội bầu ông tiếp tục giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.
"Tôi khắc ghi lời tuyên thệ của mình trước Quốc hội, nguyện đem hết sức lực và trí tuệ phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, đảm nhiệm trọng trách mà Quốc hội giao phó là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam", ông Bình phát biểu.
Ông Bình cũng hứa sẽ cùng tập thể lãnh đạo Toà án nhân dân phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, đề cao kỷ luật, xây dựng toà án nhân dân trong sạch, liêm chính, thực hiện tốt nhiệm vụ, hiến pháp quy định, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thời gian tới ông Bình cho rằng sẽ chăm lo cho đội ngũ thẩm phản giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công bằng, bản lĩnh, nhân danh nhà nước đưa ra các phán quyết nhân danh pháp luật, nghiêm minh và công bằng.
“Tôi đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ủng hộ và tăng cường và giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp, cùng chúng tôi xây dựng tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải, niềm tin và mong đợi của công dân”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhấn mạnh.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh (sinh năm 1959) quê xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bà Thịnh có trình độ thạc sĩ Xây dựng Đảng, cử nhân Luật, Lịch sử. Trước khi về làm Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng tháng 3/2013, bà Thịnh giữ vị trí Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long.
Trước đó, bà đã lần lượt giữ các chức vụ: Viện trưởng Viện kiểm sát quận 1, TP HCM; Phó chủ tịch UBND quận 1; Phó chủ tịch Hội phụ nữ TP HCM; Chủ tịch Hội phụ nữ TP HCM; Phó chủ tịch thường trực Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (sinh năm 1958) quê tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Bình có học vấn Phó giáo sư, tiến sĩ luật và là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII.
Ông Nguyễn Hòa Bình trưởng thành từ ngành Công an và đã từng là thiếu tướng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trước khi chuyển sang ngạch dân sự. Năm 2008 ông Bình làm Phó bí thư tỉnh Quảng Ngãi rồi Bí thư tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2010. Từ tháng 7/2011, ông giữ vị trí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, ông Bình tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và được bầu vào Ban bí thư.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - ông Lê Minh Trí (sinh năm 1960) có trình độ Cử nhân luật, quê tại xã Tân Thông Hội, Củ Chi, TP HCM. Ông Trí nguyên là chủ tịch UBND quận 1, TP HCM. Cuối năm 2009, ông được HĐND TP bầu bổ sung làm Phó chủ tịch UBND TP HCM. Tháng 4/2013, ông Lê Minh Trí vừa được Ban Bí thư Trung ương phân công làm phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Trí được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng.