Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai chọn sách đồng hành trong hai lần đạp xe xuyên Việt

Với mỗi chuyến đạp xe xuyên Việt, Đỗ Trường Hùng (sinh năm 1994, quê quán tại Thái Bình) lại lựa chọn một cuốn sách khác nhau để đem theo như một người bạn đồng hành.

dong hanh cung sach anh 1

Anh Đỗ Trường Hùng là một người có sở thích sưu tầm sách cũ. Ảnh: NVCC.

Ở tuổi 19, Trường Hùng là một câu sinh viên nghèo như bao người khác tất bật kiếm sống trên mảnh đất Hà Nội với đủ thứ công việc, từ rửa bát, chạy xe ôm cho đến làm bảo vệ. Tất cả chỉ đủ cho anh có thể trang trải cho cuộc sống của mình. Khi đó, hành trang anh đem theo lên thành phố là một cuốn sách của nhà văn Sơn Tùng mang tên Búp sen xanh.

Tìm đến sách trong sự cô đơn

Đây là cuốn tiểu thuyết viết về thời thơ ấu và niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những biến động chính trị xã hội đương thời cho đến sự cố xảy đến trong gia đình đã dẫn người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Những câu chuyện trong Búp sen xanh tiếp thêm động lực để Trường Hùng trải qua những ngày tháng khó khăn. Đặc biệt, sau khi cha của Trường Hùng mất, đôi vai mẹ anh ngày càng nặng gánh cơm áo, anh quyết định bước đi trên hành trình của riêng mình. Đấy là lúc hành trình xuyên Việt bằng xe đạp thứ nhất bắt đầu.

Trên những nẻo đường, cảm giác cô đơn là một điều khó có thể tránh khỏi. Mỗi ngày anh đạp xe cả trăm cây số, băng qua những triền đồi, đồng bằng và cả những con đèo lớn. Khi ấy, cuốn sách Búp sen xanh trở thành người bạn duy nhất đồng hành cùng anh. Trong những giây phút giải lao, anh đều tranh thủ lật đọc từng trang sách như một cách để tiếp thêm động lực cho bản thân vững lòng hướng về phía trước.

Một ngày nọ, khi anh Hùng đang đi qua một ngôi mộ nằm cạnh đầm phá tại Hà Tĩnh, anh thấy một người phụ nữ đang thắp hương, thấy vậy, anh cũng qua và hành lễ cùng. Sau khi trò chuyện, anh được gia đình người phụ nữ đó cho ở nhà một đêm. Sáng hôm sau trước khi chia tay, anh Hùng có gửi tặng gia đình chị ấy cuốn Búp sen xanh như một món quà.

“Đến bây giờ nghĩ lại, tôi không còn nhớ rõ người phụ nữ ấy tên gì nhưng trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm giác họ là một tấm lòng đáng trân quý giữa cuộc đời này. Vậy nên tôi quyết định gửi lại cuốn sách yêu thích của mình để mong rằng những câu chuyện đẹp của nhà văn Sơn Tùng sẽ lan tỏa đến mọi người. Còn nếu sau này bằng một cách nào đó thần kỳ, tôi cũng mong được gặp lại gia đình chị ấy”, Trường Hùng tâm sự.

Vốn là một người yêu sách, anh Hùng luôn nghĩ rằng bất cứ khi nào gặp được một người ân nhân, tri kỷ, một thiên lương trong sáng, anh rất muốn dành tặng họ những quyển sách bởi đơn giản anh hiểu tri thức là vô giá.

dong hanh cung sach anh 2

Trường Hùng tại Cà Mau năm 2019. Ảnh: NVCC.

Những cây cầu tôi đã đi qua

Sau 5 năm xuyên Việt bằng xe đạp, Trường Hùng lại tiếp tục bắt đầu một chặng đường mới. Để có tiền cho chuyến đi lần này, anh đã phải bán đi không biết bao nhiêu số sách quý anh sưu tầm. May mắn thay mọi người cũng ủng hộ khá nhiều. Trong lần này, cuốn sách anh giữ lại và đồng thời đó cũng là người bạn đồng hành của anh mang tên Chiếc cầu trên sông Drina của nhà văn Ivo Andritch.

Khác với lần trước, anh Hùng mong muốn cuốn sách này sẽ là một làn gió nhẹ nhàng đưa anh khám phá những vùng đất mới qua từng dòng chữ. Chiếc cầu trên sông Drina là một cuốn sách nói về chiếc cầu danh tiếng ở Vichégrad để nối xứ Bosnia với xứ Serbia (hai quốc gia tại vùng Đông Nam Châu Âu).

Cây cầu là nhân chứng lịch sử cho sự phát triển của người dân xứ Balkans luôn yêu hòa bình, tự do nhưng phải đối mặt với sự độc tài của tên ác bá Abidaga. Cuối cùng, cái thiện đã chiến thắng, xứ sở đôi bờ Drina lại trở về dáng vẻ yên bình vốn có cùng cây cầu bắc ngang mãi là một biểu tượng của sự đấu tranh.

Vừa đi vừa đọc, anh Hùng chợt nghĩ đến những cây cầu mình từng đi qua trên hành trình xuyên Việt lần này. Anh cảm thấy rõ rệt hơn những sự thay đổi trong suy nghĩ và tâm hồn mình khi một lần nữa đặt chân đến cầu Hiền Lương, cầu Thạch Hãn. Anh Hùng khi ấy mới thấm thía bốn dòng thơ được khắc lên đá: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi hai mươi thành sóng nước / Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Về những “người bạn đồng hành” của mình, anh Hùng chia sẻ: “Trên hành trình này, những cuốn sách như trò chuyện, làm vơi đi nỗi cô đơn của tôi. Sách không biết nói mà chỉ kể nhưng nhờ đó tôi đã hiểu mình phải luôn nỗ lực, kiên trì hơn với các giá trị của bản thân”.

Cho đến hiện tại, những cuốn sách vẫn là hành trang quý báu của anh Hùng, dù có thể trong tương lai, thật khó để có lại một chuyến đi xuyên Việt nữa nhưng sau tất cả anh đã cảm thấy tri thức từ các trang sách đã làm vơi đi nỗi cô đơn thường trực trong tâm hồn anh.

Nhen yêu thương từ tủ sách gia đình

Một trong những yếu tố then chốt góp phần phát triển văn hóa đọc chính là hình thành và xây dựng tủ sách gia đình.

Giải Sách quốc gia tạo tiền đề phát triển văn hóa đọc

Sau 5 năm tổ chức, Giải thưởng Sách quốc gia đã tạo lập được hệ giá trị riêng, đồng hành cùng người làm sách, góp phần lan tỏa tri thức.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm