Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân dung đại gia giàu thứ 2 sàn chứng khoán Trịnh Văn Quyết

Đam mê kinh doanh và sớm lăn lộn trên thương trường cùng nghề luật sư đã giúp luật sư kinh doanh Trịnh Văn Quyết sớm thành công.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại một gia đình công chức nghèo ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Không giống như những người cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp cấp 3 ông vào TP.HCM học sửa chữa điện tử và tối tự học để tìm có thể thi đại học. Năm 1995, ông Quyết bắt đầu vào học ĐH Luật Hà Nội khi đã 20 tuổi.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Trịnh Văn Quyết đã mở văn phòng gia sư, buôn bán điện thoại. Ra trường năm 1999, ông Quyết thành lập công ty Tư vấn Đầu tư SmiC và 5 năm sau là Trưởng văn phòng Luật sư SmiC.

Từ năm 2008 đến nay, ông Quyết giữ cương vị Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC - chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ. Sau vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên và giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005..., tên tuổi ông Quyết được giới kinh doanh biết đến.

Vị luật sư - doanh nhân này từng chia sẻ, nghề luật giúp ông có vốn liếng để kinh doanh sang các lĩnh vực khác. Quá trình hành nghề luật giúp ông tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào hoạt động kinh doanh và đầu tư. Hiểu biết luật pháp giúp ông có những dự cảm về sự thay đổi chính sách.

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp vị tỷ phú mới nổi này xảy ra năm 2008 khi Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập với số vốn 18 tỷ đồng và chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC 2 năm sau. Ông Trịnh Văn Quyết là một trong ba cổ đông sáng lập.

Năm 2011, FLC tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ đây quy mô của công ty tăng trưởng nhanh chóng và giúp Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trở nên nổi tiếng trên thương trường với biệt danh "Luật sư kinh doanh".

Dấu ấn trong quá trình phát triển của FLC cũng như ông Trịnh Văn Quyết chính là hoàn thiện công trình FLC The Landmark Tower vào năm 2012 trên khu đất rộng 4.500m2 nằm ở đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình II, Hà Nội).

Tâm sự về thành công tại đây ông cho biết: "Năm 2008, khi còn là vùng đất trũng, đầy cỏ dại, tôi quyết định mua bằng tất cả vốn liếng tích lũy được từ kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý, vay mượn để có vài chục tỷ đồng. Hồi đó, kêu gọi góp vốn, mãi không ai góp, có người góp một triệu đồng rồi đòi lại nhưng tôi vẫn quyết mua vì có cảm nhận, suy đoán rằng, nó sẽ là dự án sinh lợi cao, ở khu vực phát triển".

Dự án FLC Landmark Tower được xây dựng thành một tòa nhà phức hợp, 32 tầng, gồm cả khu căn hộ và văn phòng cho thuê. Riêng tiền bán căn hộ tại đây, FLC thu về 575 tỷ đồng vào năm 2012.

Vì vậy, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thị trường bất động sản khó khăn vào những năm 2011-2013 thì đây lại là thời gian rất thành công của FLC. 

Ông Trịnh Văn Quyết có tài sản quy đổi lên tới 10.000 tỷ đồng. Ảnh: FLC.

FLC giờ đây đã trở thành thương hiệu lớn trong lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng khi đang sở hữu một loạt các quần thể du lịch nghỉ dưỡng ở nhiều tỉnh, thành. Hiện, tập đoàn có vốn điều lệ 6.380 tỷ đồng và đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng trong năm 2016.

Với việc liên tục tăng vốn nên số lượng cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết cũng gia tăng mạnh. Điều này giúp ông liên tục gia nhập danh sách 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm 2014 ông đứng thứ 19 trong top 100 người giàu nhất, năm 2015 là vị trí thứ 17. Bước sang năm 2016, ông lần lượt vượt qua một loạt tên tuổi khác để xếp thứ 2 trong danh sách trên.

Ngoài việc FLC tăng vốn trong năm 2016 thì với quá trình đưa Công ty cổ phần Xây dựng Faros (ROS) lên niêm yết trên sàn chứng khoán đã giúp tài sản quy đổi của doanh nhân tăng nhanh chóng. ROS là doanh nghiệp thi công xây dựng và là chủ thầu của nhiều dự án của FLC.

Hiện, ông Quyết đang sở hữu 279,5 triệu cổ phiếu ROS, hơn 93 triệu cổ phiếu FLC và  630.000 cổ phiếu ART của Chứng khoán Artex. Tổng tài sản quy đổi của Luật sư kinh doanh là 10.007 tỷ đồng.

Sự phát triển của FLC được Forbes nhận xét "là câu chuyện hiếm trong giới đầu tư bất động sản" và cái tên Trịnh Văn Quyết trở thành một hiện tượng. Vì vậy, trong giới đầu tư tài chính cũng đã nảy sinh những đồn đoán về ông, có người thì cho ông là lắm “mưu mẹo”, một "đại gia” làm giàu lên theo kiểu “tay không bắt giặc”.

Tuy nhiên, điều được nhiều người thừa nhận ở vị luật sự này là khả năng nắm bắt các thời cơ. Một phần khá lớn của khu đất xây FLC Landmark Tower là đất nông nghiệp được ông nhanh chóng thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng.

Chia sẻ về điều này, vị Chủ tịch FLC cho biết: "Cũng có những điều, về biểu hiện bên ngoài thì họ có vẻ nói đúng nhưng tôi nghĩ là chưa hiểu hết tôi. Tôi đi lên gần như từ hai bàn tay trắng nhưng đó là kết quả của cả một quá trình lăn lộn với thương trường, một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tính toán làm ăn trong kinh doanh mà có".

Chân dung đại gia giàu thứ 2 sàn chứng khoán Trịnh Văn Quyết

Đam mê kinh doanh và sớm lăn lộn trên thương trường cùng nghề luật sư đã giúp luật sư kinh doanh Trịnh Văn Quyết sớm thành công.

 

Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm