Quan điểm này được Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến công tác Dân vận trong hoạt động hòa giải do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban cán sự Đảng TAND Tối cao và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức, sáng 13/7.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định hòa giải là thiết chế đa năng, giải quyết tất cả các xung đột, từ dân sự đến kinh tế, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, tư pháp… Thậm chí, với các xung đột chính trị, hòa giải cũng là một thiết chế giải quyết mọi tranh chấp.
“Có thể nói thực chất của hòa giải của tòa án chính là công tác dân vận. Để hòa giải thành không phải chỉ có hiểu biết pháp luật, không phải chỉ có chuyên môn sâu mà điều quan trọng là phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm”, Chánh án tòa tối cao chia sẻ.
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, để hòa giải thành không phải chỉ có hiểu biết pháp luật, mà điều quan trọng là phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm. Ảnh: Hải Quân. |
Theo ông, tất cả vụ án hòa giải thành công đều có phương pháp dân vận khéo, phương pháp vận động đụng chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông của các bên tranh chấp.
Để thiết chế hòa giải tại tòa án cũng như hòa giải cơ sở, hòa giải trong tố tụng thành công, ông Bình nhấn mạnh trách nhiệm, tấm lòng của hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng để thành công.
Trong thời gian tới, ông đề nghị tất cả tòa án, đặc biệt thẩm phán, phải xem hòa giải như nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, không chỉ giải quyết nhiệm vụ chuyên môn mà còn các nhiệm vụ dân vận của Đảng.
Chính vì vậy, các thẩm phán phải tham gia đầy đủ tất cả thiết chế hòa giải từ hòa giải cơ sở, hòa giải tại tòa án đến thiết chế hòa giải theo tố tụng.
Chia sẻ từ góc độ của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ trăn trở khi hiện nay, số vụ hòa giải chưa thành công vẫn còn gần 20%, đặc biệt, trong cuộc sống hàng ngày, từ trong gia đình, cơ quan, tổ chức đến ngoài xã hội, khó tránh khỏi những xung đột về quan điểm, lợi ích.
Để việc hòa giải được hiệu quả, ông Mẫn cho rằng cần có cách thức giải quyết sao cho dung hòa được lợi ích giữa cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và xã hội. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phải tự coi mình là một hòa giải viên.
“Muốn hòa giải hiệu quả cần phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người tiêu biểu, có uy tín ở cộng đồng. Đặc biệt trong phân công phải rõ vai, đúng người, đúng việc; trong hòa giải phải kiên trì, nắm được tâm tư, nguyện vọng, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể”, ông Mẫn nói.
Tỷ lệ hòa giải thành công tăng dần
Theo thống kê của TAND tối cao, tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các tòa án tăng dần qua từng năm. Năm 2016, các tòa án đã hòa giải thành 157.916 vụ, bằng 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết.
Năm 2017 là 173.958 vụ, đạt tỷ lệ 50,6%. Năm 2018 là 184.143 vụ, đạt tỷ lệ 53,2%. Năm 2019 là 201.995 vụ, đạt tỷ lệ 52,1%.
Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước; xây dựng tình làng, nghĩa xóm hòa thuận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.