Geleximco cùng đối tác Trung Quốc đã gửi văn bản đến Thủ tướng muốn xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tập đoàn này cho hay sẽ bắt tay với Tập đoàn Năng lượng mới Kaidi Dương Quang (Kaidi) của Trung Quốc để xây dựng sân bay Long Thành.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, khẳng định Kaidi Dương Quang là đơn vị có kinh nghiệm xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hầu hết công trình đơn vị này thi công lại là nhà máy nhiệt điện.
Chưa từng xây sân bay
Theo trang chủ của Kaidi, tập đoàn này tự miêu tả là doanh nghiệp chuyên về phát triển và ứng dụng công nghiệp bảo vệ môi trường, năng lượng mới, công nghệ mới về kỹ thuật điện, các sản phẩm mới, chủ yếu tham gia vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến cung cấp năng lượng và năng lượng mới; đầu tư, quản lý, nghiên cứu và phát triển kỹ thuật, sử dụng toàn bộ khí mỏ than và tài nguyên khí đá phiến; khảo sát, tư vấn, thiết kế, giám sát các dự án môi trường ở nước ngoài.
Trụ sở của Kaidi Dương Quang tại Khu phát triển công nghệ mới Tây Hồ, Vũ Hán. Ảnh: KAIDI. |
Trong lịch sử phát triển Kaidi chưa từng xây một sân bay nào và không hề hoạt động cũng như có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Tại Trung Quốc, Kaidi Dương Quang đã thi công những công trình như các nhà máy nhiệt điện Hán Xuyên, Phong Thành, Tô Châu và một vài nhà máy năng lượng sạch mới.
Gần đây tập đoàn này còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực mới là nông nghiệp sạch và hiện là đối tác của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch.
Được thành lập năm 1992 tại Vũ Hán, Kaidi Dương Quang rõ ràng là đơn vị rất có kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy điện. Nhưng để khẳng định đơn vị này có kinh nghiệm trong việc xây dựng sân bay là không có cơ sở vì Kaidi Dương Quang chưa từng ghi nhận việc đã tham gia xây dựng bất kỳ sân bay nào.
Xây nhiều nhiệt điện tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Kaidi Dương Quang đã tham gia thi công nhiều công trình, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng.
Các dự án mà Kaidi tham gia xây dựng ở Việt Nam đều là các nhà máy nhiệt điện. Ảnh: TTXVN. |
Cụ thể, có một số công trình có sự tham gia của Kaidi tại Việt Nam với tư cách tổng thầu EPC bao gồm nhà máy nhiệt điện Mạo Khê (Quảng Ninh) khởi công năm 2009, tổng kinh phí 577 triệu USD, nhà máy nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh) khởi công năm 2014, với tổng kinh phí 865 triệu USD.
Tại nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam), khởi công năm 2008, Kaidi Dương Quang đóng vai trò tư vấn dự án.
Một số dự án khác Kaidi tham gia đầu tư, bao gồm nhà máy nhiệt điện Hải Dương, có vốn đầu tư gần 2 tỷ USD được xây dựng theo hình thức BOT, hay nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 3 (Quảng Ninh), nơi Kaidi hợp tác với Vinacomin đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy.
Với Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền, Kaidi Dương Quang từng cùng bắt tay làm dự án nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh), trong đó Kaidi là tổng thầu EPC còn Geleximco là chủ đầu tư.
Không ít dự án nhiệt điện mà Kaidi có tham gia tại Việt Nam bị chậm tiến độ, quá trình thi công, vận hành gây ảnh hưởng lớn tới môi trường địa phương sở tại.
Cuối tháng 7/2017, trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Kaidi cùng các đối tác cho hay đã thành lập quỹ đầu tư quốc tế với quy mô vốn lên tới 15 tỷ USD, trong đó có mục tiêu đầu tư vào các dự án ở Việt Nam.
Kaidi cũng bày tỏ ý định đầu tư vào một số dự án giao thông tại Việt Nam và khẳng định đã bố trí sẵn sàng nguồn vốn, nếu được tham gia thì sẽ tiến hành thi công ngay.
Trong kiến nghị lên Thủ tướng, Geleximco cùng Kaidi Dương Quang đã đề xuất muốn xây dựng công trình sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tiêu chí "hiện đại và văn minh" và mức giá thấp. Hai đơn vị khẳng định sẽ hoàn thành công trình trong thời gian từ 3 đến 5 năm.