Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Starbucks: 'Giá thuê mặt bằng ở Việt Nam vẫn rất cao'

Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam cho rằng giá thuê mặt bằng hiện nay có thể hợp lý hơn trước dịch, nhưng không hề rẻ, thậm chí một số nơi còn đắt hơn năm 2019.

Ngày 5 và 7/1 sắp tới, Starbucks Việt Nam sẽ khai trương 2 chi nhánh mới ở TP.HCM và Bình Dương. Theo đó, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, thương hiệu mở mới 6 cửa hàng, gồm 3 điểm ở Hà Nội, 2 điểm ở TP.HCM và 1 điểm ở Bình Dương. Như vậy, hiện thương hiệu sở hữu 77 cửa hàng ở Việt Nam.

Đây là con số lớn đối với một chuỗi cà phê ngoại, tuy nhiên thấp hơn các chuỗi nội địa đang cùng cạnh tranh thị phần như Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên Legend...

Theo bà Patricia Marques, để thực hiện chiến lược gia tăng độ phủ trong giai đoạn hiện nay, việc tìm kiếm mặt bằng là một trong những khó khăn lớn nhất, do không thể thương lượng giá thuê.

"Dọc con đường Đồng Khởi (TP.HCM) đang có rất nhiều mặt bằng trống, chi chít thông báo sang nhượng, cho thuê, nhưng khi chúng tôi gọi đến thì họ báo mức giá thuê còn đắt hơn năm 2019. Rõ ràng dịch bệnh không phải cơ hội để trả giá mặt bằng ở Việt Nam, giá thuê có thể hợp lý hơn nhưng không rẻ", bà Patricia Marques chia sẻ.

Starbucks anh 1

Cửa hàng ở Aeon Mall Bình Tân khai trương ngày 5/1. Ảnh: Starbucks.

So sánh với các nước trong khu vực, bà cho biết ở Singapore, giá thuê mặt bằng giảm 30% ngay từ khi đại dịch xuất hiện. Tại Thái Lan, Hong Kong, Campuchia.., mức giảm cũng lên đến 10%.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, đa số chủ nhà chỉ không tăng giá chứ không chấp nhận giảm, có trường hợp Starbucks gửi liên tục 8 lá thư mới được giảm chưa đầy 20% giá thuê.

"Mặt bằng ở khu vực trung tâm vốn dĩ đã có giá rất cao, nay có giảm thì cũng chỉ giảm 10%, nên vẫn ở mức rất cao. Điều này không phù hợp với chiến lược của Starbucks. Chúng tôi chỉ thuê nếu ở mức giá chấp nhận được, chứ không bao giờ thuê một mặt bằng chỉ vì nó nằm ở góc đường", bà nói thêm.

Về phía Starbucks, chia sẻ về chiến lược sắp tới, bà Patricia Marques khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Dù vậy, doanh nghiệp định hướng đi theo sự phát triển của các khu dân cư. Đơn cử như những cửa hàng mới khai trương vừa qua đều đạt mức doanh thu tốt nhờ đặt tại những khu dân cư mới, chưa có nhiều dịch vụ xung quanh.

Còn ở khu vực trung tâm, theo đánh giá của bà, những năm gần đây lượng khách hàng mua mang đi khá lớn, đặc biệt ở chi nhánh Hàn Thuyên (quận 1, TP.HCM) của thương hiệu, hầu như tất cả khách hàng đến trong khung giờ từ 9-10h đều mua mang đi.

"Nếu đặt cửa hàng tại sảnh một tòa nhà lớn, nơi đó phải thật nhỏ, gọn để khách hàng có thể ghé mua và đi làm liền, hoặc đang làm việc mà thèm cà phê cũng có thể xuống mua mang đi ngay. Đây là mô hình kinh doanh phù hợp xu hướng hơn, giúp chúng tôi hướng đến đông đảo khách hàng", bà chia sẻ.

Các chuỗi cà phê đua nhau mở chi nhánh mới

Dù đợt bùng phát dịch lần 3 chưa hoàn toàn kết thúc, nhiều chuỗi cà phê vẫn mở rộng quy mô. Sau một năm trầm lắng, đây là lúc họ thực hiện các kế hoạch còn dang dở của năm 2020.

Xếp hàng mua cà phê ở TP.HCM

Sau nhiều ngày giãn cách, người dân TP.HCM phấn khởi ra đường đi dạo, mua cà phê, trà sữa... Các chuỗi kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng đồng loạt mở cửa trở lại.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm