Phóng viên ảnh thường là một công việc do nam giới thống trị. Nhưng trong suốt dòng chảy phát triển của nghề này, rất nhiều người phụ nữ đã ghi dấu ấn đậm nét. Thông qua Trailblazers of Light, Yunghi Kim muốn tôn vinh những “nữ binh” tiên phong trong nghề phóng viên ảnh. Ảnh: Yunghi Kim/ Contact Press Images. |
Trong bức hình là Frances Benjamin Johnston được nhiều em nhỏ vây quanh vì tò mò chiếc máy ảnh của bà. Làm việc cho Bain News Service tại thành phố New York vào năm 1898, Johnston là một trong những nữ phóng viên ảnh đầu tiên của thế giới. Ảnh: Library of Congress. |
Dickey Chapelle là một phóng viên chiến trường đã đi khắp thế giới. Trong Thế chiến 2, bà có mặt cùng Thủy quân lục chiến Mỹ trong trận chiến Iwo Jima và đưa tin cuộc chiến Okinawa. Năm 1965 bà thiệt mạng trong một vụ nổ mìn - nữ phóng viên chiến trường người Mỹ đầu tiên thiệt mạng khi tác nghiệp. Ảnh: AP. |
Lynsey Addario cũng là một phóng viên ảnh về các cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo ở nhiều quốc gia, bao gồm Afghanistan, Iraq, Libya, Syria và Somalia. Trong ảnh là bà đang ghi lại hình ảnh phe nổi dậy Darfur ở Sudan năm 2004. Ảnh: The Washington Post/ Getty Images. |
Homai Vyarawalla là nữ phóng viên ảnh đầu tiên của Ấn Độ. Với bút danh Dalda 13, bà ghi lại hình ảnh của chính đất nước mình, từ cuộc đấu tranh giành độc lập những năm 1930 đến những năm 1970. Bà cũng đã được chính phủ Ấn Độ trao tặng Huân chương Padma Vibhushan cho những đóng góp của mình. Ảnh: AFP/ Getty Images. |
Stephanie Sinclair quan tâm đến các vấn đề nhân quyền trên toàn cầu. Loạt ảnh về hôn nhân trẻ em của bà đã truyền cảm hứng để bà xây dựng tổ chức phi lợi nhuận Too Young to Wed hướng đến trao quyền cho các cô gái và chấm dứt hôn nhân trẻ em ở mọi nơi. Ảnh: Too Young to Wed. |
Amy Sancetta đã đưa tin về nhiều sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong suốt thời gian làm việc với AP, đáng chú ý như Super Bowl, World Series, World Cup và Olympics. Ảnh: Amy Sancetta. |
Heidi Levine là phóng viên thường trú tại Jerusalem và đã ở trên tuyến đầu của nhiều cuộc xung đột Trung Đông. Tác phẩm về cuộc chiến năm 2014 tại Gaza đã giúp bà nhận được giải thưởng Anja Niedringhaus đầu tiên vì sự can đảm trong nghề phóng viên ảnh. Ảnh: IWMF. |
Marion Carpenter là một trong những nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên của Nhà Trắng, là người phụ nữ đầu tiên tham gia Hiệp hội Nhiếp ảnh gia Nhà Trắng và cũng là người phụ nữ duy nhất trong số các nhiếp ảnh gia tháp tùng Tổng thống Mỹ Harry Truman. Ảnh: Getty Images. |
Jessie Tarbox Beals được Buffalo Inquirer thuê vào năm 1901, đưa bà trở thành nữ nhiếp ảnh gia chính thức đầu tiên tại một tờ báo của Mỹ. Bà nổi tiếng khi đi ghi hình tại Hội chợ thế giới năm 1904 vì đứng trên thang cao và chụp ảnh từ khinh khí cầu. Ảnh: Thư viện Harvard. |
Carol Guzy lấm lem bùn đất khi chụp ảnh một hàng dài chờ nhận bánh mì tại một trại tị nạn ở Kukes, Albania, năm 1999. Guzy, cựu nhiếp ảnh gia của Washington Post, là nhà báo đầu tiên trong lịch sử giành được bốn giải Pulitzer. Ảnh: Thomas Hurst. |
Joan E. Biren khi ghi hình cuộc mít tinh về đạo luật bình đẳng ở Washington năm 1978. Biren cũng quan tâm tới đời sống của cộng đồng LGBTQ trong nhiều thập kỷ. "Tôi bắt đầu chụp ảnh vào thời điểm gần như không thể tìm thấy hình ảnh chân thực nào về đồng tính nữ", bà nói với tờ New York Times năm ngoái. Ảnh: Getty Images. |
Ami Vitale, nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic, mặc trang phục gấu trúc để ghi lại hoạt động bảo tồn loại động vật này tại Trung Quốc. Bà chia sẻ: "Những câu chuyện và hình ảnh có khả năng độc đáo vượt qua tất cả rào cản ngôn ngữ và giúp chúng ta hiểu nhau". Ảnh: Ami Vitale. |
Wendy Maeda chụp ảnh trận chung kết NBA năm 1985. Bà là một trong những phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên được thuê làm phóng viên ảnh toàn thời gian cho một tờ báo. Bà đưa tin cả mảng thời sự, bình luận và thể thao cho tờ The Boston Globe. Ảnh: George Rizer. |
Sally Soames đeo mặt nạ phòng độc ở Israel sau vụ tấn công tên lửa năm 1991. Bà làm việc cho tờ báo The Observer và The Sunday Times. Những bức ảnh của bà cũng xuất hiện trên các ấn phẩm khác như Newsweek và New York Times. Bà đưa tin về chiến sự nhưng cũng chụp chân dung nhiều nhà lãnh đạo và người nổi tiếng thế giới như Andy Warhol, Muhammad Ali và Sean Connery. Ảnh: Getty Images. |
Lee Miller (giữa) trò chuyện với những người lính trong ngày giải phóng Rennes, Pháp, vào năm 1944. Trong Thế chiến 2, bà là nhiếp ảnh gia chiến tranh chính thức của tạp chí Vogue ở London, chụp ảnh các trại tập trung, chiến dịch ném bom London Blitz và cuộc giải phóng Paris. Ảnh: LIFE Pictures/ Getty Images. |
Paula Bronstein trên xe máy ở Jakarta, Indonesia, năm 1998. Bronstein thường trú ở châu Á và đã chụp ảnh nhiều khu vực xung đột trong ba thập kỷ qua. "Thường thì tôi cố gắng tập trung vào những câu chuyện chưa được đưa tin, liên quan đến các vấn đề con người, kinh tế và chính trị và những nạn nhân đang thầm lặng chịu đựng", bà nói. Ảnh: Contact Press Images. |