“Cầm Bphone không giống điện thoại khác vì nó chứa đựng khát vọng và niềm tin của người Việt. Đó là lý do chúng tôi có fans” - ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Bkav nói.
Hẹn gặp Zing tại phòng làm việc riêng sau giờ nghỉ trưa, người đứng đầu Bkav xuất hiện với vẻ ngoài giản dị, gần gũi và tràn đầy năng lượng. Suốt buổi trò chuyện, ông liên tục nhắc về Bphone fans như một cộng đồng tinh hoa sẽ cùng Bkav phá bỏ định kiến người Việt không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với các quốc gia lớn mạnh.
“Fans của Bphone thật sự là những người chung chí hướng với Bkav: Muốn thúc đẩy Việt Nam trở nên hùng cường nhờ công nghệ”, ông Nguyễn Tử Quảng nhấn mạnh.
- Giá trị cốt lõi nào giúp Bkav có lượng fans đông đảo và trung thành thưa ông?
- Điểm đặc thù nhất của Bkav là sự khát vọng. Cụ thể hơn, đó là khát vọng trở thành người tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất smartphone ở Việt Nam. Trên thế giới, những nhà sản xuất smartphone tên tuổi đều là biểu tượng công nghệ của các quốc gia. Để làm điều đó thì đầu tư cho R&D là cốt lõi.
Bkav không tham vọng trở thành biểu tượng, chúng tôi chỉ đơn giản là mong muốn Việt Nam sản xuất ra những sản phẩm công nghệ có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với các tập đoàn công nghệ trên thế giới. Vì tất cả những điều đó, chúng tôi có khách hàng trung thành (fans).
- Bphone fans club trên Facebook đã có gần 60.000 thành viên. Ý tưởng thành lập cộng đồng này đến từ đâu? Bkav có học hỏi từ những thương hiệu nước ngoài không?
- Đây là cách làm truyền thống của Bkav. Từ hơn 10 năm trước, khoảng 2008, chúng tôi đã lập ra diễn đàn Bkav trong lĩnh vực an ninh mạng với tên gọi Bkav forum. Ngày ấy, chúng tôi cũng gặp định kiến như bây giờ, nhưng bên cạnh đó còn có những người cùng chí hướng, hiểu điều mình làm, tạo nên tiếng nói chung.
Kết quả là đến hôm nay, các thương hiệu nước ngoài không trụ được ở thị trường Việt Nam còn phần mềm diệt virus của Bkav gần như chiếm thị phần tuyệt đối. Cộng đồng Bphone fans cũng như vậy, chúng tôi đang kỳ vọng đạt kết quả tương tự trong thời gian tới.
- Theo ông, fans công nghệ có gì giống và khác người hâm mộ ở lĩnh vực khác như âm nhạc, nghệ thuật…?
- Câu hỏi này rất hay. Theo tôi, fans ở lĩnh vực gì cũng đều có điểm chung là sự đam mê, hiểu biết về những thứ mình hâm mộ. Ở đây có 2 khía cạnh: Một là thần tượng và hai là sản phẩm của thần tượng.
Trong lĩnh vực âm nhạc hay nghệ thuật, fans thiên về hâm mộ thần tượng và một phần là sản phẩm của nghệ sĩ ấy. Lĩnh vực công nghệ thì ngược lại, khía cạnh sản phẩm được đề cao hơn, còn nhà sản xuất chỉ là một phần. Đó là sự khác biệt.
- Không phải hãng điện thoại nào cũng có fans, vậy Bphone sở hữu những yếu tố gì để có lượng người hâm mộ như hiện tại?
- Bphone không đơn thuần là một thiết bị nghe gọi hàng ngày, nó còn là cảm xúc. Cầm Bphone không giống điện thoại khác, bởi nó chứa đựng khát vọng và niềm tin của người dùng về một Việt Nam hùng cường, phát triển nhờ nền tảng công nghệ.
- Thời điểm thành lập cộng đồng Bphone fans, nhiều người cho rằng đây là cách chơi trội của Bkav để gây chú ý, ông nghĩ sao?
