Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để nhóm lợi ích thao túng

Trong bài phát biểu sau khi tái đắc cử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ nhiều suy nghĩ, chia sẻ về sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của người đứng đầu Chính phủ.

Hơn 14h ngày 26/7, theo kết quả được Trưởng ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận được sự đồng ý của 485/489 đại biểu có mặt (hơn 98% tổng số đại biểu Quốc hội) để tái đắc cử chức vụ Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam, nhiệm kỳ 2016-2021.

Nghị quyết xác nhận kết quả bầu cũng được các đại biểu thông qua.

Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ "tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp của nước CHXH Việt Nam; nỗ lực công tác tốt để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói lời ghi nhận lời tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, ông nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của mình. "Tôi sẽ nỗ lực hết sức để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân", Thủ tướng một lần nữa khẳng định.

Trong bài phát biểu nhậm chức sau khi tái đắc cử, người đứng đầu Chính phủ đã chia sẻ nhiều suy nghĩ, trăn trở.

Không để nhóm lợi ích thao túng

Với dân số đứng thứ 14 nhưng quy mô nền kinh tế cũng như thu nhập bình quân đầu người chưa tương xứng, Thủ tướng nhìn nhận, Việt Nam phải cố gắng nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. "Phát triển tốc độ cao hơn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ 'chưa giàu đã già', khi giai đoạn 'dân số vàng' sẽ chấm dứt trong 10 năm tới", Thủ tướng nói.

Đề cập đến những khó khăn như nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ phải tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong tiết kiệm công quỹ, tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài. Ông yêu cầu cả bộ máy phải có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả vì trách nhiệm với người dân và toàn xã hội.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ tuyên thệ nhậm chức chiều 26/7. Ảnh: Quốc Anh. 

Bên cạnh đó, để phát triển nhanh và bền vững, cần phải tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư, muốn vậy phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục, khoa học công nghệ, đặc biệt cần bảo vệ môi trường.

"Trong quá trình phát triển, quyết không vì phát triển mà hủy họai môi trường", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước thực trạng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề chưa từng có thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu cả bộ máy phải chủ động hơn nữa trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh và ngày càng khốc liệt.

"Phải đảm bảo nguồn lực, tiềm năng có hiệu quả, thị trường vốn, đất đai, tài nguyên cần phải phát triển lành mạnh, không để cho các nhóm lợi ích thao túng", ông nói.

Con cháu công nhân, nông dân phải có cơ hội trở thành lãnh đạo

Khẳng định tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực, Thủ tướng nhắc đến Nguyễn Trãi với câu nói: “Nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu”. Hiền tài là nguyên khí quốc gia và ngày nay, nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu. Điều quan trọng nhất là phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước.

"Sự kiện Formosa cũng là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

"Hiền tài trong tương lai là thế hệ trẻ hôm nay. Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện phòng học, thư viện, nhà vệ sinh; lo tốt hơn điều kiện ăn ở, đi lại cho các cháu ở vùng sâu vùng xa. Phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài. Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai", Thủ tướng nói.

Đề cập đến sự kiện nhức nhối nhất thời gian qua, Formosa xả thải độc, Thủ tướng nhìn nhận, đây là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Việt Nam quyết không để tái diễn, phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ.

Infographic Thủ tướng Việt Nam qua các thời kỳ

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nắm quyền lâu nhất - 32 năm, ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng trẻ nhất sau năm 1975.

Theo ông, cũng do chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài chưa tốt và tình trạng các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có nhiều bất cập nên khu vực đầu tư nước ngoài phát triển mạnh trong khi khu vực trong nước còn yếu. Thời gian tới, tình trạng này cần phải được cải thiện cũng như tăng cường hợp tác liên kết hai khu vực trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất.

"Phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá Chính phủ

Nhắc lại Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ XV, Thủ tướng khẳng định, vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Năm 1919, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân. 

"Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh", ông nói.

Không quên lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” - người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Chúng ta phải kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình".

Đồng thời, Việt Nam phải tích cực, chủ động trong đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Cuối bài phát biểu, trên cương vị người đứng đầu Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân.

"Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, phối hợp, ủng hộ của Quốc hội, Chủ tịch nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, Chính phủ và Thủ tướng nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đồng bào ta cả trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu, xây dựng nước Việt Nam XHCN ngày càng giầu mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 62 tuổi, quê xã Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam; là Ủy viên Trung ương Đảng 3 khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII.

Trước khi giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016 (từ tháng 4/2016), ông từng kinh qua nhiều vị trí như Phó thủ tướng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó tổng thanh tra Chính phủ; Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam...

Vào ngày 7/4, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, sau khi miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc kế nhiệm với 446/490 phiếu đồng ý (tương đương 90% tổng số đại biểu Quốc hội).

Chiều 26/7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.

Theo đó, các ứng viên đều tái cử, lần lượt là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, ông Nguyễn Hòa Bình, ông Lê Minh Trí. Các vị trí này vừa được kiện toàn, bầu vào kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII vào tháng 4 vừa qua.

Infographic Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Sau 10 năm làm Phó tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Phó thủ tướng, sáng 7/4 ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng ở tuổi 62.

Infographic Thủ tướng Việt Nam qua các thời kỳ

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nắm quyền lâu nhất - 32 năm, ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng trẻ nhất sau năm 1975.

 


Việt Đức - Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm