Theo kinh nghiệm của kinh tế thế giới, chu kỳ suy thoái thường kéo dài trung bình khoảng 5 năm. Do đó, nếu chúng ta là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và đã hội nhập, nhiều chuyên gia sẽ kết luận cuối 2014, chúng ta sẽ thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm.
Nhưng Việt Nam luôn là một ngoại lệ với nhiều nghịch lý. Nền kinh tế này thực ra là một hỗn hợp cùa những mảnh sáng, tối, không rõ ràng và chịu nhiều ảnh hưởng của các nhóm lợi ích nhỏ nhưng đầy quyền lực. Do đó, các dự đoán thường dựa trên nhiều giả thuyết và mặc định, tuỳ cảm quan cá nhân và theo đơn đặt hàng của vài nhóm lợi ích. Tuy nhiên, dù có cá tính khá đặc thù, chúng ta vẫn có thể đoán bắt xu hướng chung về một hướng đi dựa trên các sự kiện và hành xử đã xẩy ra trong những năm vừa qua.
Điểm nổi bật của nền kinh tế Việt trong 2 năm vừa qua là sự quay lại của các nhà đầu tư FDI. |
4 sự kiện theo tôi có thể là móc ngoặc của một chu kỳ mới trong 5 năm sắp đến. Khó có thể nói một hai sự kiện có thể là lực đẩy chính, vì nhiều tương quan không cân bằng lắm trong bối cảnh thay đổi thường trực của thế giới ngoài kia cũng như tác động của các phản ứng xã hội và chính trị trong nước.
Mỗi người chúng ta đều có thể rút ra kết luận khác nhau từ 4 sự kiện gốc này và đều có thể đúng hay sai. Theo phong tục của ngày Tết cổ truyến, hãy bắt đầu bằng “good news” (tin tốt).
1. Sự phát triển của khu vực FDI (đầu tư nước ngoài):
Điểm nổi bật của nền kinh tế Việt trong 2 năm vừa qua là sự quay lại của các nhà đầu tư FDI.
Nhiều lý do khách quan: (a) gia tăng phí tổn sản xuất tại Trung Quốc (b) thiếu kiên nhẫn với những thị trường mới mở ở ASEAN như Myanmar, Laos, Kampuchea (c) chánh sách khuyến mãi khá tích cực của Chính phủ Việt để mong một cú hích mới chống suy thoái và (d) thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng (e) suy thoái làm giảm giá bán các doanh nghiệp Việt trong nhiều phi vụ M&A và (f) chính sách đón đầu TPP của Hàn Quốc, Đài Loan và ngay cả Trung Quốc.
Với một đầu tư lớn vào các nhà máy lắp ráp điện tử, Tập đoàn Samsung đã chiếm hơn 20 tỷ USD về xuất khẩu, tương đương với hơn 14% của GDP nước nhà. Nhiều FDI nhỏ hơn đến từ các nước châu Á bắt đầu vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội và kết quả của các hoạt động hiện tại sẽ thể hiện trong tăng trưởng của khu vực FDI trong nhiều năm tới.
Đầu tư FDI sẽ mang lại các lợi ích thiết thực như tạo việc làm cho nhân công, nâng cao chất lượng quản lý của doanh nhân Việt nhờ cạnh tranh, và có thể giúp nguồn cầu của chứng khoán và bất động sản phần nào. Ở bình diện khác, sự gia tăng FDI sẽ làm suy yếu các doanh nghiệp Việt (tư nhân và nhà nước) và tạo nên một lực chủ đạo mới nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền và các nhóm lợi ích hiện tại.
Vốn có lòng yêu nước cao độ, người dân Việt Nam có thể bất mãn sâu xa với sự lệ thuộc mới vào “giới tư bản nước ngoài”. Mọi phản ứng chính trị bất lợi sẽ khiến dòng tiền FDI đổi chiều với hệ quả là một suy thoái mới.
2. Con thiên nga đen TPP (Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương)
Đây là một sự kiện khá bất ngờ cho các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam. Mục tiêu của Mỹ khi đề xướng TPP là để ngăn chặn phần nào sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc tại Đông Á.
Mỹ gần như không có nhiều lợi ích về việc mở cửa thị trường của mình cho Việt Nam hay ngược lại, vì suốt 8 năm từ WTO, Việt Nam luôn hưởng lợi xuất siêu từ giao thương với Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược chánh trị của Mỹ tại Đông Á muốn lôi kéo Việt Nam ra khỏi tầm ảnh hưởng chặt chẽ của Trung Quốc, ít nhất là muốn Việt Nam trung lập trong mọi tranh chấp Mỹ-Hoa.
TPP là một phần quà kinh tế để mua chuộc đồng minh chiến lược này. Do đó, vấn đề nhân quyền Việt dù bị Quốc Hội Mỹ chống đối cũng không cản được sự gia nhập của Việt Nam vào TPP. Nhưng phân tích kỹ hơn, lợi ích từ hàng rào thuế quan cho các ngành may mặc, giầy dép, đồ gỗ…có thể bị trung hoà bởi những thiệt hại kinh tế cho Việt Nam vì sự cạnh tranh của nông sản ngoại nhập, cũng như việc siết chặt bản quyền trí tuệ trong ngành IT.
Một điểm tích cực khác của TPP là áp lực của các công đoàn Hoa Kỳ về việc lập hội hay đình công, cũng như đòi hỏi về sự cải tổ các doanh nghiệp nhà nước và nhu cầu về sự minh bạch của nhiều định chế. Tuy nhiên, cái nhìn tổng thể cho thấy kinh tế Việt Nam có thể không vượt qua được những thách thức để thoát khỏi suy thoái hiện tại. Hệ quả sẽ là một nền kinh tế trì trệ kéo dài hàng thập kỷ, và theo thời gian, Việt Nam sẽ càng mất dần lợi thế cạnh tranh, nhất là cho những doanh nghiệp nội.
Hai yếu tố tiêu cực chính có triển vọng làm trật đường ray con tàu kinh tế Việt Nam.
3. Sự can thiệp thường xuyên của Chính phủ
Hiến pháp mới của Việt Nam xác định thêm một lần nữa quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam “nắm quyền chủ đạo” kinh tế qua sự tồn tại và kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, mọi biện pháp hành chính, tài chính hay ngân sách trong tương lai đều sẽ gia tăng quyền lực của chánh phủ. Viễn cảnh một Việt Nam với nền kinh tế thị trường tự do, liên thông với kinh tế toàn cầu là một ảo tưởng.
Theo lịch sử kinh tế hiện đại, không một quốc gia nào cô lập trong một chính sách chỉ huy từ Trung ương hay chánh phủ có thể cất cánh và cạnh tranh hữu hiệu với sự năng động của các nền kinh tế thị trường khác. Mọi động lực để sáng tạo, cải tổ hay tranh đua của lãnh vực tư nhân lần hồi sẽ bị thui chột bởi những thành công phi lý toàn dựa trên quan hệ.
Khi các doanh nghiệp nội địa yếu kém, các công ty FDI sẽ nắm quyền kiểm soát các vận hành của kinh tế Việt Nam. Họ sẽ có những mục tiêu và lợi ích riêng và không để chính phủ can thiệp sâu xa vào nội bộ của họ.
Nếu Chính phủ dùng quyền lực để “force the issue” (làm theo ý mình) thì khối FDI sẽ bắt đầu rút khỏi Việt Nam, đẩy nền kinh tế lún sâu thêm vào suy thoái.
4. Nợ xấu và sự ổn định của hệ thống ngân hàng
Trong những thách thức cốt lõi lớn nhất, số nợ xấu từ các ngân hàng cũng như doanh nghiệp nhà nước là một bài toán gần như không giải pháp.
Ở một khía cạnh, hành động cứng rắn quá sẽ gây sụp đổ của một số ngân hàng nhỏ với hiệu ứng "domino" đe doạ; ở một thái cực khác, in thêm tiền để trả nợ cho người gửi tiền ngân hàng sẽ gây nạn lạm phát phi mã. Ở giữa là những biện pháp nửa vời, không giải quyết vấn đề mà chỉ “dấu bụi dưới thảm” đợi ngày sau hay thế hệ lãnh đạo sau lo tìm giải pháp theo tình hình lúc đó. Mà thời gian để che đậy càng ngày càng gần chốt đáo hạn. Mỹ có từ ngữ tài chính “day of reckoning” (ngày phải kết toán) để mô tả tình huống này.
Quyết định của Chính phủ về vấn đề này cũng sẽ cho thấy định hướng nào cho kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới?
Mùa xuân luôn mang theo hy vọng mới và những giấc mơ đẹp cho tương lai. Nhưng những bộ quần áo Tết rồi cũng phải xếp lại, và các ngày nghỉ vui vẻ bao giờ cũng chóng qua. Khi quay lại với công việc thường nhật, chúng ta sẽ phải làm gì?
Câu trả lời không đến từ những người đích thực “làm” kinh tế, mà từ một tháp ngà nào đó của giới lãnh đạo. Phải chăng đó là bi kịch của kinh tế Việt Nam?