- Đây cũng là một định kiến. Đất nước mình còn nhiều định kiến, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Rất nhiều người không tin tưởng người Việt có thể làm ra những công nghệ tiên tiến như các quốc gia khác, không dám khát vọng, thậm chí nghi ngờ.
Bài toán đặt ra là phải phá vỡ định kiến ấy. Quá trình thay đổi định kiến này chúng tôi ví như một cuộc cách mạng và muốn thành công cần sử dụng phương pháp “dân vận”, tức là phải thu hút được những người cùng chí hướng, hiểu ý nghĩa của điều họ đang làm, từ đó lan tỏa giá trị ấy ra cộng đồng.
Vai trò của Bphone fans chính là phá bỏ định kiến đó. Nếu ở trong cộng đồng này, bạn sẽ thấy fans của Bphone thật sự là những người chung chí hướng với Bkav.
- Nhiều ý kiến cho rằng Bphone fans vĩ cuồng sản phẩm. Sự vĩ cuồng đó đang ảnh hưởng đến hình ảnh Bphone trong mắt các cộng đồng khác. Cá nhân ông nghĩ sao về điều này?
- Phải tin tưởng mới trở thành người hâm mộ. Fans không đơn thuần là bỏ tiền mua sản phẩm, mà họ còn có cùng khát vọng với nhà sản xuất, có sự hiểu biết sâu sắc sản phẩm. Vì vậy họ có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng đang theo đuổi.
Dĩ nhiên cũng có những người hâm mộ quá khích, bất chấp bảo vệ thần tượng bằng mọi giá, nhưng đó là ở lĩnh vực khác. Tôi xin nhấn mạnh lại trong lĩnh vực công nghệ thì người hâm mộ đề cao chất lượng của sản phẩm. Sản phẩm phải chất lượng thì mới có fans cuồng. Chúng tôi rất vui khi có những người bạn đồng hành như vậy, đó cũng là đặc thù của những tập đoàn lớn trên thế giới.
- Bkav muốn khắc họa hình ảnh của cộng đồng Bphone fans như thế nào?
- Là những người cùng chí hướng, tin tưởng Việt Nam có đủ năng lực, đủ khả năng phát triển dựa trên công nghệ và là nước công nghệ phát triển.
- Việc đánh giá cộng đồng fans công nghệ mạnh hay không dựa trên những tiêu chí gì? Nhìn nhận một cách khách quan, ông có cho rằng Bphone fans club là một cộng đồng mạnh không?
- Để đánh giá một cộng đồng lớn mạnh hay không, đầu tiên phải xét đến số lượng thành viên, sau đó là chất lượng và mức độ tương tác.
Nói về Bphone fans club (BFC), tôi cho rằng đây là một cộng đồng văn minh, tích cực và có mức tương tác rất cao. Theo thống kê từ Facebook, 90% thành viên nhóm thường xuyên tương tác. Ngoài ra, đây còn là một cộng đồng chuyên sâu về công nghệ và smartphone, chia sẻ nhiều thông tin hữu ích cho người dùng.
- Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cho phép người dùng của họ đóng góp ý tưởng phát triển sản phẩm bằng cách tham gia các cuộc khảo sát. Bkav có làm như vậy với Bphone B86? Nếu chưa thì sắp tới Bkav có làm không?
- Chúng tôi làm điều đó mỗi ngày. Hàng ngày, tôi đều trực tiếp đọc ý kiến của người dùng. Đội ngũ admin cũng vậy, mọi ý tưởng, góp ý, chúng tôi đều không bỏ qua, từ chê trách đến khen ngợi, thậm chí những ý tưởng có vẻ viển vông cũng được ghi nhận. Chia sẻ của họ có thể chưa rõ ràng hay gãy gọn, nhưng trách nhiệm của người làm sản phẩm là phải bắt được ý để thấu hiểu nhu cầu, mong muốn của người dùng và hiện thực hóa. Nó phải xuất phát từ sự trăn trở, phải làm hàng ngày chứ không dừng lại ở những sự kiện mang tính hình thức. Tổ chức vài cuộc thi theo tôi là chưa đủ và cũng không thật sự thiết thực.
- Cộng đồng Bphone fans có ý nghĩa như thế nào với Bkav nói chung và đội ngũ sản xuất Bphone nói riêng?
