Nghiệp thương gia từ làng dệt Phương La
Gần như năm nào cũng vậy, trước Tết, tôi và Giám đốc Lê Minh Hiệu thường có buổi gặp nhau trò chuyện. Loanh quanh thế thái nhân tình, cuối cùng cũng trở về chuyện làm ăn kinh tế, chuyện doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại trên bình diện vĩ mô. Và chưa một lần ông nói về chính cuộc đời doanh nhân, về doanh nghiệp của mình.
Ông Lê Minh Hiệu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Bitexco Nam Long. |
Thoắt cái đã hơn hai mươi năm, đến đúng dịp Bitexco Nam Long bước vào tuổi 25, ông Hiệu mới đi vào chính câu chuyện nghiệp doanh nhân của mình.
“Tôi sinh ra và lớn lên từ làng Mẹo - một làng ở Hưng Hà, Thái Bình từ lâu đời đã lách cách tiếng thoi đưa, xe tơ dệt lụa. Gia đình tôi cũng nổi tiếng với nghề canh cửi. Mẹ là một thợ dệt giỏi, còn bố tôi là cụ Đoàn Chính - một thương gia có tiếng. 15 tuổi, cụ đã bôn ba, đem các mặt hàng tấm của làng lên tàu ra Hải Phòng, đưa hàng vào các cửa hiệu trong thành phố. Ngay từ những ngày đó, cụ đã thấm nhuần tư tưởng: Dùng chữ tín, nêu cao đạo đức trong kinh doanh, nên bạn hàng của cụ ngày một đông và vải vóc của làng Mẹo cũng thêm nức tiếng”, Giám đốc Lê Minh Hiệu bắt đầu câu chuyện.
Giám đốc Hiệu nhớ lại, cứ có tiền góp được từ buôn bán, cụ Đoàn Chính không tích trữ tiền, vàng, mà tậu ruộng, đổi ruộng, chẳng mấy chốc có nhiều mẫu đẳng điền. Giàu có, nhưng cụ có tiếng nhân hậu, thương người, nhất là trong kháng chiến chống Pháp, nhà cụ là cơ sở đi về, nuôi dưỡng bộ đội, thương binh...
Được học hành tử tế, nhưng ông bảo, cái số phận đã chọn nghề kinh doanh, làm doanh nghiệp cho mình. Học xong phổ thông, ông ở nhà làm ruộng một năm, nếm trải tất cả các việc, từ cuốc góc, nhổ mạ, cấy gặt, xe thồ, hàng xay hàng xáo. Tính chi li, cả năm được khoảng 3 tạ thóc.
Có lẽ vì thế mà ông chuyển sang buôn gạo. Sớm mai cùng chiếc xe phượng hoàng cõng khoảng 80 kg gạo ì ạch tới các chợ. Thời kỳ ấy còn “ngăn sông cấm chợ”, mấy lần xe gạo bị quản lý thị trường thu giữ. Ông lại bỏ nghề, vì lòng tự trọng.
Đó là vào những năm 1973, 1974. Số phận đẩy ông đến với nghề buôn bán tơ lụa, vải vóc, nối nghiệp người cha. Buôn có bạn, ông cùng người cháu kết đôi. Lấy thắt lưng, lụa vải, khăn tay của làng Mẹo đem đến các chợ trong vùng. Chiếc xe đạp lại cùng ông đến các chợ lẻ ở Hải Dương, Thái Nguyên...
Giám đốc Hiệu trầm ngâm nhớ lại những tháng ngày gian khổ, ông cùng bạn mở thêm một hướng sản xuất, kinh doanh, một địa bàn mới, mua sợi chỉ về nhuộm, mua giấy về làm lõi, in mác, sản xuất chỉ khâu, sau đó đem vào Nghệ An tiêu thụ. Chập tối, ông cùng bạn buôn từ làng Mẹo, đạp xe sang Nam Định, lên tàu đêm vào Nghệ An.
