Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chạm vào ký ức của bóng hồng bên cạnh nhà văn đại tá Chu Lai

Tại quán cà phê yên tĩnh, tôi đã được lắng nghe câu chuyện ngập tràn cảm xúc của nữ đại tá - nhà văn Vũ Thị Hồng.

Ngược dòng thời gian, lật mở dần từng trang ký ức cuộc đời với bao nhiêu biến cố, mất mát nhưng đầy can trường và ăm ắp tình yêu thương, bà đã chia sẻ về thời tuổi trẻ hoa lửa theo chân các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu giữa bom đạn ác liệt, về mối tình đầy duyên nợ với nhà văn, đại tá Chu Lai và đặc biệt là những gợi mở thú vị về cuốn hồi ký sắp ra mắt.

Đầu năm 1971, cô sinh viên khoa Văn Tổng hợp khi đó mới 20 tuổi, mắt phải bị viêm màng bồ đào, đục thủy tinh thể, thị lực rất kém, nhất quyết trốn viện xin ra mặt trận dù gia đình đang trong hoàn cảnh đặc biệt: bố vừa mất trong trận bom Mỹ đánh vào phố Huế, mẹ nặng gánh với 5 đứa em bé bỏng…

nha van Vu Thi Hong anh 1

Cô gái nhỏ nhắn vác trên mình chiếc ba lô nặng trĩu ngót nửa tạ gồm quần áo, chăn màn, lương thực, thuốc men… lặng lẽ leo dốc cao hàng nghìn mét, xuyên qua trận mưa bom B52 rải thảm; cơn sốt rét rừng khiến khớp chân đau buốt, mềm nhũn không thể gượng dậy; khúc dân ca quan họ Người ơi người ở đừng về trước giờ ra trận tiếp thêm sức chiến đấu cho đồng đội… Tất cả đã tạo nên cốt cách người lính của nữ nhà văn Vũ Thị Hồng.

Chiến trường thẳng tiến với trái tim hừng hực nhiệt huyết, cô phóng viên trẻ đã lăn xả cùng các chiến sĩ của Trung đoàn 31, Trung đoàn 38, Sư đoàn 711 (sau này là Sư đoàn 2) trên nhiều mặt trận. Lăm lăm súng AK giữa đội hình chiến đấu, tay nhuộm máu đồng đội vừa ngã xuống, đôi lần chết hụt khi chiếc ba lô đã cản đường đi của viên đạn, xé toạc tấm áo và găm sẹo chằng chịt trên cánh tay con gái mềm mại.

Nhà văn Vũ Thu Hồng ngậm ngùi kể: “Có dịp đi cùng Tiểu đoàn Bà Thao (Tiểu đoàn vận tải nữ 232 làm nhiệm vụ gùi hàng, cõng thương binh, mở đường và chống lầy cho ôtô - PV) mới thấm thía nỗi gian truân, sự hy sinh của họ. Chiến tranh khắc nghiệt, bom đạn hủy diệt, sốt rét bệnh tật liên miên đã làm cho nhiều cô gái thay đổi hình thể như đàn ông: tóc rụng cả mảng, mất máu dẫn đến tắt kinh, ngực phẳng lì…”.

“Tôi hầu như chưa viết gì mà không dính đến chiến tranh vì mọi ký ức đều có bóng dáng cuộc chiến và những người đồng đội thân yêu. Tôi may mắn được trở về bình an nên thấy có nghĩa vụ phải trả các ‘món nợ’ cho cuộc đời này: trả nợ một người dân cho ở nhờ trong đêm lạc đơn vị, trả nợ người đồng chí trút hơi thở cuối cùng trên tay mình, trả nợ bà má đã nấu bữa cơm cứu đói…”, bà tâm sự.

Theo mạch câu chuyện, nữ đại tá kể về người chồng nổi tiếng, là đồng chí, đồng nghiệp - nhà văn Chu Lai. Bà chia sẻ rằng mọi tác phẩm của ông từ những tiểu thuyết đầu tiên như Nắng đồng bằng viết về chiến tranh ở Việt Nam và người lính với cảm xúc bi tráng nhưng rất đỗi mong manh đều có bàn tay chăm chút của mình.

Nhà văn Chu Lai cứ thỏa thuê phóng bút sáng tạo, khơi mạch nguồn cảm hứng dồi dào vì biết rằng đã có người vợ - biên tập viên kỳ cựu của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân luôn đồng hành và chắp cánh cho những khát vọng của ông.

nha van Vu Thi Hong anh 2

“Cách viết của chồng tôi có lúc giống như ‘làm xiếc trên dây’ sểnh chân là có thể rơi xuống, tôi phải trợ giúp để giữ thăng bằng. Cứ sáng tác xong là ông ấy đưa cho vợ đọc đầu tiên và tôi góp ý ngay. Mà không hiểu sao ông ấy tài thật, viết gì cũng dài, không biết lấy vốn liếng ở đâu ra nữa và tác phẩm nào cũng có bóng dáng phụ nữ. Nhưng tôi không bao giờ ghen, kể cả với các mối tình ngoài đời, chỉ chuyên tâm trau chuốt, hoàn thiện cho từng tác phẩm và ông ấy rất chịu khó lắng nghe, tiếp thu. May mắn chúng tôi cùng xông pha trong chiến trường, cùng trải qua những khó khăn, vất vả nên rất dễ tìm được tiếng nói chung”.

Trả lời câu hỏi: “Cuộc sống của hai người lính, hai nghệ sĩ cá tính đặc biệt chắc hẳn có rất nhiều màu sắc và cả xung đột, khi đó ông bà đã giải quyết như thế nào”, nữ nhà văn cho hay: “Chúng tôi tự nhủ rằng, những lúc gian khó, nguy nan nhất còn cùng nhau vượt qua được nên trở ngại bây giờ chẳng thấm tháp gì”.

Bà cũng kể về đám cưới thiếu thốn đủ thứ thời bao cấp, chỉ “lãi to” tình cảm khi bạn bè, họ hàng cùng xúm vào tổ chức: người lo mượn hội trường của Nhà xuất bản, người cho cân chè, người mua hộ mấy cân bánh vỡ ở Nhà máy bánh kẹo Hải Châu. Quà cưới là 2 cái xoong nấu canh và cơm, chiếc mâm bé xinh và rất nhiều sách, trong đó có trọn bộ kiệt tác Anna Karenina của Lev Tolstoy do nhà lý luận phê bình văn học Nhị Ca tặng.

nha van Vu Thi Hong anh 3

Sau này, dù cha mẹ không định hướng nhưng cậu con trai duy nhất cũng theo nghiệp viết lách. “Chắc do gen đấy, tôi nhớ hồi nhỏ con cầm tờ báo Hoa Học Trò về khoe có bài đăng trong đó, hiện giờ cậu ấy công tác tại báo Thời Nay. Nhưng hai cháu nội lại thích học Toán, không mặn mà với môn Văn. Tôi tôn trọng điều đó và khuyến khích con cháu làm điều mình thích”, nữ nhà văn Vũ Thị Hồng cười tươi khi nhắc đến gia đình.

Là hậu phương vững chắc của chồng nhưng nhà văn Vũ Thị Hồng chưa bao giờ cảm thấy áp lực hay thiệt thòi vì không được toàn tâm toàn ý làm công việc sáng tác. Nhà văn Chu Lai luôn thúc giục vợ mình viết nữa đi, viết nhiều vào, kể về khoảng thời gian làm phóng viên nơi tiền tuyến thường xuyên giáp mặt với cái chết.

Ông lái xe đưa vợ cùng bạn bè về lại chiến trường xưa ở Cấm Dơi, Quế Sơn (Quảng Nam) vùng đất mà bà tham gia những trận giao tranh ác liệt rồi thoát chết trong gang tấc; thăm Đường 13 (Bình Dương) nơi ông đã chiến đấu kiên cường cùng đồng đội… Những chuyến xuyên Việt để khám phá dải đất hình chữ S và nuôi dưỡng cảm hứng văn chương, đồng thời cũng thỏa mãn cái thú phiêu du, lãng tử, tự tay cầm vô lăng đi ngót 500 km/ngày của nhà văn Chu Lai.

