Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cha mẹ trò chuyện thế nào để kích thích sự thông minh của con?

Cuốn sách với những gợi ý đơn giản, chi tiết sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu cách giao tiếp để tạo dựng niềm tin, kích thích sự thông minh của mỗi đứa trẻ.

Chúng ta thường cho rằng những đứa trẻ rất mau quên, chúng cũng chưa cảm thấy gì nên thường không chú trọng đến ngôn ngữ, ứng xử của mình khi nói với con.

Nhưng theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, trẻ con rất nhạy cảm, những câu nói lặp đi lặp lại hàng ngày từ phía cha mẹ ban đầu được trẻ đón nhận vô thức, nhưng dần dà sẽ chuyển sang hữu thức.

Bởi vậy, ngôn ngữ chính là điều rất quan trọng trong quá trình nuôi dạy con.

90% tre thong minh nho cach tro chuyen dung dan cua cha me anh 1
Bìa cuốn sách 90% trẻ thông minh nhờ cách trò chuyện đúng đắn của cha mẹ. 

Đừng dùng ngôn ngữ áp đặt khi giao tiếp với con

90% trẻ thông minh nhờ cách trò chuyện đúng đắn của cha mẹ đề cập đến những suy nghĩ rất thường xuất hiện trong bất kì cuộc trò chuyện nào giữa cha mẹ và con cái trong gia đình.

Những câu cửa miệng của cha mẹ thường hay nói như “Mày đúng là đứa không ra gì”, “Sao anh làm được ngay mà con không làm được”, “Ối giời, vẫn chưa dọn à”; “Con bé/thằng bé này có nói gì thì cũng vậy thôi”; “Con ăn mặc như thế mà không thấy xấu hổ à”; “Suốt ngày bị kiểm điểm thế thì còn mặt mũi nào đến trường nữa”; “Con đàng hoàng lên được không? Đừng có làm bố mẹ xấu hổ nữa”…

Những từ ngữ như vậy, sẽ đẩy đứa trẻ đến những suy nghĩ tiêu cực. Bọn trẻ sẽ tin rằng chúng thực sự khiến cha mẹ thất vọng, chúng chỉ là những đứa trẻ vô dụng, tâm trạng càng khi lớn lên càng chán nản.

Urako Kanamori sau những phân tích và quan sát của mình đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy lời nói có thể có những ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến sự phát triển nhân cách, tâm hồn và trí tuệ của trẻ.

Bà dẫn ra một tình huống, vào buổi sáng, khi vào phòng con, các bà mẹ thường hay càu nhàu: “Lại vứt tất lung tung đấy”, “Mẹ nói bao nhiêu lần mà con vẫn chứng nào tật nấy nhỉ”.

Nếu với trẻ còn nhỏ thì sẽ chưa xuất hiện vấn đề gì, nhưng khi học lên cấp II, cấp III, trẻ sẽ phản ứng lại, hoặc nghiêm trọng hơn, con không biểu lộ phản ứng gì. Trong trường hợp ấy, “trong lòng chúng lại ẩn chứa những xung đột mãnh liệt, chỉ là cảm xúc bị đè nén đến chết mà thôi”.

Hay câu chuyện về một cô gái 27 tuổi, đã không mời mẹ đến dự đám cưới của mình. Cô chia sẻ với tác giả rằng: “Đúng là mẹ cái gì cũng dành cho em. Nhưng từ ngày nhỏ, em chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu của mẹ, mà ngược lại, em còn thấy hận mẹ em”.

90% tre thong minh nho cach tro chuyen dung dan cua cha me anh 2
Những phần minh họa bằng tranh khiến cuốn sách thêm sinh động. 

Tại sao lại dẫn đến chuyện như vậy? Cô kể rằng lần đầu tiên cô bắt đầu cảm thấy ghét bỏ mẹ là khi cô được tặng ngôi nhà búp bê Liccae-chan hồi học mẫu giáo lớn. Ngôi nhà đó cô đã ao ước có từ rất lâu, nên ban đầu rất hạnh phúc khi nhận được quà từ mẹ.

