Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chăm người bệnh nặng kiếm gần nửa triệu/ngày

Dịch vụ chăm sóc người bệnh nặng ở bệnh viện có mức thu nhập trung bình 300.000 - 400.000 đồng/ngày nhưng không phải ai cũng làm được.

 “Mình phải đi làm, không nghỉ được nên đành thuê người trông cụ. Ở bệnh viện giờ nhiều người làm lắm, không thì liên hệ với điều dưỡng hoặc những người trong viện, họ chỉ cho”, anh Hải, một người nhà bệnh nhân mách.

Chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện là một nghề tự phát, có từ lâu nhưng gần đây phát triển mạnh. Giá một ngày công dao động từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng, tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh nhân. Nếu có "mối" đều đặn, những người làm công việc này cũng có thể bỏ túi gần chục triệu mỗi tháng.

Chị Huyền, quê Sơn La, nhận trông bệnh nhân ở viện Bạch Mai trong khi ở lại Hà Nội chữa bệnh, cho biết giá chăm bệnh thuê cũng vô chừng. Ban đầu mới làm, chưa thạo việc thì tùy tâm người nhà bệnh nhân trả bao nhiều mình sẽ nhận bấy nhiêu. Làm lâu có kinh nghiệm thì những người bệnh nhẹ công chăm sóc sẽ ít; người bệnh nặng, liệt giường, thần kinh có giá cao hơn. Nhưng chăm bệnh nhân khoa thần kinh đôi lúc cũng đắn đo vì khó làm. 

Chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện mang lại cho nhiều người thu nhập 300.000 - 400.000 đồng mỗi ngày.

Cũng theo chị Huyền, xác định đi chăm sóc bệnh nhân là “làm dâu trăm họ”, phải tinh để đoán ý bệnh nhân, đôi lúc cũng phải lắng nghe, chia sẻ với họ thì mới mong làm được lâu dài. “Người bệnh thường khó tính, hồi mới làm cũng nản lắm. Nhiều lúc nghĩ tủi thân, giờ thành quen. Làm thế này, mình cũng có thu nhập đỡ đần được tiền thuốc. Mình khỏe hơn thì đi chăm người yếu hơn”.

Thu nhập cao, nhưng công việc này chỉ có tính thời vụ. Và phần lớn những người nhận chăm sóc bệnh nhân không được đào tạo bài bản. Họ tranh thủ làm trong thời gian rảnh rỗi hoặc chờ chữa bệnh để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. 

Tranh thủ thời gian chờ chữa bệnh, nhiều người nhận chăm sóc người yếu hơn.

Chị Lan, quê Thái Bình, bén duyên nghề này tại bệnh viện Bạch Mai, từ một lần được người bà con giới thiệu đến trông nom bệnh nhân chạy thận. Công việc không thường xuyên, chỉ ngày nào người bệnh đi chạy thận chị mới phải trông. Ngoài tiền công là 250.000 đồng/ngày, chị còn được nuôi ăn theo bữa. Đến nay, chị Lan đã gần 4 năm thâm niên làm nghề chăm sóc bệnh nhân. 

Dù với chính những người làm việc này, 300.000-400.000 đồng/ngày công là mức thu nhập trong mơ, nhưng cũng theo chia sẻ của họ, mức thu nhập này đôi khi không xứng với sự vất vả họ bỏ ra, đây là việc không phải ai cũng làm được. Ngoài vất vả khi phải chăm sóc người xa lạ ốm yếu, nhiều người còn gặp phải thái độ không thiện cảm của gia đình người bệnh. “Chăm bệnh nhân là người nhà mình đã vất vả, huống chi là người lạ. Tính ngày công thì cao, nhưng nhiều nhà họ khó tính, mình là phận làm thuê thì mình phải chịu. Trước đây tôi cũng gặp một cụ, chăm được 5 ngày không chịu được nên xin nghỉ”, chị Lan chia sẻ.

Không chỉ chăm sóc về mặt thể chất, đề làm được công việc này, các chị còn phải học cách chia sẻ, lắng nghe.

Chị kể tiếp, chăm người bệnh tâm thần thì như chăm trẻ con, phải dỗ dành, trò chuyện đủ kiểu, nhiều lần bị bệnh nhân cấu, véo, ấm ức mà không biết kêu ai. “Nghề này vừa khó, lại vừa dễ, quan trọng là chăm chỉ, khéo léo và không nề hà khó khăn mới làm được. Thu nhập cũng tương đối, tuy nhiên lại không thường xuyên. Nói là 400.000 đồng/ngày, nhưng tháng nào nhiều mới được 5 triệu hoặc hơn một chút thôi”, cô Mai - “đồng nghiệp” của chị Lan nói.

Theo nhiều người, nghề chăm sóc thuê này cũng không lâu dài. “Bệnh nhân nhiều, nhưng người đi làm nghề này cũng nhiều, nên việc cũng ngày một hiếm hơn. Tôi mới làm được gần một năm, chưa biết năm sau thế nào?”, bác Ngà, chăm bệnh nhân ở bệnh viện Hữu Nghị, chia sẻ.  

 

Phương Trần

Bạn có thể quan tâm