Chiều 15/12, trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Hà- Giám đốc Ban quản lý Dự án trọng điểm Hà Nội, cho biết trên thế giới hiện nay có rất nhiều công nghệ buýt nhanh (BRT). Công nghệ buýt nhanh tại Hà Nội được đầu tư theo tiêu chuẩn Euro 3. Đây là một trong những công nghệ được đánh giá hiện đại nhất hiện nay.
Ông Hà nói: “Công nghệ buýt nhanh ở Hà Nội đã được các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ. Trong đó có chuyên gia của Ngân hàng Thế giới. Trong nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã nghiên cứu về công nghệ, dự án này”.
Vị này thông tin, BRT là công nghệ của nước ngoài. Khi đưa vào Hà Nội, cơ quan chức năng phải có những đánh giá, nghiên cứu cụ thể để phù hợp với điều kiện của thành phố.
Khi đi vào hoạt động, buýt nhanh Hà Nội sẽ chạy chung đường với xe máy. Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo ông Hà, Hà Nội rất muốn xây dựng BRT chuyên nghiệp như nước ngoài. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, ý thức tham gia giao thông của người dân không thể so sánh với các nước trên thế giới được.
“Ở nước ngoài, người dân toàn lưu thông bằng ôtô trên đường. Chẳng có nước nào buýt nhanh chạy cùng xe máy”, ông Hà khẳng định.
Hiện, nhiều người đặt câu hỏi tại sao Hà Nội lại chọn tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã để xây dựng buýt nhanh. Bởi đây là một trong những tuyến điểm nóng về ùn tắc giao thông của thành phố.
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Hà cho rằng việc chọn tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã để xây dựng BRT đã được tư vấn từ các chuyên gia nước ngoài. Ở trong nước, các cơ quan hữu quan, chuyên giai giao thông bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004.
Ông Hà chia sẻ: “Cả chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định tuyến đường này hàng ngày phương tiện tham gia giao thông đông nên có lượng hành khách sẽ rất lớn. Tôi được biết có một báo cáo giải trình rất dài về việc tại sao chọn tuyến đường này để xây dựng BRT”.
Cũng theo Giám đốc Ban quản lý Dự án trọng điểm Hà Nội, từ ngày 12 đến trước ngày 31/12, đơn vị sẽ hoàn thiện nốt hạng mục kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông.
Dự án buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã có tổng chi là 55 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7 km, gồm 21 nhà chờ. Ảnh: Google Maps. |