Nhưng mẹ lại chỉ buông một câu: “Đắt hơn bộ của bạn K. đấy”, đã khiến cô bị tổn thương. Sau đó, khi cô vứt linh tinh đồ chơi, hay khiến ngôi nhà bị hỏng một phần thì mẹ nổi điên lên: “Mẹ mua cho con mà sao con làm thế hả?”, và vừa hét, bà vừa ném ngôi nhà cho chúng vỡ tan.

Những lời nói ấy, đã vô tình in dấu vào ký ức tuổi thơ của mỗi đứa trẻ, khiến chúng trở nên dễ tổn thương, buồn chán, và tự ti.

Hãy luôn tin tưởng và đứng về phía con

Làm cách nào kiểm soát lời nói, hành động của mình, để mỗi khi giao tiếp với con, không khiến con tổn thương, để lại dấu ấn sâu sắc về sự tự ti, chán nản, thất bại cho con?

Đó là vấn đề đã được Urako Kanamori dẫn giải một cách tự nhiên, giản dị và hấp dẫn. Tác giả đặt ra mỗi tình huống và đưa ra cách đối thoại theo hướng gợi mở, giúp cha mẹ và con cái có được sự gần gũi, thấu hiểu hơn.

Như trong trường hợp, con không chịu làm bài tập, thay vì nói “con phải”, “nhanh lên”, “không được”, các bậc cha mẹ nên dùng những câu như “thế mình phải làm sao?”.

Tác giả cũng đặt ra một đoạn đối thoại ngắn, khiến cha mẹ có thể thuyết phục được con cái, đồng thời lắng nghe tâm tư của con. Điều quan trọng là phải thật kiên nhẫn với con, và chính bạn cũng nên là động lực cho con.

Đối với trẻ nhỏ để khơi gợi hứng thú cho con, bạn có thể nói: “Dạo này con học thêm được từ nào mới rồi? Con chỉ cho mẹ học cùng với nhé”. Hãy luôn nhớ rằng, một khi có sự đồng cảm, ai cũng sẽ thấy mình được thấu hiểu.

90% tre thong minh nho cach tro chuyen dung dan cua cha me anh 3
Luôn đứng về phía con, tin tưởng con là điều mà cha mẹ luôn cần làm để con trong quá trình nuôi dạy con. 

Luôn biết động viên con đúng lúc, kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của con, với những lời nói như “mẹ hiểu tâm trạng của con”, mẹ nghĩ sẽ hay lắm”, “mẹ thấy lo quá”, … và từ quan trọng nhất “hãy tin ở bản thân”, “mẹ luôn đứng về phía con”.

Câu chuyện về nữ ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga được tác giả dẫn chứng trong trường hợp này. Khi Gaga bị bắt nạt khi có xu hướng khác biệt những đứa trẻ khác, cô đã hỏi mẹ “Con có kỳ quái không?”. 

Khi đó mẹ cô đã trả lời “Con chẳng kỳ quái chút nào”; “Con phải tự thấy không có ai đặc biệt như mình, như vậy con sẽ mạnh mẽ lên từ bên trong”. Chính lời nói của bà đã mang đến sự tự tin cho Gaga.

Bằng rất nhiều những dẫn chứng, lập luận sắc bén, thấu đáo của một người vừa là giáo viên vừa là bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý học lâm sàng, và chuyên viên liệu pháp nghệ thuật, tác giả Urako Kanamori đã viết nên một cuốn sách tuyệt vời dành cho cha mẹ, khiến bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể soi mình, và thấu suốt bản thân trong cách nuôi dạy con.

Tác giả Urako Kanamori sinh năm 1937 tại Tokyo, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục học, Đại học Aoyama Gakuin, bà trở thành giáo viên tiểu học, sau đó mở Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Tâm lý Tokyo vào năm 1978 và Không gian Tự do Sepy năm 1990.

Các tác phẩm đã xuất bản của bà gồm có Những câu cửa miệng mẹ dồn ép con, Người mẹ dạy hư con, Mắng ít khen nhiều, Cách nuôi dạy anh em cho tốt, Cách điều tiết sự bực tức của trẻ….



P.L

Bạn có thể quan tâm