Tương tự như các thị trường khác trên thế giới, tại Việt Nam, BlackBerry đã không còn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người dùng. Sản phẩm này vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ iPhone, Android và gần đây là Windows Phone.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là sự chậm thay đổi của BlackBerry. Thời điểm 2008 - 2009, Android lúc đó chỉ là những đối thủ "nhẹ ký" đối với hãng điện thoại Canada. Nhưng trong ngắn hạn, những thương hiệu mới nổi bắt đầu linh hoạt và nhanh thích ứng với thị trường hơn so với những "gã to béo" như BlackBerry.
Khác với doanh nhân - đối tượng khách hàng "ruột" của BlackBerry, người tiêu dùng thông thường không cần đến một smartphone quá bảo mật hoặc quá chuyên dụng, mà cần một thiết bị đáp ứng được cho công việc lẫn giải trí. iPhone của Apple và các smartphone Android, tuy là người đến sau, nhưng đã chinh phục được người dùng phổ thông nhờ đáp ứng được cả hai nhu cầu trên.
Storm - chiếc BlackBerry có màn hình cảm ứng - không tạo dấu ấn so với iPhone. |
Dù đã tung ra những dòng điện thoại thuần cảm ứng để cạnh tranh, nhưng nỗ lực của BlackBerry khi đó đã trở nên muộn màng. iPhone đời đầu của Apple ra mắt năm 2007 và nhanh chóng tạo ra cơn sốt tiêu dùng trên toàn cầu. Mãi đến cuối năm 2008, BlackBerry mới giới thiệu chiếc Storm - smartphone thuần cảm ứng đầu tiên của hãng. Trong khi iPhone là sự kết hợp giữa máy nghe nhạc iPod màn hình lớn, điện thoại di động và máy tính cá nhân có kết nối Internet, chiếc Storm của BlackBerry chỉ đơn thuần là một smartphone có màn hình cảm ứng, thiên về hỗ trợ công việc. Dù Storm 2 ra mắt và nhiều sản phẩm khác xuất hiện sau đó, nhưng thế hệ cảm ứng đầu tiên của RIM đã thất bại.
Kết quả kinh doanh ngày càng tệ hại là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thụt lùi của hãng điện thoại Canada. Năm 2009, giá cổ phiếu của BlackBerry đã xuống đến mức dưới 50 USD, giảm gấp 5 lần so với kỉ lục năm 2007. Thị phần hiện tại trên toàn cầu của BlackBerry chỉ còn vỏn vẹn 2,7%, tức là cứ 1.000 người dùng smartphone, chỉ còn 27 người sử dụng điện thoại "dâu đen".
Khi BlackBerry thay đổi, hãng không tạo ra sự khác biệt. Đó là lý do BlackBerry không thể lấy lại được vị thế của mình. Thời kì 2004 - 2008, nếu hỏi một người tiêu dùng Việt Nam vì sao họ chọn BlackBerry, câu trả lời sẽ đại loại như "BlackBerry có bàn phím tốt, thao tác rất nhanh", "BlackBerry rất bảo mật", "BlackBerry là một thương hiệu sang trọng", "BlackBerry thông minh", hay đơn giản "BlackBerry là số một"… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngoài bàn phím QWERTY trứ danh, BlackBerry không còn điểm hấp dẫn nào đủ mạnh để khiến người tiêu dùng phải lựa chọn những smartphone của hãng thay vì chọn iPhone, smartphone Android hay Windows Phone.
Một buổi offline BlackBerry tại Việt Nam trước đây. Ảnh: Tinhte. |
Dù rất yêu thích và gắn bó với BlackBerry từ 6 năm nay, nhưng anh Ngô Thanh Hùng, thành viên của một hội chơi BlackBerry ở TP.HCM, cũng đã quyết định "đổi gió" bằng cách tậu thêm một smartphone Android vì "màn hình to hơn BlackBerry, đọc báo đã hơn và có nhiều game hay hơn". Tuy vẫn mang theo bên mình, nhưng chiếc BlackBerry giờ đây đối với anh Hùng chỉ là một chiếc điện thoại dự phòng khi điện thoại chính... hết pin. "Nó gắn bó với mình từ những ngày mới đi làm, bán cũng tiếc nên giữ lại để phòng hờ", anh Hùng chia sẻ. Anh Hùng cũng không phải là trường hợp duy nhất trong hội dùng song song BlackBerry với một chiếc smartphone khác. "Nhiều người đi ọp (offline) giờ cũng chỉ để trao đổi và sưu tầm những chiếc BlackBerry đồ cổ. Bản thân họ vẫn đang dùng những smartphone của hãng khác", anh cho biết thêm.
Ngoài sự nhàm chán, mức giá đắt đỏ và kém cạnh tranh của BlackBerry cũng là nguyên nhân khiến người dùng Việt dần quay lưng với thương hiệu điện thoại của Canada.
BlackBerry đến Việt Nam đầu tiên thông qua các phiên bản xách tay. Đó là những model được làm lại từ Trung Quốc về vỏ hộp, giá rẻ và nhắm tới người dùng phổ thông. Nhiều sản phẩm mới của hãng sau đó cũng có mặt và được nhiều người yêu quý. Tuy nhiên, khi Viettel và các nhà mạng khác cùng một vài nhà phân phối đưa máy chính thức về, mức giá sản phẩm này lại bị "thổi" quá cao do đi kèm dịch vụ.
Thay vì bỏ ra số tiền 15,4 triệu đồng cho chiếc BlackBerry Q10, người dùng hoàn toàn có thể cân nhắc đến Galaxy S4, HTC One hay iPhone 5 xách tay với mức tương đương. Thay vì bỏ ra 11,6 triệu đồng để mua BlackBerry Z10, họ có thể chọn Galaxy S3, Lumia 920 với giá chỉ còn 9,9 triệu đồng.
Mặc dù hệ điều hành BlackBerry 10 được các chuyên gia đánh giá cao, nhưng số đông người tiêu dùng chỉ quan tâm đến thương hiệu, giá tiền và khả năng của thiết bị. Họ không có thời gian và cũng không có nhu cầu tìm hiều về cái hay của BlackBerry 10, trong khi các siêu phẩm Android, Windows Phone được quảng cáo dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này cũng có thể một phần do khâu truyền thông và quảng bá của BlackBerry không mạnh mẽ bằng các đối thủ. Ở Việt Nam, Samsung và Nokia là hai hãng "bạo chi" nhất cho các hoạt động quảng bá sản phẩm.
Chính mức giá cao và sức mua thấp đã khiến các nhà phân phối BlackBerry chính hãng cũng nản lòng. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc phát triển ngành hàng điện thoại công ty cổ phần Thế giới Di động cho biết, công ty đã ngưng kinh doanh smartphone BlackBerry từ hai tháng nay. Trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống của Thế giới Di động chỉ bán được 209 máy/tháng. Nguyên nhân là do các mẫu smartphone của BlackBerry không có gì mới và giá cao.
Website của một chuỗi bán lẻ thiết bị di động đã loại bỏ BlackBerry ra khỏi danh mục các hãng sản xuất. |
Trong khi giá chính hãng đắt đỏ, giá Blackberry xách tay lại "mềm" hơn rất nhiều. Ngọc Sơn, sinh viên ĐH Kiến Trúc TP.HCM, đã mua một chiếc BlackBerry Bold 9900 xách tay với giá chỉ 5 triệu đồng, trong khi giá chính hãng của sản phẩm này lên đến 8,9 triệu đồng. "BlackBerry xách tay gần như mới nhưng có giá rẻ hơn rất nhiều so với chính hãng, lại dễ unlock (mở khóa mạng) nên phù hợp với túi tiền sinh viên", Sơn cho biết.
Hàng chính hãng giá cao nên ế ẩm, hàng xách tay hút khách hơn nhưng không mang lại lợi nhuận cho BlackBerry vì là hàng đã qua sử dụng. Tuy nhiên, để mua BlackBerry hàng xách tay cũng không hề dễ. "Hàng nhái và hàng tân trang giờ rất nhiều, nếu không biết cách lựa thì chỉ dùng được dăm ba bữa là trục trặc, nhẹ thì chết phím, nặng thì sụp nguồn", anh Trần Đức Hải, một người buôn BlackBerry xách tay ở đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM chia sẻ. Theo anh Hải, vì rủi ro cao, nên người tiêu dùng cũng đã hạn chế mua BlackBerry xách tay giá rẻ ngoài thị trường. "Ít người hỏi quá nên tụi tui không nhập BlackBerry nữa, chuyển sang bán iPhone, iPad lâu rồi", chị Hòa Lưu, chủ một cửa hàng điện thoại di động trên đường Trần Quang Khải, Q. Bình Thạnh, TP.HCM cho biết.
Sản phẩm không phù hợp với thị hiếu, giá cao và nguồn cung ngày càng thu hẹp, đó là những nguyên nhân chính tạo nên thực trạng đầy khó khăn của BlackBerry tại thị trường Việt Nam, nơi mà những chiếc điện thoại "dâu đen" dần trở thành cái tên "vang bóng một thời".