- Các bạn không chỉ là khách hàng, mà còn là người cùng chí hướng và giám sát hoạt động của tập đoàn. Rất nhiều lúc họ là chỗ dựa tinh thần cho Bkav và đặc biệt cho cá nhân tôi. Mỗi lần bị “ném đá”, tôi đọc ý kiến của fans và thấy đây là động lực tuyệt vời nhất để vượt qua khó khăn.
Thẳng thắn thừa nhận rằng cũng có lúc tôi yếu đuối chứ, nhưng có ý kiến của người ủng hộ tôi càng vững tin hơn, nếu không có họ ủng hộ, tôi khó có thể vượt qua những khó khăn như vậy. Đó là giá trị của Bphone fans. Mình làm ra Bphone nhưng để “nuôi dưỡng” phải có cộng đồng, và không có cộng đồng thì không có Bphone.
- Bên cạnh cung cấp thông tin về sản phẩm cho người dùng, Bkav có hoạt động nào khác để thúc đẩy Bphone fans phát triển hơn nữa, cũng như truyền cảm hứng cho cộng đồng này?
- BFC là cộng đồng hiếm hoi có sự gắn kết chặt chẽ cả hoạt động trên mạng và ngoài đời. Những người sinh hoạt trên cộng đồng này thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài đời sống, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm hay cùng nhau làm chương trình từ thiện. Đây là điều tôi cảm thấy rất tự hào.
Chúng tôi thường tổ chức offline tại các tỉnh thành và có những chương trình big off giao lưu giữa nhiều tỉnh thành với nhau ở các khu vực Bắc - Trung - Nam. Những dịp như vậy tạo ra rất nhiều cảm xúc, giúp Bkav thêm động lực để phát triển cộng đồng này hơn nữa.
- Ngoài việc thành lập cộng đồng Bphone fans trên các mạng xã hội, Bkav có dự định nào khác để phát triển cộng đồng người dùng Bphone? Bước đi tiếp theo của Bkav sẽ là gì?
- Bkav coi BFC là cộng đồng tinh hoa - nơi quy tụ những người cùng chí hướng và ủng hộ Bphone. Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp thương mại (marketing, quảng cáo…) để mở rộng tệp khách hàng, khi có khách hàng trung thành, tự khắc sẽ có fans. Chiến lược của chúng tôi là xây dựng cộng đồng bền vững và xóa bỏ định kiến của người dùng.
- Ông nói nhiều về định kiến, nhưng từ xưa đến nay, xóa bỏ định kiến vốn không phải việc dễ dàng. Có khi nào ông cảm thấy mất kiên nhẫn trong quá trình này không?
- Thành thực mà nói cũng có lúc tôi thấy mình nao núng, nhất là những ngày đầu làm Bphone. Là con người không nao núng sao được? Nhưng với tôi, điều đó chỉ thoáng qua. Một trong những phương châm làm việc ở Bkav là “Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề”. Những lúc như vậy, tôi sẽ tìm hiểu tường tận bản chất vấn đề và nguyên nhân.
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam vốn đi lên từ nền văn minh lúa nước và chưa từng trải qua cuộc cách mạng công nghiệp nào cả. Khi các quốc gia phương Tây bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần I, II, Việt Nam vẫn chỉ là một nước phong kiến lạc hậu. Ý thức xã hội đã tồn tại hàng nghìn năm, rất khó để thay đổi. Việc ít người hiểu mình cũng là điều dễ hiểu. Sau khi phân tích như vậy, tôi hiểu rằng phản ứng của người dùng là tất yếu, mà đã là tất yếu thì đừng trách ai cả, hãy coi đó là mục đích để phấn đấu thay đổi. Đó là lý do chúng tôi làm sản phẩm nhưng quan tâm nhiều đến phá bỏ định kiến.
- Ông có nghĩ Bphone đang phát triển quá nhanh?
- Về công nghệ, rõ ràng Bphone đang phát triển rất nhanh, nhưng thị trường thì không. Tôi biết điều đó và cũng biết mình phải làm như thế nào, nhưng như đã nói, đây không đơn thuần là câu chuyện về thương mại mà còn là thay đổi định kiến. Thay đổi được định kiến, mọi người mới chấp nhận sản phẩm của mình.
