Vua Charles III lên ngôi hôm 8/9 khi người mẹ, cũng là người trị vì lâu nhất Vương quốc Anh, qua đời. Với tư cách tân vương, ông sẽ trở thành người đứng đầu hoàng gia lâu đời và là biểu tượng kế tục tại một đất nước đang đối mặt nhiều thách thức.
Nữ hoàng Elizabeth II đã trị vì từ rất lâu trên con đường trải dài của nước Anh từ quá khứ tới thành viên Liên minh châu Âu, cho tới một tương lai không chắc chắn hậu Brexit.
So với mẹ, những thông tin xoay quanh Vua Charles III đã bị giới truyền thông mổ xẻ nhiều hơn, ngay từ những sở thích của ông như phê bình kiến trúc, nông nghiệp hữu cơ... cho tới cuộc hôn nhân với Công nương Diana, theo New York Times.
Hôn nhân đổ vỡ
Khoảng giữa những năm 1990, một số người cho rằng Thái tử Charles đã đánh mất quyền làm vua và vương miện nên thuộc về con trai lớn của ông là Hoàng tử William.
Tuy nhiên, những lời nói vu vơ ấy không là gì so với lời bàn tán xoay quanh cuộc hôn nhân của vị thái tử và Công nương Diana.
Tin tức đăng dày đặc, những bài phỏng vấn chiếu đi chiếu lại, cuộc ly hôn cay đắng và cái chết của Công nương Diana sau tai nạn xe hơi năm 1997... đều khiến nhiều người không có cái nhìn thiện cảm với ông Charles.
Trong năm 1991-1996, tỷ lệ người nhận định ông Charles sẽ trở thành vị vua tốt giảm xuống còn 41%. Tuy nhiên, cái chết của bà Diana đã trở thành bước ngoặt.
Thái tử Charles cùng với cựu Thủ tướng Tony Blair đã khuyến khích nữ hoàng tôn vinh Công nương Diana giữa lúc cả đất nước chìm trong đau thương. Dần dần, ông bắt đầu khôi phục hình ảnh bản thân trong mắt công chúng.
Và ông gần như đã thành công. Hiện chỉ số ít người Anh không hài lòng với viễn cảnh về Vua Charles III.
Sau khi kết hôn với bà Camilla vào năm 2005, đời sống cá nhân của ông có phần ổn định. Nữ công tước xứ Cornwall Camilla, 74 tuổi, sẽ nhận tước hiệu hoàng hậu khi Vua Charles III lên ngôi, từ đó trở thành sự hiện diện vững chắc và đáng kính bên cạnh tân vương.
Nỗ lực củng cố vai trò
Vua Charles III lên ngôi giữa lúc hoàng gia đang rung chuyển bởi loạt biến động. Đôi lúc, ông gặp khó khăn khi chấn chỉnh các thành viên trong hoàng gia.
Từ lâu, ông cũng đã tìm cách thúc đẩy giảm quy mô hoàng gia. Với tư cách là vua, ông sẽ có khả năng thực thi kế hoạch đó.
Do đó, việc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời là bước chuyển quan trọng, không chỉ vì đây là sự ra đi của một nữ hoàng được công chúng yêu mến, mà còn vì Vua Charles III có thể đưa những ý tưởng nung nấu suốt thời gian qua thành hiện thực.
“Phong cách (của Vua Charles) sẽ rất khác”, Vernon Bogdanor - giáo sư tại Đại học King’s College London - cho biết. “Ông ấy sẽ là một vị vua năng động, sẽ thực thi đầy đủ các đặc quyền của mình. Nhưng ông ấy sẽ không đi quá giới hạn”.
Trong vai trò thân vương Xứ Wales, ông đã thành lập các tổ chức từ thiện như Prince’s Trust - tổ chức từng giúp đỡ gần một triệu thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ quy hoạch đô thị bền vững và bảo vệ môi trường. Ông tập trung vào những lĩnh vực này từ rất lâu trước khi những chủ đề này được bàn luận nhiều.
Những năm gần đây, ông đã đảm nhận một số nhiệm vụ của nữ hoàng, từ công du nước ngoài đến lễ phong chức. Vào Ngày Tưởng niệm (Remembrance Day), ông thay mặt thân mẫu đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm những người lính.
Ông cũng không ngần ngại nhắc đến chính trị. Vua Charles thường lên tiếng ủng hộ sự khoan dung tôn giáo và phản đối tâm lý bài Hồi giáo. Nhiều người cho rằng việc này đã giúp ngăn chặn người dân có phản ứng dữ dội với người Hồi giáo ở Anh sau loạt vụ tấn công chết người tại London hồi năm 2005.
“Ông ấy vốn có thể giết thời gian trong các hộp đêm hoặc chẳng làm gì cả, nhưng ông ấy đã tìm được vai trò cho mình", giáo sư Bogdanor nói.
Nhưng đôi khi những lần lên tiếng công khai cũng khiến Vua Charles gặp rắc rối. Do đó, khi trở thành vua, ông Charles sẽ phải kín đáo hơn, như cố nữ hoàng.
Nữ hoàng Elizabeth từng kín tiếng tới mức đến cả giới quan sát hoàng gia cũng không thể giải mã ý kiến của bà, ngay cả trong vấn đề được tranh luận gay gắt như Brexit.
Hiện chưa rõ liệu Vua Charles III có tiếp tục hoạt động từ thiện sau khi trở thành người đứng đầu hoàng gia hay không. Ông đang bảo trợ và là chủ tịch của hơn 400 tổ chức từ thiện, ngoài Prince’s Trust.
Lúc này, tỷ lệ ủng hộ đối với Vua Charles III cũng chưa quá cao. Năm 2021, trong khảo sát về thành viên được yêu thích trong hoàng gia, ông nhận được 11% lượt bình chọn. Tỷ lệ này xếp sau cố Nữ hoàng Elizabeth, vợ chồng Hoàng tử William, vợ chồng Hoàng tử Harry, Công chúa Anne, Hoàng thân Philip và các chắt của nữ hoàng.
New York Times nhận định tương lai của chế độ quân chủ vẫn khá vững chắc. 43% người được hỏi nói tình hình nước Anh sẽ xấu đi nếu xóa bỏ chế độ quân chủ, trong khi chỉ 19% nói sẽ tốt hơn. 31% chọn không có khác biệt.
Những con số này hầu như không thay đổi, kể cả sau những tiết lộ gây tranh cãi của vợ chồng Hoàng tử Harry đối với hậu trường hoàng gia.
Với Vua Charles, thách thức cá nhân lớn nhất có lẽ là hàn gắn rạn nứt trong mối quan hệ với Hoàng tử Harry. Hiện tại, có rất ít dấu hiệu cho thấy 2 bên sẽ làm hòa với nhau. Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi lên ngôi, Vua Charles III công nhận quyết định "xây dựng cuộc sống ở nước ngoài" của con trai và con dâu.
Không chỉ vậy, em trai của vua là Hoàng tử Andrew trước kia cũng vướng vào kiện tụng, khiến ông phải ra mặt. Giới quan sát hoàng gia khi ấy cho biết đây là dấu hiệu ông Charles đang củng cố vai trò người lãnh đạo gia đình và đang chờ đợi thời điểm lên ngôi.
“Danh tiếng của ông ấy đã trở nên tốt đẹp hơn trong những năm gần đây”, Penny Junor - nhà sử học hoàng gia Anh - kết luận.