Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đốt đuốc' đi tìm nhà phê bình văn học, nghệ thuật

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, ai cũng có thể đưa ra ý kiến để trở thành nhà phê bình. Tuy nhiên, những người có chuyên môn được đào tạo bài bản vẫn phải 'đốt đuốc đi tìm'.

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) khẳng định “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung phải “kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, phê bình văn nghệ".

Thế nhưng, đội ngũ làm công tác phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay có nhiều bất cập.

Thưa vắng nhà phê bình 9X

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - khẳng định so với các lĩnh vực nghệ thuật, đội ngũ lý luận, phê bình văn học có sự nổi trội, nhiều thế hệ cùng đồng hành. Những cây bút trưởng thành từ giai đoạn trước vẫn tiếp tục sung sức trên văn đàn như Hà Minh Đức, Phong Lê, Trần Đăng Suyền, Bùi Việt Thắng, Đinh Xuân Dũng, Ngô Thảo…

Van hoc nghe thuat. anh 1

NSƯT Phương Nga, NSƯT Tạ Tuấn Minh trong vở kịch Hamlet.

Một số nhà văn, nhà thơ cũng tích cực tham gia công tác lý luận, phê bình như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Thế Kỷ, Trần Đăng Khoa… Thế hệ 7X, 8X có những gương mặt nổi trội như Cao Kim Lan, Phong Điệp, Nguyễn Hoài Nam, Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Thanh Tâm…

Nhưng đến nay, chưa có gương mặt nào của thế hệ sinh 9X ra mắt sách về lý luận, phê bình văn học.

Một trong những bất cập và thiếu hụt then chốt có thể nhận ra, đó là chưa có cơ sở đào tạo chuyên tâm về mảng phê bình. Đội ngũ phê bình văn học hiện nay chủ yếu do tự rèn luyện, trải nghiệm mà nên.

Cả nước chỉ có một cơ sở đào tạo duy nhất, ít nhiều gắn với việc hun đúc các cây bút phê bình văn học, đó là Khoa Viết văn Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Thế nhưng, khoa này thực chất quan tâm đào tạo và phát triển cả 3 mảng: sáng tác thơ, sáng tác văn xuôi và lý luận phê bình chứ không chuyên biệt.

"Nhiều năm nay, các sinh viên đại học, viện nghiên cứu không chọn ngành lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, thậm chí có năm không chiêu sinh được. Nghề này phải dấn thân, chịu khó nhưng không đủ sống. Sự thiếu hụt đáng báo động, bởi không thể bù đắp trong ngày một ngày hai", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu thực trạng với VietNamNet.

PGS.TS Đào Duy Quát - Nguyên phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương - bày tỏ lo ngại khi các cây bút lớn tuổi gần như không còn viết phê bình (lui về nghiên cứu) các thế hệ trẻ không đủ lực lượng, bản lĩnh để lấp đầy khoảng trống. Ngoài văn học nổi lên một số tác giả phê bình trẻ hầu như các loại hình nghệ thuật khác đều vắng bóng.

Lắm "nhà" tự phong

Bàn sâu về thực trạng này, PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Nguyên phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết nhìn vào đội ngũ lý luận, phê bình hiện nay dễ dàng nhận ra sự hoà trộn của cả 3 loại “nhà”: nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà phê bình.

Điều đó dẫn đến những ngộ nhận, nhận nhầm, phong nhầm “nhà” nọ thành “nhà” kia. Đó cũng là nguyên nhân khiến đội ngũ lý luận, phê bình trở nên hỗn độn, ít mà tưởng nhiều, thiếu lại nghĩ hùng hậu.

PGS.TS Phan Trọng Thưởng khẳng định đội ngũ nhà phê bình của nước ta khá èo uột, không xứng với lực lượng sáng tác, không đáp ứng yêu cầu của công chúng thưởng thức nghệ thuật.

"Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, ai cũng có thể đưa ra ý kiến. Người người có thể trở thành nhà phê bình. Thế nhưng, những nhà phê bình có phương pháp, chuyên môn, được đào tạo bài bản vẫn phải ‘đốt đuốc đi tìm’", PGS.TS Phan Trọng Thưởng nói.

Trong lĩnh vực phê bình âm nhạc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thừa nhận số lượng hội viên nghiên cứu âm nhạc chỉ khoảng 100 trên hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ở lĩnh vực phê bình trên báo chí - truyền thông thì đang có hiện tượng khen chê tùy tiện, PR trá hình làm nhiễu loạn hệ giá trị tác phẩm trong công chúng. Nhiều người có chuyên môn còn ngại xuất hiện, cho ý kiến đánh giá về các hiện tượng âm nhạc.

Theo TS Ngô Phương Lan - Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - trong gần 20 năm trở lại đây, dường như thị trường điện ảnh càng lên thì lý luận, phê bình càng đi xuống.

Bà Lan nêu thực trạng, mỗi năm có đến 40 bộ phim truyện điện ảnh ra đời, mỗi lần phim ra rạp, nhất là phim “thương mại” đều rất tưng bừng từ rạp đến mặt báo. Song điều này không liên quan đến chất lượng phim mà chủ yếu phụ thuộc vào kinh phí nhiều hay ít của nhà sản xuất, phát hành, sự “ra tay” mạnh hay yếu của đội ngũ PR.

Cũng có những bộ phim ra đời kéo theo dư luận ồn ào, trái chiều, người khen kẻ chê, người tâng bốc, kẻ hạ bệ, chẳng biết đâu thật-giả. Điều đáng buồn nhất là chẳng mấy khi thấy ý kiến định hướng của các nhà phê bình.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại. Trân trọng.

https://vietnamnet.vn/dot-duoc-di-tim-nha-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-2158722.html

Tình Lê/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm