Xây dựng Asanzo từ con số không trở thành một tập đoàn điện tử lớn mạnh, chủ tịch Phạm Văn Tam là hình mẫu của nhiều nhà khởi nghiệp hiện nay. Bên cạnh những chia sẻ thẳng thắn và chân thành cho giới startup, ông còn hướng đến vai trò một nhà đầu tư chiến lược. Năm 2017, ông bỏ ra 5 triệu USD để thành lập một quỹ đầu tư dành cho các startup phù hợp.
Khác với các nhà đầu tư khác, nhà sáng lập Asanzo muốn tham gia sâu vào dự án, đồng hành và định hướng nhằm giúp startup phát triển đúng hướng và bền vững, qua đó có thể đi cùng với tập đoàn trong những mục tiêu phát triển ở tương lai.
Cụ thể trong 5 năm tới, Asanzo sẽ trở thành một tập đoàn điện tử và công nghệ hàng đầu Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm công nghệ của người Việt ra châu Á và thế giới. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng hướng tới các hợp đồng sản xuất EOM (sản xuất theo thiết kế gốc của các thương hiệu lớn trên thế giới).
Chủ tịch Phạm Văn Tam đang tìm kiếm những startup tương hợp với hệ sinh thái của Asanzo. |
Hiện với quy mô 7 nhà máy và 2.000 công nhân, Asanzo chưa đủ lực để đạt được các mục tiêu kể trên. Tập đoàn cần thêm những đồng minh trong hành trình này. Những startup có liên quan đến các lĩnh vực của tập đoàn như điện tử, công nghiệp phụ trợ, điện thoại thông minh là lựa chọn phù hợp.
Ông Tam khẳng định Asanzo sẽ hỗ trợ về nguồn vốn và nhà xưởng, công nghệ cho dự án trong thời gian đầu. Bằng kinh nghiệm 20 trong lĩnh vực điện tử, ông Tam cũng giúp nhà sáng lập tổ chức và vận hành doanh nghiệp phù hợp với quy mô và sản xuất ở từng giai đoạn.
Hệ thống phân phối và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm hoặc dịch vụ cũng hưởng lợi từ hệ thống rộng lớn trải khắp cả nước của Asanzo. Điều này giúp rút ngắn thời gian phát triển và giảm thiểu rủi ro cho dự án khởi nghiệp được chọn.
Kinh nghiệm của ông Tam cùng Asanzo sẽ giúp startup phát triển nhanh chóng và bền vững. |
Sau một năm thành lập, quỹ đầu tư của ông Tam nhận được nhiều hồ sơ gửi về. Ông cũng trực tiếp gặp mặt không ít nhà đồng sáng lập startup nhưng vẫn chưa có startup nào thuyết phục được vị doanh nhân này rót vốn. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến việc này đến từ 2 yếu tố là sự thiếu tương hợp của dự án với định hướng của Asanzo và những thiếu sót của các nhà sáng lập khi tìm đến quỹ đầu tư.
“Nhiều bạn chỉ đến gặp tôi một lần, nói chuyện qua loa và khi chưa thể thuyết phục được thì bỏ cuộc, không quay lại ở những lần sau. Có bạn đến lúc tôi đang bận và rồi không thể kiên nhẫn chờ đợi tôi. Kiên trì là yếu tố tối quan trọng trong kinh doanh. Các bạn vẫn chưa rèn luyện được thì rất khó để thuyết phục chúng tôi rót vốn”, ông Tam chia sẻ.
Nhằm rút kinh nghiệm cho những dự án tiếp theo, chủ tịch Phạm Văn Tam khuyên các nhà khởi nghiệp trẻ trước khi tìm đến quỹ đầu tư của ông nên có sự chuẩn bị kỹ càng cả về kiến thức, kỹ năng và sự kiên nhẫn. Các startup cần phải nắm rõ bản thân muốn gì, có gì và cần gì, quan trọng hơn, phải thể hiện được đam mê, khát vọng mãnh liệt và niềm tin với dự án của mình.
Sự kiên nhẫn và tâm huyết sẽ thuyết phục được chủ tịch Asanzo rót vốn. |
“Nhà đầu tư nào cũng có khẩu vị và sự nhạy cảm riêng, bạn đừng nghĩ có thể dễ dàng đánh lừa họ bằng những lý thuyết viển vông. Những người làm ăn lâu năm và thành đạt không chấp nhận mất tiền và thời gian vào những dự án không có tiềm năng. Điều chúng tôi cần là trái tim, trí tuệ và ý chí hết lòng của nhà sáng lập đặt vào trong dự án khởi nghiệp của mình”, chủ tịch Phạm Văn Tam đúc kết.