- Những gì phát triển quá nhanh thường không bền, ông có nghĩ vậy không?
- Nói vậy chưa hẳn đúng. Để làm việc này, Bkav đã có hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển. Nhanh ở đây là so sánh về mức độ phát triển công nghệ của một hãng, nhưng thực tế chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Bkav bắt đầu nghiên cứu sản xuất chiếc điện thoại đầu tiên vào năm 2009 nhưng phải đến 2015 mới có thể ra mắt phiên bản đầu tiên. 6 năm có thể nói là một sự chuẩn bị bài bản và không hề đơn giản.
Đến nay, niềm tin của xã hội đã tăng lên rất nhiều sau Bphone B86, điều đó có được không phải trong ngày một ngày hai mà là cả quá trình nỗ lực bền bỉ. Không chỉ minh chứng cho những giá trị mà Bkav đang theo đuổi, Bphone B86 còn là tổng hoà của sự tự hào cá nhân và lớn hơn nữa là lời khẳng định, tuyên bố rằng người Việt Nam có thể làm ra những sản phẩm có thể cạnh tranh với các quốc gia lớn.
- Nhiều năm liền nằm trong top 10 dịch vụ hoàn hảo do Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn, Bkav đã làm gì để có được thành công này? Đâu là điều Bkav tự hào nhất?
- Slogan của Bkav là “Làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”. Làm việc hết mình ở đây có thể là R&D hoặc vô vàn công việc không tên khác, nhưng phải trăn trở và bắt tay hành động, đừng nói suông. Muốn thành công phải nỗ lực hết mình, còn tốt đến đâu thì phải làm mới biết.
Mọi điều Bkav làm đều không phải hoạt động kinh doanh đơn thuần. Bản chất, Bkav là một tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực và tất cả đều xuất phát từ “tâm”. Chúng tôi muốn Việt Nam phát triển hùng cường dựa vào công nghệ. Bkav mang đến những tiện ích tốt nhất cho người dân và khách hàng. Mọi việc từ tâm đến tâm sẽ có kết quả tốt.
- Bkav muốn người dùng biết đến mình là một thương hiệu như thế nào?
- Thực ra, tôi muốn người ta biết đến Việt Nam là một đất nước như thế nào hơn là khắc hoạ hình ảnh của Bkav. Những gì chúng tôi đang làm cũng chính là để trả lời câu hỏi này. Tôi muốn người ta nghĩ đến Việt Nam là một đất nước công nghệ và Bkav là tập đoàn tiên phong trong việc xây dựng nên nền công nghệ ấy.
- Thử tưởng tượng một chút, ông hình dung viễn cảnh của Bphone nói chung và cộng đồng Bphone fans nói riêng sẽ như thế nào sau 5 năm nữa?
- Chúng tôi đang phấn đấu 5 năm nữa, Bphone sẽ thành công như những lĩnh vực khác của Bkav như an ninh mạng hay smarthome. Thời điểm bắt đầu cũng khó khăn, nhưng chúng tôi đã giải quyết bằng cách thay đổi từ gốc và thu về “trái ngọt”. Với an ninh mạng, Bkav đã chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam. Trong mảng smartphone, chúng tôi cũng đang phấn đấu có kết quả tương tự. Khi có thị phần hàng đầu Việt Nam - đất nước 100 triệu dân, Bkav hoàn toàn có thể trở thành một tên tuổi trên thế giới.
Còn cộng đồng Bphone fans, dĩ nhiên lúc đó sẽ có hàng triệu người và ngoài câu chuyện sản phẩm, đây còn là nơi quy tụ những người cùng chí hướng xây dựng đất nước hùng cường, tôi mong muốn có hàng triệu người như vậy.
BFC là cộng đồng rất văn minh, tích cực. Đâu đó ở Việt Nam, người ta nói rất nhiều về những điều tiêu cực, nhưng ở đây mọi người chia sẻ với tinh thần xây dựng, đóng góp. Tôi muốn lan tỏa những giá trị ấy ra bên ngoài, tạo ra một xã hội văn minh hơn. Không ai cấm mình thực hiện khát vọng như vậy cả.