CEO U50 vượt bão qua năm Rồng
Khó khăn năm qua lại là cơ hội để các CEO U50 thể hiện kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc.
"Nhà lãnh đạo sử dụng vốn cũng giống như việc xử lý và điều phối nguồn thu nhập của gia đình”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco). |
“Lãnh lương về phải biết tính toán sao cho vuông tròn, tránh thâm hụt quá lớn nhưng việc gì đáng và có tiềm năng thì cũng phải chi”, ông Dương giải thích thêm. Điều hành Thaco trong năm khó khăn này, ông cho biết trong năm vừa qua đã có những lúc phải vay nóng với lãi suất cao, lại phải tính toán để kinh doanh vẫn có lãi.
Thaco leo dốc hiểm
Ngoài những chiêu quản trị thông thường của các ông chủ Việt như cắt giảm tối đa các khoản chi phí không cần thiết, nhanh chóng thu hồi công nợ, cải tiến tối đa năng suất làm việc của nhân viên, ông Dương đã đặt trọng tâm vào hiệu quả sử dụng vốn ở mức cao nhất.
Nhà lãnh đạo này cho rằng, thiếu vốn kinh doanh là một trong những khó khăn điển hình của hầu hết các doanh nghiệp thời khủng hoảng. Trong trường hợp này, thường lãnh đạo cao nhất phải có bản lĩnh dám làm xiếc với tài chính, nhưng cái khó là kỹ năng đo lường để phần thắng phải hơn phần thua.
Năm 2008, nhằm đẩy mạnh vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh địa ốc và phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, ông Dương lần đầu tiên đã quyết định bán 20% cổ phần tương đương 77 triệu USD cho nhà đầu tư nước ngoài là Jardine Cycle & Carriage (JC&C). Ngay sau quyết định này, trong năm 2009, lợi nhuận sau thuế của Thaco đã đạt mức kỷ lục là 723 tỉ đồng.
“Việc để người ngoài vào cùng tham gia kinh doanh đôi khi là một quyết định mạo hiểm. Vì vậy, tôi phải luôn trong tư thế chủ động, chứ bị động là chết, bán cổ phần trong lúc khó khăn thì càng chết nhanh hơn. Tôi chỉ bán khi giá trị thị trường của Công ty đang ở đỉnh”, ông Dương Thaco cho biết.
Ngành ôtô Việt Nam năm 2011 lần đầu tiên chứng kiến sự lên ngôi của một doanh nghiệp trong nước, Công ty Thaco với tổng số xe bán ra vượt cả đại gia Toyota Việt Nam từng ngự ở vị trí quán quân trong nhiều năm. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, năm qua, Thaco đành phải trả lại vị trí số 1 cho Toyota Việt Nam (sản lượng của Toyota Việt Nam giảm 16%, Thaco giảm 25% so với năm 2011).
Trước chuyển biến tiêu cực của thị trường, ông Dương quyết định trình Hội đồng Quản trị kế hoạch giảm doanh thu thuần gần 17% và lợi nhuận sau thuế tới 68% trong năm 2012. Đây là mức sụt giảm doanh thu và lợi nhuận lớn nhất của Thaco trong 15 năm tồn tại.
Ngay sau thời điểm đề nghị giảm mức doanh thu và lợi nhuận khá lớn trong năm 2012, ông Dương lập tức đưa ra phương án phát hành thêm 75 triệu cổ phần với tỉ lệ chia cổ tức 10:3 (cổ đông sở hữu 10 cổ phần sẽ nhận 3 cổ phần mới). Dự kiến sau đợt phát hành này, tổng vốn điều lệ của Công ty dự kiến sẽ đạt 3.250 tỉ đồng từ mức 2.500 tỉ đồng hiện nay.
Nhóm giải pháp của gỗ trường thành
Nút thắt dòng tiền cũng là một trong những vấn đề lớn mà Công ty Gỗ Trường Thành (TTF) phải đối mặt.
Từ năm 2011 đến nay, do chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán chưa thể tăng theo cùng gánh nặng chi phí tài chính khiến TTF gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, TTF phải chi hơn 230 tỉ đồng cho lãi vay ngân hàng, gấp 23 lần mức lợi nhuận thu được. Lượng tồn kho nguyên liệu tăng trong khi các công ty trồng rừng của TTF chưa tạo ra nguồn thu càng làm cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm liên tục.
Trước những khó khăn trên, ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc TTF, đã đề xuất với Hội đồng Quản trị nhóm giải pháp cấp bách. Đó là thanh lý hàng tồn kho, phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược để tăng vốn cùng việc đẩy mạnh khai thác các diện tích trồng rừng.
Ông Thành cho biết, kế hoạch huy động vốn đã gần hoàn tất vì Công ty đã nhận được giấy phép phát hành và hợp đồng bảo lãnh với giá 5.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, TTF sẽ có được khoảng 150 tỉ đồng từ đợt phát hành này. TTF cũng đang xúc tiến việc ký hợp đồng bán 30% cổ phần cho đối tác chiến lược mới. “Đây là một tổ chức tài chính trong nước với cam kết sẽ giúp tái cấu trúc Công ty và hỗ trợ lâu dài về mặt tài chính”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng tiết lộ, Công ty đang thảo luận với 4 nhà đầu tư nước ngoài về thỏa thuận phát hành thêm trái phiếu trị giá 150 tỉ đồng.
Ngoài ra, TTF cũng đang chấp nhận bán lỗ nguyên liệu gỗ và hàng tồn kho ở mức trung bình từ 20-30% giá vốn. “Đến nay, TTF đã giảm được 70 tỉ đồng trong kế hoạch giảm 200 tỉ đồng hàng tồn kho. Trong quý I và quý II/2013, chúng tôi sẽ đẩy mạnh bán hàng tồn kho để thu về khoảng 140 tỉ đồng”, ông Thành cho biết.
Với chiến lược tái cấu trúc tài chính của Công ty, vấn đề nút thắt dòng tiền của TTF đang dần được cải thiện. Hiện TTF đã có nhiều đơn hàng được ký đến quý III/2014, chủ yếu là sản xuất đồ gỗ cho thị trường nội địa trị giá 400 tỉ đồng và các đơn hàng xuất khẩu trị giá 60 triệu USD.
Trẻ bài bản và sáng tạo
Cách giải quyết dòng tiền nói trong hoàn cảnh như trên cho thấy phần nào kỹ năng lãnh đạo của nhóm CEO thuộc U50 trở lên. Giai đoạn khó khăn hiện nay chính là dịp để những CEO này thể hiện bản lĩnh và kinh nghiệm của mình.
“Ưu điểm lớn nhất của các CEO nhóm U50 là kinh nghiệm dày dạn, có mối quan hệ rộng thậm chí với các quan chức và tập đoàn Nhà nước để tạo lợi thế cạnh tranh trong làm ăn”, ông Dương Hải, Phó Giám đốc Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam nhận xét.
Còn với các CEO trẻ tuổi, đây cũng là giai đoạn quý giá để trui rèn thêm kỹ năng lãnh đạo và bản lĩnh cho họ.
“Đây là một cơ may hiếm có để tôi có thể tích lũy kinh nghiệm và trau dồi bản lĩnh. Những thứ này khó có được trong thời kỳ sóng yên biển lặng”, ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết.
“Muốn trở thành phi công giỏi phải có ít nhất 5.000 giờ bay, tương đương 5 năm. Một CEO tương lai cũng phải tích lũy kinh nghiệm trong thời gian tối thiểu như vậy”, ông Hải nói.
Theo Nhịp cầu đầu tư