Kể đến đây, Giám đốc Hiệu như chạm vào những kỷ niệm trên con đường kinh doanh của một chàng thanh niên cách đây đã mấy mươi năm. Trên những con đường dài, mùa hè thì nắng lửa, bụi đỏ dày đường, mưa rừng, muỗi vắt, mùa đông thì giá rét, sắm vai một cán bộ đeo xà cột, ông cùng bạn buôn gò lưng đạp xe, mang hàng chỉ khâu vào những bản làng khu Tây Nghệ An.
Một lần giáp Tết, mưa rét cắt da cắt thịt, ông đã độc hành hàng chục cây số vào xã Châu Lý, sát biên giới Việt Lào. Chủ nhiệm hợp tác xã mua bán người dân tộc mời bữa ăn cơm độn củ đen sì, canh rau má cùng nước mắm cáy cũng đen đúa, không tài nào ăn nổi. Cả đêm rét và đói không tài nào chợp mắt được. Để rồi sáng hôm sau lại ôm trọn hàng trở ra, vì bà con dân tộc không có tiền.
Từ thành công và cả những thất bại ấy, tôi đã quyết định trở lại thị trường Hải Phòng và Hà Nội theo “con đường tơ lụa” mà người cha đã đi. Ông Hiệu tâm sự, những năm tháng lăn lộn trên thương trường mới này, giữa lúc giao thời của cơ chế bao cấp và thị trường, có biết bao chuyện vui buồn mà ông sẽ kể trong một dịp khác. Chỉ biết rằng, hoạt động thương mại lúc này có lúc chẳng khác mấy hoạt động... tình báo.
Đến tổng giám đốc một công ty đa ngành
Mở đầu câu chuyện về Bitexco Nam Long, nhìn lại chặng đường dài, khởi đầu là một tổ hợp nhỏ nay thành một công ty đa ngành, ông Lê Minh Hiệu cho rằng, Bitexco Nam Long, cũng như hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân khác đều có cơ hội phát triển từ luồng gió mới của những chính sách thông thoáng và cởi mở của công cuộc đổi mới đất nước.
Nếu không, làm sao năm 1989, từ làng Mẹo heo hút, ông lại có thể làm cuộc di dời lên thị xã Thái Bình thành lập một tổ hợp dệt nhuộm tư nhân dệt khăn bông loại 4 ô, 8 ô, các loại khăn nhỏ, sau đó, ủy thác qua một công ty nhà nước trên Hà Nội xuất khẩu, mỗi năm đem lại vài trăm ngàn USD.
Trong suốt quá trình đầu tư các nhà máy sợi, dệt của Bitexco Nam Long, một sự kiện mà Giám đốc Lê Minh Hiệu cho rằng, có tính lịch sử đặt nền móng cho sự hợp tác làm ăn, mối tình thủy chung son sắt giữa Bitexco Nam Long với Công ty Houei (thuộc Tập đoàn URSA của Nhật Bản). Đó là vào năm 2005, ông từ hội chợ dệt may tại Mỹ, bay qua Nhật đặt vấn đề hợp tác chiến lược sản xuất mặt hàng khăn tay bông với Houei. Ông Haruaki Nakata, Giám đốc Công ty Houei, đã bắt tay ông cam kết đầu tư nhà máy dệt khăn chất lượng cao, máy khổ rộng, công suất lớn... Và cái bắt tay đó vẫn chặt mãi tới tận bây giờ.
Nó cũng mở ra một Bitexco Nam Long kế thừa tinh hoa làng nghề truyền thống, cộng với đầu tư dây chuyền máy móc, tạo ra sản phẩm khăn chất lượng cao, cung cấp cho thị trường Nhật Bản và các nước khác. Ông Hiệu cũng là chủ nhà máy dệt với dây chuyền dệt khăn khổ lớn, công suất lớn đầu tiên. Một sức mạnh, góp phần nâng tổng doanh thu mặt hàng khăn xuất khẩu hàng năm liên tục tăng trưởng, như năm 2013 lên 20 triệu USD. Đó là chưa kể doanh thu nội địa 200 tỷ đồng.
Tôi hiểu bản lĩnh và tính của Giám đốc Hiệu, nên có những thời điểm ông và Công ty phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng ông đã âm thầm suy nghĩ, hành động và vượt lên bằng chính trụ cột nghề dệt, sợi của quê hương.
“Và từ trụ cột ấy, Bitexco Nam Long mở rộng những ngành nghề mới”, Giám đốc Lê Minh Hiệu chia sẻ. Đơn cử như đầu tư nhà máy gỗ. Đây là nhà máy trẻ, nhưng mặt hàng cánh cửa gỗ chất lượng quốc tế đã được xuất sang Mỹ, Brazil, các nước châu Âu, trong đó tự hào đã góp phần hoàn chỉnh và làm đẹp công trình 4 tòa nhà của Bộ Công an trên đường Phạm Văn Đồng và tòa nhà Chính phủ Mỹ.
“Thêm nữa, chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực nước sạch tại Hưng Yên và Thái Bình. Trước mắt, hiệu quả chưa cao, nhưng tôi tin tưởng, sẽ phát triển bền vững, vì nó mang lại sức khỏe cho cộng đồng dân cư, phục vụ đắc lực cho sản xuất của các nhà máy tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư vào cao ốc văn phòng tại TP.HCM, đầu tư vào cảng Cái Mép tại Bà Rịa - Vũng Tàu”.
“Tất cả các hướng đều về tâm điểm, làm lên một Bitexco Nam Long lặng lẽ, nhưng quyết liệt và thành công vượt qua biết bao đổi thay, biến cố, thăng trầm suốt hành trình, liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, ngành nghề và tăng trưởng. Như năm 2012, Công ty được vinh danh xếp hạng 57/500 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất của Fast 500”, Giám đốc Lê Minh Hiệu vui vẻ cho biết.
Và tôi còn được biết, năm 2010, ông tiếp tục thành lập Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Minh Long với việc xây dựng nhà máy kéo sợi, dệt vải, dệt khăn giai đoạn 1, có công suất 2 triệu mét vải và 2.400 tấn sợi/tháng.
Về hướng đi sắp tới, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Lê Minh Hiệu cho biết: “Vẫn đi sâu vào các sản phẩm khăn, sợi, vải với tỷ trọng 80% trên tổng doanh thu, phấn đấu năm 2014 sẽ đạt 30 triệu USD xuất khẩu và gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng. Đón năm mới 2014, Công ty sẽ đầu tư dự án lớn nhà máy 3 vạn cọc sợi tại Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Minh Long.
Trò chuyện với ông Lê Minh Hiệu: Quan điểm của ông về: Ngành dệt may Việt Nam: Vẫn yếu và mỏng nguồn nhân lực, yếu cả tiềm lực tài chính. Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến khu vực kinh tế tư nhân và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp: Tốt nhất làm ở lĩnh vực có khả năng, thế mạnh, kinh nghiệm, thời gian, thị trường. Cần đối diện các vấn đề tồn tại thách thức; có tầm nhìn sâu rộng, tích hợp nhiều yếu tố, khả năng để làm mới mình. Và cốt lõi là giữ uy tín - chất lượng. Sản phẩm: Nguyên liệu đầu vào tốt, công nghệ hiện đại, kiểu dáng sản phẩm đẹp và giá cạnh tranh tốt nhất. Thương hiệu: Phát triển thương hiệu trong lòng khách hàng. Khách hàng: Lắng nghe, suy nghĩ và hành động tích cực thực hiện mong muốn của khách hàng. Đội ngũ: Ghi nhận đóng góp, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, phát triển quan hệ trên nguyên tắc cùng có lợi. Phương pháp hành động: Tôi thích tư duy của người Nhật: Tập trung làm việc có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, với sản phẩm của mình và tự xấu hổ khi có lỗi với cộng đồng. Ước muốn: Nếu trẻ lại được 10 tuổi, thì sẽ làm được nhiều hơn thế. Dự định tương lai: Viết một cuốn truyện cuộc đời doanh nhân dày 500 trang. |
|