Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Asanzo nói gì khi bị tố nhập linh kiện TQ rồi dán 'Made in Vietnam'?

Trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 23/6, ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo, chia sẻ với báo chí quy trình sản xuất các sản phẩm của công ty và giải thích về những thông tin gần đây.

Ông Phạm Văn Tam, CEO của Asanzo, mở đầu cuộc gặp gỡ báo chí chiều 23/6 tại nhà máy ở quận Bình Tân, TP.HCM bằng cách nói về cấu phần của TV Asanzo. Theo ông Tam, TV của Asanzo sử dụng 3 thành phần chính nhập từ Trung Quốc đó là khung sườn, màn hình và bo mạch. 

Nhập từ Trung Quốc 70%, Asanzo tự làm 30%

Theo ông Tam, đây là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được và chiếm đến 70% của một chiếc TV. 30% còn lại Asanzo chủ động thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV cho phù hợp với thị trường Việt Nam, bộ nguồn sao cho phù hợp với điện 220V cũng như điện từ ắc-quy để có thể hoạt động trên ghe thuyền của các vùng sông nước và các phần phụ trợ như điều khiển (remote)...

CEO Asanzo noi gi sau khi bi to anh 1
Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo, tại buổi họp báo chiều 23/6. 

- Ông nói gì về thông tin con tem Trung Quốc xuất hiện trên sản phẩm Asanzo (trong đoạn các video điều tra gần đây)? Dù những sản phẩm sau cùng dán nhãn "Made in Vietnam"?

- Con tem Trung Quốc đó dán lên một bộ phận linh kiện, chứ không phải dán lên chiếc TV thành phẩm. Nó được dán trên panel (phần khung) chứ không phải là cái TV. Quy trình lắp ráp của Asanzo không chủ trương "lột tem" linh kiện nhập khẩu và việc đó cũng không có ý nghĩa gì vì chúng đều nằm bên trong TV. 

Còn con tem "Made in Vietnam" lại được dán đằng sau một chiếc TV khi thành phẩm. Tức là Asanzo gom nhiều linh kiện sản xuất tại Việt Nam cũng như nhập từ Trung Quốc để lắp ráp. Chúng tôi cũng liệt kê những nhà cung cấp phụ trợ như phần giấy, bao bì, nhựa, nguồn, loa...

Asanzo không nhập nguyên chiếc TV về Việt Nam. Chúng tôi có chủ động về thiết kế. Khi một khâu đầu cuối (ở đây là lắp ráp, hoàn thiện - PV) nằm ở nhà máy Asanzo, hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất của Asanzo thì chúng tôi sẽ được phép ghi là xuất xứ Việt Nam, không vi phạm pháp luật. 

Công văn số 31 của Chính phủ có hướng dẫn về xuất xứ, áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó mặt hàng có tỷ lệ nội địa hóa từ 30% (tùy thị trường) thì có thể xin giấy CO (Certificate of origin - chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa) để hoàn thuế và ghi xuất xứ Việt Nam.

Chúng tôi tự hào vì đã thiết kế ra những chiếc TV phù hợp thị trường, giá rẻ, thích nghi tốt ở vùng sâu vùng xa, từ Tây Nguyên đến miền sông nước, trên ghe trên thuyền hay điện mặt trời, chưa kể bảo hành dài 3,5 năm và bảo hành tận nơi. 

- Vậy slogan của Asanzo "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" ở đây là gì? Công nghệ Nhật ở đâu trong dây chuyền của Asanzo.

- Chúng tôi mua công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản. Công nghệ không cứ phải là linh kiện. Các chuyên gia Nhật Bản sang hướng dẫn cho chúng tôi để tư vấn sao cho TV đạt độ bền lâu dài, làm sao để kiểm soát việc oxy hóa ngoài trời, có ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng hay không. Đó là một bộ tiêu chuẩn công nghệ từ Nhật Bản: lên dây chuyền như thế nào, cách kiểm tra... nó thiên về kỹ thuật và tôi sẽ gửi cho báo đài chi tiết hơn về việc này.

