Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân dung tư lệnh thực hiện cuộc đảo chính Thái Lan

Từ vị trí tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha đã lên nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi thiết quân luật vào ngày 20/5.

Prayuth Chan-ocha là một người thân tín của Hoàng gia Thái Lan và là nhân vật thượng lưu quyền lực ở thủ đô Bangkok. Kể từ tháng 10/2010, ông giữ chức tư lệnh Lục quân Thái Lan. Tại thời điểm nhậm chức, Prayuth được mô tả là một người cứng rắn đồng thời là đối thủ của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. 

Tướng Prayuth Chan-ocha. Ảnh: Reuters.
Tướng Prayuth Chan-ocha. Ảnh: Reuters.

Sau khi nhậm chức, ông đã tiếp cận dân chúng bằng cách trò chuyện với thân nhân của những người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đẫm máu và những người hợp tác với chính phủ của bà Yingluck Shinawatra.

Tư lệnh Lục quân Thái Lan thường đưa ra những đường lối cứng rắn trong quân đội và là một trong số những người đề xuất các vụ trấn áp nhằm vào phe Áo đỏ (lực lượng bảo vệ chính phủ). Hồi tháng 3, tướng Prayuth từng gọi thủ lĩnh phe Áo đỏ Jatuporn Prompa là “kẻ cướp” và tuyên bố “nếu họ hung hăng với quân đội, chúng tôi cũng sẽ hung hăng”.

Ngày 20/5, quân đội Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật. Ông Prayuth tuyên bố sẽ đảm nhận vị trí người đứng đầu của Bộ Chỉ huy bảo vệ trị an (POMC) - cơ quan cao nhất điều hành các hoạt động trong khuôn khổ thiết quân luật. Các bản tuyên bố của POMC đưa ra phần lớn đã có hiệu quả trong việc giữ vững tình hình an ninh trật tự xã hội tại Thái Lan. 

Hôm 22/5, Tướng Prayuth tiếp tục tuyên bố trên truyền hình quốc gia về việc nắm quyền kiểm soát chính phủ. Ông Prayuth đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt 6 tháng qua ở Thái Lan. Tướng Prayuth khẳng định việc ông tiếp quản chính phủ Thái Lan không gây ảnh hướng tới hợp tác quốc tế.   

Quân đội Thái Lan đảo chính, áp đặt lệnh giới nghiêm

Tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tuyên bố nắm quyền kiểm soát chính phủ sau hai ngày thiết quân luật. Quân đội Thái đã ra lệnh giới nghiêm và đình chỉ hiến pháp.

Anthony Davis, một chuyên gia về Thái Lan tại công ty tư vấn an ninh IHS Jane’s, nhận định: “Những gì đang diễn ra ở Thái Lan giúp ngăn chặn các cuộc xung đột trong ngắn hạn, tuy nhiên quả bóng chính trị lại bị đá vào chân quân đội”.

Theo Davis, đây là tình thế mà tướng Prayuth không mong muốn. “Giờ đây Tư lệnh Lục quân đang phải chơi trò chơi chính trị mà ông không thành thạo trong điều kiện vô cùng khó khăn”, ông nói.

Reuters cho rằng vấn đề mà tướng Prayuth phải giải quyết hiện nay bao gồm: Quân đội nên tổ chức bầu cử trước khi cải cách chính trị hay ngược lại, có nên bổ nhiệm thủ tướng tạm quyền. Ngoài ra, ông còn phải đối mặt với câu hỏi về các cuộc biểu tình trên đường phố và trọng trách giải quyết khủng hoảng thuộc về Thượng viện Thái Lan hay không.

Một phương án thích hợp cho Thái Lan hiện nay là tướng Prayuth sẽ đứng ra dàn xếp để tổ chức bầu cử quốc hội trong tình trạng thiết quân luật với sự tham gia của tất cả các đảng phái, sau đó sẽ tổ chức cải cách thể chế và thay đổi hiến pháp. Một phương án khác là quân đội sẽ cho phép Thượng viện Thái Lan bổ nhiệm một thủ tướng tạm quyền mới và loại bỏ nội các lâm thời hiện nay. Tuy  nhiên, phương án này có nguy cơ sẽ khiến phong trào Áo Đỏ tức giận và làm bùng phát bạo lực trên toàn quốc.

Với tình thế hiện nay, tướng Prayuth sẽ phải giữ “quả bóng chính trị” trong chân ông một cách khéo léo nhất để tránh cho đất nước một thảm họa thực sự. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak ở Bangkok mô tả tình hình hiện nay là “rất mong manh” và khá nguy hiểm cho quân đội, bởi nếu quân đội thể hiện sự thiên vị với bất cứ bên nào, bạo lực có thể nhanh chóng bùng phát trở lại và quân đội sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm