Molly Liu rời Bắc Kinh từ năm 1990 để sang Mỹ học thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp, bà nỗ lực làm việc tại một công ty tư vấn có trụ sở ở Mỹ. Khoảng thời gian sau, bà được luân chuyển công tác về Trung Quốc nhằm mở rộng thị trường. Molly Liu làm việc ở Hong Kong với vai trò tư vấn cho các doanh nghiệp tại Thượng Hải, Đài Bắc, Bắc Kinh và Singapore.
Tuy nhiên, Ben Zhang, người con trai duy nhất của bà có quyết định hoàn toàn khác. Gần đây, anh đã từ chối lời mời làm việc từ một công ty con của Boeing sau khi có bằng thạc sĩ về khoa học máy tính từ Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, Pennsylvania.
Anh trở lại Bắc Kinh vào năm 2018 và hiện là quản lý sản phẩm của Xiaomi. Zhang tin rằng các công ty công nghệ của Trung Quốc hiện nay hoàn toàn có thể mang đến cho anh cơ hội thăng tiến trong công việc tương tự những gì mẹ anh đạt được khi làm với với công ty Mỹ.
Khó thăng tiến khi làm việc ở công ty Mỹ
Theo SCMP, câu chuyện của gia đình Zhang đang phản ánh xu hướng tìm việc mới tại Trung Quốc. Trước đây, với những hứa hẹn về mức lương cao, nhiều lợi ích lớn và cơ hội thăng tiến trong công việc, các tập đoàn Mỹ thường thu hút được nhiều nhân tài người Trung Quốc đến làm việc. Tuy nhiên, các công ty công nghệ Trung Quốc đang chứng minh sức hút của họ đối với người lao động.
Người lao động Trung Quốc cho biết họ tìm kiếm nhiều cơ hội thăng tiến tại các công ty trong nước hơn. Ảnh: SCMP. |
“Những gì tôi tìm kiếm ở một công việc không chỉ là tiền. Tôi muốn cải thiện bản thân và tìm được nhiều cơ hội để phát triển tại nơi làm việc”, Zhang nói. Anh cho biết mình đang làm việc tại nhóm phát triển các sản phẩm thông minh của Xiaomi như TV hỗ trợ kết nối Internet, đèn, khóa thông minh.
“Ở Boeing, khoảng 2-3 năm tôi sẽ được phát triển một sản phẩm mới. Tuy nhiên tại đây, chúng tôi liên tục đưa ra sản phẩm mới trong vài tháng. Chúng cũng được ứng dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày như sử dụng giọng nói để điều khiển TV hoặc máy điều hòa không khí”, Zhang cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nhiều người Trung Quốc cho rằng tại các công ty Mỹ họ thường bị giới hạn ở vị trí kỹ sư, khó có thể lên được quản lý cấp cao.
Chia sẻ với SCMP, một giám đốc cấp cao người Trung Quốc đang giám sát mảng công nghệ cho một công ty tài chính và bảo hiểm, cho biết ông từng lãnh đạo 20 kỹ sư tại một trong những công ty công nghệ lớn nhất ở thung lũng Silicon.
“Công việc của tôi khi đó là tối ưu hóa hiệu suất của sản phẩm. Tuy nhiên, trong 3 năm ở Trung Quốc, tôi đã được thăng chức thành trưởng bộ phận khoa học của công ty, lãnh đạo hơn 1.000 người”, ông cho biết.
Công ty Mỹ không còn là mơ ước
Theo một cuộc khảo sát diễn ra vào tháng 4 trên Linkedln, ngày càng có nhiều người Trung Quốc muốn tìm những công việc như Zhang. Trong danh sách 25 nhà tuyển dụng được người lao động yêu thích nhất tại Trung Quốc do Linkedln biên soạn, khoảng 60% là các công ty nội địa, bao gồm 13 công ty Internet.
Những tên tuổi được yêu thích hàng đầu bao gồm Alibaba, Baidu, ByteDace và TikTok. Tesla đứng ở vị trí thứ 6, sau công ty đối thủ Nio từ Trung Quốc. Trong khi đó, Amazon được xếp hạng 8.
Li Qiang, Phó chủ tịch Zhaopin, một trong những công ty tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, nhận định đây là “khởi đầu của một kỷ nguyên mới”.
"Hiện tại, các công ty công nghệ Trung Quốc hoàn toàn có thể mang đến cho người lao động môi trường làm việc không hề thua kém so với những tập đoàn đa quốc gia", Li nói.
Huawei và Xiaomi là những công ty được yêu thích nhất. Ảnh: SCMP. |
Trong cuộc khảo sát của Zhaopin vào cuối năm 2018, 28% sinh viên đại học người Trung Quốc cho biết làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia là lựa chọn chính về nghề nghiệp của họ. Con số này đã giảm so với 33,6% của năm 2017.
Theo SCMP, sinh viên Trung Quốc vẫn thích làm việc cho tập đoàn đa quốc gia hơn các công ty công nghệ trong nước. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này đang cho thấy sức hút ngày càng tăng, không hề thua kém những ông lớn của Mỹ. Bên cạnh lương thưởng hay trợ cấp, họ cũng có thể đáp ứng đầy đủ phúc lợi cho những người thân trong gia đình nhân viên.
Một khảo sát gần đây của Universum chỉ ra rằng Apple và Siemens là hai cái tên phương Tây góp mặt trong top 10 nhà tuyển dụng lý tưởng đối với các sinh viên Trung Quốc năm 2018. Trong khi đó, con số này là 4 ở năm 2017. Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đứng hạng nhất trong danh sách này. Xiaomi đứng thứ 2, trong khi Apple chỉ xếp hạng 7.
“Mỗi kỹ sư đều muốn thấy công nghệ mà họ phát triển có thể thay đổi thế giới vào một ngày nào đó. Các công ty Trung Quốc mang đến nhiều cơ hội hơn cho người lao động để tạo ra các sản phẩm mới”, Li Yan, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Kuaishou chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải tất cả người lao động Trung Quốc đều đồng ý với quan điểm trên. Đặc biệt, cộng đồng mạng nước này gần đây đã có phản ứng dữ dội đối với văn hóa làm việc "996" trong lĩnh vực công nghệ. Họ phải thường xuyên làm việc từ 9h sáng đến 9h tối và kéo dài liên tục 6 ngày một tuần.