Tôi đã sử dụng máy tính từ những năm 2000, đến giờ cũng được trên 15 năm. Từ khi đi học đến lúc đi làm, tôi luôn gắn bó với những chiếc máy tính chạy hệ điều hành Windows. Đến giữa năm 2018, tôi cần phải mua một chiếc máy tính xách tay, và nghĩ trong đầu, “sao không thử mua MacBook”.
Vậy là tôi mua một chiếc MacBook Pro đời 2017, cũng là máy mới nhất ở thời điểm đó. Gần 1 năm qua, đã có lúc tôi cảm thấy hối hận vì mua chiếc máy này, nhưng dần cũng quen và hiểu vì sao MacBook được nhiều người yêu thích đến thế, và vì sao máy tính Windows vẫn có nhiều người dùng đến thế.
Nỗi lo “thiếu cổng” là có thật
Trước khi mua máy, tôi đã tìm hiểu khá kỹ và biết rằng Macbook Pro 2017 chỉ có 4 cổng Thunderbolt 3/USB-C. Đây là sự khác biệt quá lớn nếu so với những chiếc laptop Windows tôi từng sử dụng, hoặc thậm chí so với MacBook Pro đời trước 2016. Những cổng kết nối rất cơ bản và cần thiết với một người làm nội dung: USB, đầu đọc thẻ và cổng HDMI đều không có.
Trong quá trình sử dụng, quả thực việc chỉ có cổng USB-C mang đến sự khó chịu nhất định. Tôi không thể dùng phần lớn phụ kiện cũ, và buộc phải mua thêm đầu đọc thẻ nhớ, đầu chuyển sang cổng USB thường và đầu xuất hình, tất cả tốn khoảng 1 triệu. Đó là tôi đã tự “kìm hãm” nhu cầu của mình lại, chứ không mua những loại adapter đầy đủ với giá khoảng trên 2 triệu.
Mặc dù không phải mua cổng chuyển đắt tiền như thế này, tôi vẫn cần một số phụ kiện thiết yếu cho MacBook. |
Giống khi Apple cắt bỏ cổng tai nghe và buộc người dùng sử dụng tai nghe không dây trên iPhone, tôi buộc phải làm quen và giảm dần các phụ kiện “không chuẩn” đối với MacBook Pro. Tuy không đến nỗi “điên đầu”, nhưng việc thiếu cổng cũng dẫn đến những tình huống khó chịu, như khi tôi quên đầu đọc thẻ ở nhà.
Điểm cộng duy nhất của việc MacBook sử dụng cổng USB-C là tôi có thể dùng chung sạc của chiếc laptop này với hầu hết smartphone Android cao cấp mà tôi vẫn sử dụng. Tuy nhiên nếu chuyển sang dùng iPhone, tôi sẽ lại phải… mua thêm một sợi cáp nữa!
Bàn phím “cánh bướm” quả thực tệ hại và tôi đã phải tìm giải pháp khác
Nếu như vẫn tạm chấp nhận được việc thiếu cổng kết nối, thì tôi đã phải “đầu hàng” bàn phím trên chiếc MacBook. Sử dụng thiết kế kiểu “cánh bướm”, bàn phím này quá nông và đem lại cảm giác gõ khó chịu. Khi gõ thời gian dài trên bàn phím này, tôi luôn mắc nhiều lỗi chính tả hơn hẳn so với bình thường.
Đó là còn chưa kể đến việc rất nhiều người bị hỏng bàn phím khi bụi, thức ăn lọt vào. Lỗi phổ biến này sẽ khiến bàn phím bị kẹt hoặc nhận 2 lần một lúc. Bàn phím của tôi chưa gặp hiện tượng đó, nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ ổn. Không phải tự nhiên mà Apple bảo hành riêng cho lỗi này tới 4 năm.
Vì bàn phím trên MacBook quá tệ, tôi buộc phải mua một bàn phím bên ngoài để đảm bảo làm việc thoải mái. |
Apple cho biết họ đã liên tục cải tiến bàn phím siêu mỏng này, nhưng từ đời đầu (trên MacBook 2015) tới đời thứ 3 (trên MacBook Air, MacBook Pro 2018) tôi cảm thấy mọi thứ chẳng khác nhiều, vẫn tệ như xưa.
Đó là lý do tôi phải tìm mua một bàn phím cơ không dây và sử dụng nó mỗi khi cần gõ phím lâu. Sử dụng bàn phím ngoài này, cảm giác gõ phím tốt hơn hẳn. Với kích thước nhỏ gọn, tôi thậm chí có thể mang nó đi bất kỳ đâu nếu muốn làm việc lâu dài.
Những điểm đáng giá của MacBook Pro
Hai điểm trên là đủ để đem lại trải nghiệm tồi tệ trên một chiếc laptop. Thật may là MacBook Pro thực sự vẫn có nhiều điểm vượt trội so với máy tính Windows, để tôi có thể cân nhắc lại quyết định của mình.
Trải nghiệm sử dụng bàn di (TouchPad) của máy Mac từ lâu đã vượt trội laptop Windows, và trên thế hệ này cũng vậy. Mặc dù nhiều người không thích tính năng TouchBar, tôi lại thấy nó khá thú vị, khi hỗ trợ nhiều phần mềm để đưa ra các lựa chọn nhanh hơn.
Màn hình của MacBook Pro cũng có chất lượng rất tốt, độ sáng cao, tái tạo màu sắc khá chuẩn. Ở máy tính Windows, bạn sẽ khó tìm được laptop có màn hình đẹp như thế này trong tầm giá khoảng 30 triệu.
Không thể phủ nhận màn hình, TouchPad của MacBook vẫn có chất lượng nhỉnh hơn so với những máy tính chạy Windows ở tầm giá tương tự. Ảnh: Cnet. |
Tựu trung, tôi thấy việc chuyển sang sử dụng MacBook không phải là một quyết định sai lầm của một người sử dụng Windows lâu năm. Bàn phím tồi tệ và thiếu cổng kết nối là những điểm trừ, hoặc cũng có thể gọi là những quyết định sai lầm của Apple khi cố chạy theo độ mỏng mà không tính đến sự thực dụng. Bù lại, những điểm mạnh của hệ điều hành macOS và chất lượng phần cứng cũng tạm đủ bù đắp những điểm yếu trên.
Sau khi sử dụng MacBook Pro gần 1 năm, tôi cảm thấy chiếc MacBook tốt nhất lại là MacBook Pro từ đời 2015, với bàn phím tốt hơn, cổng kết nối nhiều hơn, và chỉ dày, lớn hơn MacBook Pro hiện tại một chút.
Đáng tiếc là Apple đã cho “nghỉ hưu” thiết kế này, và MacBook Pro hiện tại là một thiết bị tốt nhưng đầy điểm yếu.