Cơ quan quản lý phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Ảnh: Việt Linh. |
Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong 7 tháng đầu năm nay, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra 1.355 vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó xử lý 247 vụ vi phạm. Số tiền nộp ngân sách Nhà nước (bao gồm số tiền buộc nộp lại bất hợp pháp do thực hiện các hành vi vi phạm hành chính) là hơn 8,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt 3 thương nhân đầu mối lớn gồm CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức (Nghệ An), CTCP Appollo Oil (TP.HCM), Công ty TNHH Trung Linh Phát (Ninh Bình).
Công ty xăng dầu nhà “đại gia kim cương”
Đối với Tập đoàn Thiên Minh Đức, cơ quan quản lý xác định doanh nghiệp này không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Đầu mối này bị xử phạt vi phạm hành chính 85 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 45 ngày (ngày 6/3-21/4).
Tập đoàn Thiên Minh Đức thành lập năm 2001, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài với trụ cột chính là xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất giấy, bao bì, logistic, vận tải.
Công ty do bà Chu Thị Thành, mẹ của ông Chu Đăng Khoa (nổi tiếng với biệt danh “đại gia kim cương), là người đại diện pháp luật.
Tính đến tháng 9/2023, doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, bà Chu Thị Thành nắm 77,15%; ông Chu Đăng Khoa sở hữu 22,77% và một cá nhân khác giữ 0,08%.
Thiên Minh Đức sở hữu mạng lưới phân phối gồm 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro. Ảnh: DCK Petro. |
Trong kết luận thanh tra về xăng dầu của Thanh tra Chính phủ cuối năm ngoái, Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng sai, thiếu; không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế bảo vệ môi trường phải nộp.
Hành vi này khiến tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường kê khai lần đầu và tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường kê khai lại của doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2021 tăng thêm 3.287 tỷ đồng.
Còn nợ ngân sách Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng từ năm 2017-2022, Thiên Minh Đức đã cho Phó tổng giám đốc Chu Đăng Khoa và Chủ tịch Chu Thị Thành mượn 7.485 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân còn nợ công ty 1.396 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thiên Minh Đức còn là một trong 7 thương nhân đầu mối đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích, không kết chuyển tài khoản về Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại. Cơ quan thanh tra cho biết Thiên Minh Đức đã bị xử phạt vi phạm hành chính 3 lần.
Thanh tra Chính phủ sau đó đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.
Tháng 12/2023, Chủ tịch Chu Thị Thành đã bị tạm hoãn xuất cảnh do đơn vị này chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Theo số liệu công khai của Cục thuế Nghệ An, tính đến ngày 30/11/2023, Thiên Minh Đức đứng đầu danh sách nợ thuế của thành phố với số nợ hơn 950 tỷ đồng. Đến đầu năm nay, cơ quan thuế đã cưỡng chế thuế doanh nghiệp này gần 940 tỷ đồng bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.
Loạt sai phạm liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Tương tự Thiên Minh Đức, CTCP TNHH Trung Linh Phát cũng bị tước giấy phép với thời hạn 1 tháng (ngày 19/6-19/7) và xử phạt 245 triệu đồng vì không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối; không duy trì mức dự trữ bắt buộc hoặc thấp hơn mức tối thiểu; gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối.
Trung Linh Phát là một trong các thương nhân đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương cấp phép năm 2021. Doanh nghiệp 100% vốn tư nhân này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, bán buôn, bán lẻ xăng dầu với chi nhánh tại nhiều tỉnh, thành như TP HCM, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang...
Trước đây, đầu mối này cũng từng bị xử phạt do không kết chuyển số dư quỹ bình ổn xăng dầu vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Bộ Công Thương hồi tháng 3 đã yêu cầu công ty này nộp lại số tiền hơn 26 tỷ đồng nợ quỹ bình ổn từ tháng 11/2023.
Trung Linh Phát vướng một loạt lùm xùm về thuế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh: T.L. |
Trung Linh Phát cũng từng bị Bộ Công Thương nêu tên trong danh sách các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu dầu diesel thấp hơn hạn mức nhập khẩu dầu được phân giao. Công ty này cũng không gửi đăng ký điều chỉnh về Bộ Công Thương khi có sự thay đổi trong hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân.
Năm 2022, công ty Trung Linh Phát bị phát hiện cùng nhiều doanh nghiệp đầu mối tiếp tục không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao đối với mặt hàng xăng.
Vào năm 2021, đầu mối này cũng trở thành tâm điểm trong ngành xăng dầu khi chứng kiến doanh thu tăng vọt từ 3.104 tỷ đồng lên 7.749 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 144 triệu đồng.
Không chỉ “khất” Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nợ thuế khủng, Trung Linh Phát còn xuất hiện trong các khoản nợ xấu ngân hàng.
Trong khi đó, CTCP Appollo Oil bị phạt 800 triệu đồng. Trong đó, đơn vị này bị phạt 100 triệu đồng vì bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối, không đăng ký hệ thống phân phối.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng mở rộng xác minh với 14 doanh nghiệp mua, bán xăng dầu với Appollo Oil và phát hiện nhiều vi phạm như mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối. Vì vậy, doanh nghiệp bị phạt thêm 700 triệu đồng.
Trong giai đoạn năm 2022-2023, Appollo Oil (địa chỉ tại TP.HCM) của Chủ tịch Ngô Nhật Phương từng bị bị chú ý do duy trì hoạt động kinh doanh bằng việc mua xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối khác nên không phát sinh Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Sau khi bị nêu tên, đến đầu tháng 10/2023, Appollo Oil mới nhập khẩu lô xăng dầu đầu tiên.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.