Sáng 20/3, trong ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Tại đây, chất lượng của các phiên tòa xử án hành chính, Luật Tư pháp cho trẻ vị thành niên và các giải pháp để nâng cao chất lượng các phiên tòa xét xử là những nội dung được các đại biểu quan tâm.
Kiến nghị lập tòa án chuyên biệt xử án hành chính liên quan UBND cấp tỉnh
Đăng ký chất vấn, đại biểu Mai Phương Hoa (Nam Định) dẫn báo cáo cho biết tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa vẫn còn cao và đề nghị cho biết nguyên nhân sâu xa cũng như giải pháp cho tình trạng này.
"Phải chăng một bộ phận thẩm phán, tòa án cấp sơ thẩm còn có tâm lý nể nang, né tránh, ngại vi phạm, ngại va chạm trong giải quyết án hành chính, vì bên bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính?", bà Hoa đặt câu hỏi.
Đại biểu Mai Phương Hoa (đoàn Nam Định) đặt câu hỏi về tình trạng nể nang khi xét xử các vụ án hành chính. Ảnh: Phạm Thắng. |
Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết có nhiều tồn tại xung quanh án hành chính. Cụ thể, tỷ lệ xử lý án này thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội; tỷ lệ hủy, sửa nhiều hơn các án khác, có năm lên tới 4% trong khi Quốc hội chỉ cho phép hủy sửa 1,5%.
Ngoài ra, ông Bình nhìn nhận một số vụ án hành chính không được thực thi, đã có bản án nhưng UBND các cấp không thi hành nghiêm túc gây bức xúc cho người dân.
Với những tồn tại trên, Chánh án TAND Tối cao cho biết nguyên nhân đến từ việc thẩm phán nể nang là "có thật nhưng không phải nhiều".
"Khi xét xử các vụ án của UBND cùng cấp, các thẩm phán cũng có những câu chuyện nể nang nhưng tỷ lệ không nhiều. Đa số thẩm phán phát huy bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và xét xử vụ án hành chính nghiêm túc. Nhưng việc nể nang là có", ông Bình nói.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nhìn nhận tình trạng nể nang không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy sửa án hành chính cao, ông Bình cho biết nguyên nhân chủ yếu là UBND các cấp cung cấp tài liệu cho người dân không đầy đủ.
Theo ông Bình, khác với hồ sơ án hình sự cho cơ quan điều tra và viện kiểm sát chuẩn bị, việc chuẩn bị hồ sơ án hành chính và án dân sự thuộc trách nhiệm của các bên đi kiện và bị kiện.
Do đó, ông cho rằng việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không ảnh hưởng lớn đến chất lượng xét xử các phiên tòa hành chính. Thông thường, Luật quy định UBND các cấp có trách nhiệm đưa và cung cấp tài liệu theo yêu cầu của người dân nhưng việc cung cấp này hiện còn hạn chế.
Cùng với đó, Chánh án TAND Tối cao cho biết sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế.
"Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, chủ tịch UBND các cấp khi bị kiện phải ra tòa và chỉ được ủy quyền đến cấp phó. Nhưng các đồng chí chủ tịch, nhất là cấp tỉnh nhiều việc nên thời gian ra tòa bị hạn chế", ông Bình nói và cho biết đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa nhiều.
Dù vậy, Chánh án TAND Tối cao cho biết tình trạng cả nể là có thật và "mặc dù ít nhưng cũng cần được đặt ra".
Để khắc phục tình trạng trên, ông Bình cho biết trong lần sửa đổi Luật Tố tụng hành chính lần này, ngành tòa án kiến nghị lập tòa án chuyên biệt để xử những vụ án hành chính liên quan đến UBND cấp tỉnh. Còn lại vụ án liên quan UBND cấp huyện vẫn do TAND cấp tỉnh xử.
Sẽ có đạo luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên
Đặt câu hỏi về Luật Tư pháp cho người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết thời gian qua, UNICEF đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Quốc hội ban hành đạo luật này và TAND Tối cao cũng trình hồ sơ đề nghị đưa luật này vào chương trình.
"Đề nghị cho biết việc ban hành đạo luật này có khắc phục được những bất cập trong giải quyết các vụ án liên quan người chưa thành niên hay không?", bà Thủy đặt vấn đề.
Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đang trình dự án Luật Tư pháp cho người chưa thành niên và theo chương trình làm việc của Quốc hội, dự án này sẽ được đưa vào xem xét tại kỳ họp tháng 5.
Theo ông Bình, nội dung về tư pháp cho người chưa thành niên đã được quy định rải rác trong 10 đạo luật khác nhưng do nhóm này có đặc thù riêng, vẫn cần đạo luật chuyên biệt theo xu hướng của thế giới.
"Việc xây dựng một đạo luật riêng thể hiện cam kết của chúng ta là một trong hai quốc gia của châu Á tham gia công ước của Liên Hợp Quốc về bảo vệ quyền trẻ em", ông Bình nói và cho biết trong 10 nước ở ASEAN, 9 nước đã có luật này, chỉ riêng Việt Nam chưa có.
Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao cho biết thực tiễn của tư pháp thế giới có nhiều giải pháp nhân đạo cho nhóm chưa thành niên. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nên việc có đạo luật riêng là cần thiết trong tình hình hiện nay.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.