Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Vinacafé Biên Hòa: 'Đừng để bị loại khỏi cuộc đua'

Nếu coi thương trường 2014 như một cuộc đua, thì đường đua Giáp Ngọ chắc chắn sẽ đầy chông gai và chắc cũng không thiếu những cạm bẫy như cuộc đua của Thanh Phúc tại SEA Games 27.

Việc Nguyễn Thị Thanh Phúc, người được mệnh danh là “Nữ hoàng đi bộ” của Việt Nam bị mất huy chương vàng về tay vận động viên nước chủ nhà trong cuộc thi đi bộ 20 km tại kỳ SEA Games lần thứ 27 tổ chức tại Myanmar vừa qua khiến người hâm mộ Việt Nam vô cùng bức xúc. Nhưng sau khi cảm xúc qua đi, tôi nhìn thấy việc Thanh Phúc mất tấm huy chương vàng ở một khía cạnh đáng chú ý khác.

Thanh Phúc tại SEA Game 27.

Quả thật nếu xét về trình độ, thì Thanh Phúc của chúng ta, đương kim Á quân châu Á, đương kim vô địch SEA Games không có đối thủ trong khu vực, đẳng cấp của cô đã ở tầm châu lục, thế giới. Biết không thể cạnh tranh sòng phẳng với vận động viên Việt Nam, phía chủ nhà đã bố trí hai vận động viên kèm Thanh Phúc, một người đi nhanh phía trước nhử Thanh Phúc đuổi theo, còn người thứ hai bám sát Thanh Phúc. Người trước đi như chạy nhằm phá sức Thanh Phúc, nếu cô sốt ruột đuổi theo.

Đoạn nước rút cô ta còn cố tình phạm luật chuyển hẳn sang chạy, nhấc cả hai chân trên mặt đất để về đích. Nếu Thanh Phúc không giữ được bình tĩnh cũng đua theo thì chắc chắn cô sẽ bị trọng tài bắt lỗi loại khỏi đường đua và khi đó Myanmar chễm chệ đứng trên hai bục cao nhất của SEA Games 27 trong môn đi bộ này.

Còn nếu Thanh Phúc không dám chạy theo thì đương nhiên Myanmar sẽ có huy chương vàng và đồng. Biết được điều này, vận động viên của chúng ta đã tỉnh táo chọn cách bám đuổi hợp lý và kiên định không chạy theo để rơi vào cái bẫy chủ nhà Myanmar sắp đặt, chấp nhận về nhì. Buồn nhưng dù sao vẫn còn có huy chương bạc.

Trong công việc, chúng tôi thường trao đổi với các đồng nghiệp trẻ, quan trọng là bạn phải tồn tại, khi cơ hội đến bạn sẽ thành công. Còn nếu bạn bị loại ra khỏi cuộc đua, bạn sẽ chẳng còn một cơ hội nào. Rất nhiều bạn trẻ đã quá nôn nóng và chính điều này làm họ không kiên định trong quá trình phát triển nghề nghiệp. Vì không có được sự tỉnh táo như Thanh Phúc, họ đã bị loại khỏi đường đua sự nghiệp trước khi cơ hội đến.

Biết là vậy, nhưng thực hiện không hề đơn giản chút nào. Công việc nhiều, áp lực lớn luôn khiến chúng ta rất dễ mất định hướng, lạc vào những cái bẫy trên đường đua hay rơi vào tâm trạng chán nản, mệt mỏi và rời cuộc đua sớm.

2013 là năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp. Tăng trưởng kinh tế giảm, sức mua trong dân giảm sút, doanh nghiệp không bán được hàng, không có tiền để duy trì hoạt động, trả lãi ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp đã lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề, mất khả năng chi trả và rời bỏ cuộc chơi.

Kinh doanh như việc tung hứng quả bóng, bóng sẽ có lúc lên cao, lúc xuống thấp, nhưng điều quan trọng nhất là đừng để đánh rơi quả bóng, bóng chạm đất coi như phạm luật và bạn bị loại khỏi cuộc chơi. Doanh nghiệp cũng vậy, chất lượng sản phẩm và khách hàng là thứ chúng ta luôn phải giữ gìn. Để mất khách hàng chúng ta sẽ mất tất cả.

Thống kê cho thấy, năm qua tuy khó khăn, nhưng số tiền các doanh nghiệp đổ vào tiếp thị, khuyến mãi không hề giảm mà thậm chí còn cao hơn trước. Điều này có thể dễ dành nhận thấy khi thời lượng quảng cáo trong các giờ “vàng”, các chương trình “hot” ngày một tăng. Càng khó khăn, doanh nghiệp càng cần phải tìm cách bán được hàng, duy trì được dòng tiền dương để tồn tại và tìm cơ hội phát triển.

Ngoài việc đầu tư xây dựng nhãn hiệu, gia tăng niềm tin nơi khách hàng, điều các doanh nghiệp cần làm trong những lúc khó khăn là cần tiếp tục đầu tư cho công nghệ và cho con người. Càng khó khăn, doanh nghiệp càng cần đội ngũ nhân sự giỏi, trung thành lèo lái con thuyền doanh nghiệp qua cơn bão táp.

Và điều quan trọng nữa là doanh nhân không được nôn nóng chỉ nghĩ chuyện lái tàu ra biển lớn mà quên đi trước khi ra được biển cần phải qua được cửa sông. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã đầu tư quá mức, sa đà vào những lĩnh vực không phải chuyên môn chính và rồi khi thị trường khó khăn, kinh tế khủng hoảng, chính những khoản đầu tư này trở thành gánh nặng làm ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh chính. Nhiều con thuyền doanh nghiệp đã bị chìm ngay trên sông nhà trước khi ra được biển lớn.

Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá năm 2014 nền kinh tế Việt Nam cũng chưa có nhiều thay đổi so với năm 2013. Nếu đánh giá thẳng thắn, 2014 sẽ vẫn rất khó khăn, nền kinh tế chưa hồi phục cộng với việc hội nhập sâu hơn, rộng hơn như tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra các trở ngại không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà. Nhưng nếu nhìn lạc quan hơn, không hẳn chúng ta hoàn toàn không có cơ hội. Vẫn có những doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu thị trường vượt qua các doanh nghiệp FDI, những tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực của mình.

Nếu coi thương trường 2014 như một cuộc đua, thì đường đua Giáp Ngọ chắc chắn sẽ đầy chông gai, chướng ngại vật và chắc cũng không thiếu những cạm bẫy như cuộc đua của Thanh Phúc tại SEA Games 27. Nhưng tất cả chúng ta đều tin tưởng và hy vọng sẽ tận dụng được cơ hội để giành chiến thắng cuối cùng.

Nguyễn Tân Kỷ - Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa

http://www.thesaigontimes.vn/Home/

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn

Bạn có thể quan tâm