Được chồng cổ vũ nhiệt tình nhưng nhà văn Vũ Thị Hồng viết ít và chậm rãi, chắt lọc ý tưởng, chỉn chu từng câu chữ và nghiêm khắc với bản thân.

“Tôi không nói về thời gian đi B vì giống với nhiều người mà muốn tái hiện lại những tháng ngày mình sống, tác nghiệp và chiến đấu một cách chân thực nhất, buồn đau nhưng không bi thương, thắp sáng khát vọng hòa bình, được trở về ấm áp trong vòng tay người thân. Lần đầu tiên, tôi tiết lộ về rất nhiều sự thật được ghi chép tỉ mỉ trong 3 cuốn nhật ký luôn mang theo sát bên mình”, nữ đại tá bày tỏ.

Như một cuốn phim quay chậm, một cái chạm thật khẽ động tới cả góc khuất đầy tổn thương, uất ức, tác phẩm kể câu chuyện về cô gái trẻ Hà thành, nữ nhà báo nổi tiếng bướng bỉnh và can đảm đã sống qua những tháng ngày kỳ lạ, không hề có chút đề phòng hiểm nguy có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Chạm vào ký ức của nhà văn Vũ Thị Hồng đã được ra đời như thế và dự kiến ra mắt độc giả vào cuối năm.

Tác giả viết với tư cách một nữ phóng viên chiến trường tên Thục sống cùng đơn vị bộ đội đã chứng kiến “bao nhiêu chuyện ghê gớm, bao nhiêu hoàn cảnh ngặt nghèo, bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu gương mặt người lính đi qua”. Ngay từ khi bước chân vào đại học, Thục luôn coi mình là cánh buồm cô đơn trước sóng gió. Cuộc sống có khi êm đềm, khi ồn ào bão tố nhưng trong cuộc hành trình đã qua và sắp tới, cô gái luôn vững vàng tiến về phía trước…

Không cường điệu hóa các chi tiết, không gồng mình xây dựng những hình tượng xa rời thực tế, không sa đà kể lể chiến công, không tránh né tổn thất… tác phẩm là kết tinh bao nỗi suy tư dồn nén và sự tâm huyết của người viết.

“Cần có những cây bút như Hồng vì khi cuộc chiến tranh đi qua, nhiều khi người ta quên bẵng những gì đã trải qua. Nhà văn nên nhớ cả tình tiết nhỏ, nhớ tới kỷ niệm, nhớ những người đã trải qua gian khổ với mình. Hồng là người khơi gợi lại quá khứ, điềm đạm kể lại, cảm thông chia sẻ. Và trong sự bình tĩnh đó, nhiều chuyện không bị lãng quên”, nhà văn Lê Minh Khuê, người bạn thân thiết 40 năm qua với tác giả viết lời nói đầu về cuốn sách.

nha van Vu Thi Hong anh 4

“Đã về đến sân bay Gia Lâm. Không có một đồng xu nào trong túi nhưng dám thuê một chiếc xe xích lô chở về nhà. Đi qua cầu Long Biên - Hà Nội. Dãy phố nhỏ Cát Linh không khác ngày ra đi là bao. Ngôi nhà tranh vách nứa thân thuộc. Mẹ và các em. Đã thực sự trở về, không phải như đã từng thấy trong mơ nữa. Gần 5 năm xa cách, một ngày trở lại, nhanh chóng đến mức lạ lùng. Và điều lạ lùng nhất là tất cả những điều ấy lại chính là sự thật”.

Chạm vào ký ức nhẹ nhàng khép lại trang cuối cùng… và nói như nhà văn Lê Minh Khuê: “Nếu không có cuốn hồi ký này, có lẽ chẳng bao giờ tôi biết bạn mình đã sống những ngày như thế”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

https://vietnamnet.vn/cham-vao-ky-uc-cua-bong-hong-ben-canh-nha-van-dai-ta-chu-lai-2157935.html

Linh Đan - Phạm Hải/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm