Văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung vẫn luôn xem người mẹ là ưu tiên số một cho việc chăm con cái.
Bản năng, sự tỉ mỉ, mức độ dịu dàng, cảm giác ấm áp và trên hết là quá trình hoài thai 9 tháng 10 ngày mang đến cho người mẹ trực giác lý tưởng để thấu hiểu đứa con bé bỏng của mình.
Thế nhưng bản năng, với mình mang tính thuận lợi ở điểm xuất phát, còn đi đường dài phải là câu chuyện kỹ năng. Cũng như thông minh là loại trời phú, nhưng xuất chúng thì đã là thành quả lao động miệt mài từ năm này qua năm khác, không ngừng nghỉ.
Thấu hiểu con và dạy con trở thành người tử tế đơn giản là quá trình của những phép thử sai. Tất cả sách vở trên thế giới này dạy về việc chăm con chỉ là một sự tương đối.
Vì cơ bản mỗi đứa trẻ là tinh cầu riêng biệt, một kỹ năng riêng biệt và bối cảnh sống riêng biệt, dựa trên nền tảng vật chất và văn hóa gia đình.
Người mẹ chăm con tốt không - cực tốt - việc này không cần phải chứng minh gì nữa. Người cha chăm con có tốt không - không hề kém cạnh người mẹ. Thế nhưng, vì ở Việt Nam trường hợp này chưa phổ biến nên cần phải chứng minh.
Chăm một đứa con, với mình là quá trình học hỏi liên tục, dựa trên cảm xúc và sự phát triển của đứa trẻ. Thật kỳ lạ khi nói ra điều này, nhưng chính xác là con cái dạy cho chúng ta cách trở thành cha, mẹ đúng nghĩa.
Khi thời gian bên cạnh nhau đủ lâu, nói chuyện với nhau đủ nhiều, chơi trò chơi với nhau với đủ mọi cảm xúc, chúng ta sẽ biết một câu nói của con, một ánh mắt của con, một cái nhíu mày của con hoặc thậm chí đơn giản một tiếng gọi “ba” hay “mẹ” của con với ngữ điệu khác nhau, sẽ có những hàm ý khác nhau.
Chỉ cần đủ tình thương thì việc chăm con không khó. Ảnh: Our Voice Ours Schools. |
Hành trình thấu hiểu đó, nếu chỉ là bản năng thì không đủ, nếu chỉ có dịu dàng và ấm áp cũng không đủ, mà phải cần thêm tình thương.
Chỉ cần đủ tình thương - như cách mọi người vẫn nói, chỉ cần đủ nắng thì hoa sẽ nở - việc chăm con hóa ra không phải quá khó.
Cha mẹ nào cũng thương con nhưng theo cách nào mới là việc đáng nói. Thương con để trẻ biết có một điểm tựa tinh thần. Dù như thế nào, phía sau lưng con luôn có điểm tựa khi gặp sóng gió. Hay thương con mà bất cứ lúc nào trẻ cần, cha mẹ đều ở đó để “phục vụ” những nhu cầu của con.
Có bao nhiêu người cha hay mẹ trên thế giới này, chỉ cần nhìn nét mặt của con khi chúng ngủ, cũng có thể biết được rằng con có ngủ ngoan hay không?
Nếu câu trả lời là có, bạn đã và đang đi trên một hành trình đúng của việc chăm sóc một đứa con, bất kể bạn là cha hay mẹ.