"Pháp luật phạt không đau bằng người dùng quay lưng"

- Ông nói gì về thông tin những "công ty ma" được lập ra để nhập hàng?

- Đó là những công ty phụ trợ, đối tác cung cấp cho Asanzo. Có khoảng cả trăm công ty phụ trợ của Việt Nam như vậy. Họ độc lập, họ nhập hoặc sản xuất thuê hộ thương hiệu Asanzo và bán lại cho chúng tôi. Khi đó chất lượng và tem nhãn phải đủ. (Ông Tam nói về những mặt hàng gia dụng nhỏ, không phải TV).

Tôi chưa đánh giá được những công ty ma đó ma hay không, lừa ai không, nhưng sau đợt này tôi sẽ phải rà soát lại và yêu cầu bộ phận thu mua của Asanzo chọn lọc lại những nhà cung cấp làm ăn đàng hoàng.

- Thông tin những ngày qua gây thiệt hại thế nào đối với Asanzo? 

- Một siêu thị (Điện Máy Chợ Lớn) vội vã tháo hàng khỏi kệ trưng bày trong ngày đầu có thông tin bất lợi về Asanzo, nhưng hôm sau họ bán trở lại. Hiện các đại lý vẫn hoạt động bình thường.

Hôm nay chúng tôi công bố thông tin với báo đài và có đại diện bên điện máy ở đây, hy vọng các đại lý sẽ tự tin bán hàng trở lại. Chúng tôi không "đội lốt" Trung Quốc, chúng tôi được phép ghi xuất xứ Việt Nam. 

CEO Asanzo noi gi sau khi bi to anh 2
Ông Tam cùng các phóng viên vào nhà máy sản xuất TV và chỉ rõ đâu là những phần nhập từ Trung Quốc, đâu là những phần Asanzo chủ động phát triển. Chiếc TV thành phẩm và đóng gói tại nhà máy này nên có thể ghi xuất xứ Việt Nam.

Về thiệt hại chắc chắn là có, nhưng chúng tôi phải cố gắng. Ở đây có 2.000 công nhân nhưng mười mấy nghìn điểm bán đang kinh doanh các sản phẩm Asanzo để có thu nhập. Do đó, sau vụ này Asanzo phải rút kinh nghiệm sâu sắc và nhìn nhận lại. Cái đau đớn nhất không phải pháp luật phạt Asanzo. Tôi đau nhất khi người tiêu dùng quay lưng.

Tôi hy vọng người tiêu dùng có thể hiểu tôi hơn. Trước kia tôi chưa nói ra quy trình để tạo ra một chiếc TV, và bây giờ tôi đã nói để bạn hiểu.

- Vậy kế hoạch của Asanzo sắp tới sẽ là gì? Đặt hàng, lắp ráp để bán hay sẽ hướng tới sản xuất tại Việt Nam thay vì chỉ xuất xứ tại Việt Nam?

- Chúng tôi sẽ phải nội địa hóa nhiều hơn, nhưng không phải bất chấp để tất cả đều sản xuất ở Việt Nam. Chẳng hạn cái màn hình, tại sao Asanzo có thể làm mà không làm? Vì đầu tư rất lớn mà ô nhiễm. Để các công ty đó làm thì hay hơn.

Nhiều người nghĩ chúng tôi nhập nguyên chiếc TV về bán. Làm gì có chuyện vô lý đó. Chúng tôi đầu tư 2.000 con người để làm gì, không lẽ chỉ để dán tem?

Tương lai chúng tôi sẽ tự sản xuất bo mạch (tỷ lệ nội địa hóa tầm 40%) ở nhà máy mới tại quận 9, và máy móc chúng tôi đã nhập về rồi. Nhà máy này sẽ nghiên cứu và sản xuất những công nghệ mới nhất: điều khiển bằng giọng nói, chuyển đổi báo viết thành báo nói... để tạo ra những sản phẩm phục vụ tốt hơn cho người dân Việt Nam.

Phong Vân - Việt Đức

Bạn có thể quan tâm